Một công ty xuất khẩu gỗ ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nội dung trên được đưa ra tại hội nghị "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu" được tổ chức tại TP.HCM ngày 8-8.
Phát triển nhanh
Bảy tháng đầu năm nay, giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ của VN đã đạt 3,52 tỉ USD. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, sản phẩm của ngành này đã chiếm 6% thị phần thế giới.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), trong 10 năm qua, từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn máy móc, thiết bị, đến nay VN đã xuất khẩu máy chế biến gỗ và dầu màu trang sức bề mặt. Các sản phẩm này đã hiện diện tại các thị trường Bolivia, Myanmar, Campuchia...
Cũng theo ông Hạnh, xu hướng thị trường đòi hỏi nguồn gốc gỗ hợp pháp cũng là cơ hội để VN phát triển rừng trồng, xây dựng kinh tế nông thôn, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ bền vững.
Dư địa còn lớn...
Chia sẻ với hơn 300 doanh nghiệp ngành gỗ VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông có đọc một bài báo nói về doanh nghiệp gỗ VN thiết kế nội thất cho Hilton, Marriot, Sheraton... tại VN.
Đánh giá dư địa của ngành chế biến gỗ và lâm sản VN còn rất lớn, nhưng Thủ tướng cho rằng ngành đang đối mặt một số hạn chế: đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, phần lớn nguyên liệu gỗ đường kính nhỏ, còn non; nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn chiếm tỉ lệ nhỏ; công nghệ trồng rừng, chế biến gỗ còn hạn chế...
VN cũng chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản cạnh tranh trên khu vực và quốc tế. Nhiều mặt hàng VN hoàn toàn có thể sản xuất đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu, theo Thủ tướng, do không có thương hiệu để cạnh tranh.
Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo sớm ban hành một chỉ thị để hỗ trợ, tạo điều kiện ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản...
Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA, cho hay hiện VN đã được thế giới biết đến với khả năng gia công, sản xuất đồ gỗ chất lượng cao.
Tuy nhiên, thực tế ngành gỗ hiện có 80% là sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác (OEM), và phải đặt mục tiêu trong 10 năm tới ngành gỗ phải tiến đến 80% là tự đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm.
"Chúng ta cần gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm gỗ bằng sự đầu tư công nghiệp sáng tạo, xây dựng bản sắc, phong cách gỗ Việt" - ông Khanh nói.
Đứng đầu ASEAN, thứ 2 châu Á
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỉ USD. Ngành này đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 9 tỉ USD trong năm nay.
Hiện gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của VN, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ VN đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận