Đồ dùng dạy học công nghệ cao: Tiền tỉ "đắp chiếu"

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã đầu tư trên 180 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học. Trong số này rất nhiều nhóm thiết bị công nghệ cao, giá trị hàng chục tỉ đồng đang trong cảnh “đắp chiếu”.



Phóng to
Phòng học ngoại ngữ của Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Gia Lai) được đầu tư thiết bị hiện đại hơn nửa năm nay vẫn chưa một lần sử dụng - Ảnh: T.B.D.

Ông Dương Văn Tuấn, phó Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Gia Lai, cho biết kết quả khảo sát mới đây của đơn vị này cho thấy nhiều đồ dùng học tập đắt tiền được đưa về các trường nhưng chưa được sử dụng, nhiều trường học đầu tư các trang thiết bị không phù hợp. Khoản tiền đầu tư cho hệ thống này không hề nhỏ. Trong đó đáng chú ý là bộ thiết bị phòng lab học ngoại ngữ, màn hình thông minh...

“Thiết bị quá hiện đại”

Kinh phí từ ngân sách hằng năm

Ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết nguồn kinh phí trên 180 tỉ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị trường học được lấy từ khoản chi hằng năm của tỉnh Gia Lai.

Cụ thể: 20% tổng ngân sách chi hằng năm của tỉnh Gia Lai được phân bổ cho ngành giáo dục của tỉnh, trong khoản này 80% được dùng để chi lương, 20% còn lại dùng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các khoản khác.

Sau hơn sáu tháng từ khi hệ thống màn hình thông minh kết hợp với phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh được đưa về lắp đặt, toàn bộ hệ thống này vẫn chưa được sử dụng cho một buổi học nào tại Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Ngày 20-8, khi giáo viên trường này mở khóa để chúng tôi vào bên trong phòng lab thì căn phòng tối om, mùi ẩm thấp bốc lên.

Theo một giáo viên của trường, sau khi được bàn giao, một số thầy cô thử làm quen với thiết bị này thì lộ ra nhiều bất cập như thiết bị quá hiện đại, giáo trình bằng tiếng Anh - đòi hỏi người sử dụng phải đạt một trình độ chuẩn tương đối.

Ngoài ra, hệ thống thiết bị này muốn sử dụng được cũng đòi hỏi phải có nhiều hệ thống hỗ trợ như phòng trang bị đạt đủ các điều kiện đi kèm, hệ thống bàn học đi kèm bộ thiết bị này quá cao so với chiều cao của học sinh THCS.

“Thiết bị này được cấp cuối năm và còn quá mới mẻ, trường đang cử giáo viên đi học mới có thể sử dụng được” - vị giáo viên này nói, đồng thời chia sẻ việc Sở GD-ĐT Gia Lai quan tâm, hỗ trợ nhà trường hệ thống phòng lab này là điều rất đáng mừng nhưng hiện tại, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường còn rất nhiều thiếu thốn, cần được ưu tiên trước.

Tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Chư Prông), hệ thống máy móc cũng đang trong cảnh trùm mền. Những bộ máy chiếu, màn hình thông minh được đặt lạc lõng trong căn phòng cũ kỹ với những bộ bàn ghế xiêu vẹo, nền gạch dính đầy vết bùn đất. Hệ thống màn hình thông minh dù đưa về từ năm 2013 nhưng thời điểm chúng tôi đến, nhiều thiết bị vẫn còn nguyên trong hộp. Một màn hình tivi, hộp đựng màn hình laptop vẫn nguyên đai nguyên kiện, chưa được bóc ra khỏi hộp.

Cô Phạm Thị Kim Oanh - hiệu phó Trường tiểu học Lê Hồng Phong - cho biết do thiết bị rất phức tạp, giáo viên của trường chưa thể sử dụng được mặc dù đã có cán bộ đến hướng dẫn. Khi được hỏi về việc có cần thiết trang bị bộ màn hình thông minh này cho nhà trường trong khi trường vẫn chưa đủ phòng học cho học sinh, cô Oanh nói: “Về lâu dài thì chúng tôi nghĩ thiết bị này là cần thiết, nhưng hiện tại do chưa sử dụng ngày nào nên cũng chưa nói được gì”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các trường khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Kbang), Trường tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Ia Pa).

Phóng to
Hệ thống phòng lab, màn hình thông minh tại Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sau nửa năm đưa về vẫn chưa một lần sử dụng - Ảnh: T.B.D.

“Vừa làm vừa thí điểm”

Sắm cả đàn piano cho các trường vùng xa

Theo số liệu của HĐND tỉnh Gia Lai, ngoài hệ thống phòng lab, màn hình thông minh rất đắt tiền, việc đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học đã gây lãng phí vì học sinh không có nhu cầu. Ví dụ đàn piano được đưa về trường vùng xa nhưng các trường này lại không có phòng âm nhạc, hoặc trang bị nệm phục vụ môn thể dục nhảy xa cho học sinh tiểu học trong khi môn nhảy xa không có trong chương trình của học sinh tiểu học...

Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết đến nay sở đã trang bị tổng cộng 76 phòng lab phục vụ dạy học tiếng Anh với tổng kinh phí trên 28 tỉ đồng và 102 màn hình thông minh với tổng giá trị gần 21 tỉ đồng. Hệ thống màn hình thông minh này hoàn toàn mới, giáo viên có thể truy xuất dữ liệu cũng như giảng dạy trực tiếp trên hệ thống mà không cần sử dụng giáo án.

Lý giải về việc đầu tư nhiều hệ thống dạy học đắt tiền vào trường phổ thông, ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai, nói: “Chúng tôi đang phải đi hai hàng để nâng cao chất lượng dạy và học: hàng ngang lẫn hàng dọc”.

