Nón bảo hiểm của lính cứu hỏa Joe Hunter - Ảnh: NATGEO
Joe Hunter, cư dân Long Island, có bằng kinh doanh tại Đại học Hofstra. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ Hunter đã biết bản thân muốn trở thành một nhân viên chữa cháy.
Khi tin tức về vụ 11-9 lan truyền, Hunter cùng các đồng nghiệp chất đồ nghề lên xe và hướng đến Trung tâm Thương mại thế giới để hỗ trợ sơ tán.
Khi tòa tháp sụp đổ, Hunter và đồng nghiệp đã thiệt mạng. Nón bảo hiểm của Hunter được tìm thấy trong đống đổ nát một vài tháng sau đó.
Hunter hy sinh khoảng 18 ngày trước sinh nhật lần thứ 32