Theo ông Thạch, “hàng ngang” là đầu tư đồng bộ, thiết thực hệ thống dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, còn “hàng dọc” là làm công tác vận động, phụ trợ để học sinh đến trường.

Ông Thạch nói thêm về dài hạn thì các thiết bị dạy học thông minh là rất cần thiết để giúp học sinh tiếp thu bài vở tốt hơn, tạo hứng thú, từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận khá nhiều hệ thống đầu tư máy móc, thiết bị có giá trị lớn nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả, nhiều nơi đang trùm mền.

“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đợt này đang triển khai đưa giáo viên các trường đi tập huấn để về sử dụng. Trước khi đưa thiết bị vào, chúng tôi cũng đã khảo sát nhu cầu rồi. Nhưng quá trình sử dụng có nảy sinh như thế nào thì khắc phục dần, vừa làm vừa thí điểm, nếu tốt thì tiếp tục, còn không có hiệu quả thì thu hồi và chuyển đổi qua các đơn vị khác. Cũng có một nguyên do khác khiến việc đưa thiết bị vào nhưng chưa được sử dụng là thời điểm cấp về các trường cuối năm học, nhà trường chưa sử dụng ngay được”.

Giáo viên đuối với công nghệ cao

Chừng 10 năm trở lại đây, giáo viên tiểu học ở TP.HCM phải làm việc rất cực nhọc trong công tác chuyên môn, nhiều người chạy như trối chết trong việc tự bồi dưỡng, học tập để trang bị nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy một cách căn bản. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ bị đào thải khỏi ngành.

Trước hết là chuyện soạn giáo án. Nhiều trường bắt buộc giáo viên phải soạn bằng vi tính, như vậy giáo viên buộc lòng phải bỏ công sức, thời gian, tiền của đi học bằng A vi tính, trước hết do yêu cầu của ngành đặt ra, sau để tự phục vụ mình trong việc soạn bài.

Ngoài ra, bản thân giáo viên phải đầu tư mua sắm nguyên một bộ máy vi tính để soạn và in giáo án. Công việc mới này hơi quen thì bước vào công đoạn đổi mới giảng dạy, dạy học sinh bằng phương pháp tích cực.

Ngoài các phương pháp truyền thống đã học ở trường sư phạm, giáo viên phải làm quen với việc dạy có hỗ trợ công nghệ thông tin, đó là soạn giáo án điện tử để giảng dạy. Thế là giáo viên phải đi học để biết soạn bài có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh...

Rồi phòng giáo dục các quận huyện, các trường mở chuyên đề, hội giảng thường xuyên, liên tục cho giáo viên dự giờ học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi đều phải có “tiết mục” dạy bằng giáo án điện tử.

Các trường cũng đặt ra chỉ tiêu một năm giáo viên phải có bao nhiêu tiết dạy trên giáo án điện tử mới được đưa vào diện xét thi đua cuối năm. Thú thật việc dạy bằng giáo án điện tử này thật sự giúp cho tiết dạy của giáo viên nhẹ nhàng, thêm phần sinh động, nhưng thực tế đâu phải giáo viên nào cũng giỏi về công nghệ thông tin mà tự lên mạng tìm tư liệu phục vụ cho việc soạn bài. Cho nên trường bắt buộc dạy bằng giáo án điện tử thì họ mượn giáo án của giáo viên khác dạy, dẫn đến nhiều tình cảnh dở khóc dở cười.

Vì không phải giáo án của mình soạn nên nhiều khi bị lỗi, giáo viên lúng túng không biết điều chỉnh làm tiết dạy lủng củng, dở dang, rời rạc, không đạt yêu cầu...

Chưa hết, giáo viên còn được cử, mời dự giờ dạy bằng bảng tương tác để làm quen thêm công nghệ mới nữa. Dạy trên bảng tương tác là thoát ly hoàn toàn bảng đen phấn trắng theo truyền thống bao đời nay. Và đương nhiên, giáo viên lại phải “vật lộn” với công nghệ mới.

Bao lo lắng trăn trở chưa nguôi ngoai thì trước thềm khai giảng năm học mới 2014-2015 lại nghe Sở GD-ĐT TP.HCM bàn chuyện triển khai đề án sách giáo khoa điện tử với chi phí khoảng 4.000 tỉ đồng.

Theo thông tin được biết sách giáo khoa học sinh lớp 1, 2, 3 đã được số hóa, không hiểu đến năm học 2015-2016 thực hiện đổi mới nội dung sách giáo khoa thì số sách đã số hóa này sẽ như thế nào và năm học 2014-2015 nhiều trường ở TP.HCM áp dụng mô hình trường học mới dành cho học sinh lớp 2 thì sách này làm sao áp dụng? Sử dụng sách giáo khoa điện tử, học sinh khi đi học chỉ mang máy tính bảng nặng chừng mấy trăm gam không cần phải balô, cặp sách nặng nề; giáo viên và học sinh làm việc trên lớp chỉ cần dùng ngón tay “quẹt quẹt, chọt chọt” trên màn hình cảm ứng là xong.

Thoáng nghe, nhiều giáo viên tưởng việc dạy sẽ nhẹ nhàng sướng thân không còn cực khổ nữa, ai dè nỗi lo công nghệ lại rình rập sau lưng họ vì thực tế bản thân giáo viên có người còn chưa biết thao tác mở nguồn trên điện thoại có màn hình cảm ứng hay tự rút tiền qua ATM mà toàn nhờ người khác...

Không biết sau sách giáo khoa điện tử sẽ đến cái gì? Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão như hiện nay, giáo viên cứ phải mệt nhoài cắm đầu chạy theo công nghệ, lệ thuộc công nghệ mà nhiều lúc quên đi rằng chính mình mới là người quyết định trong việc hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp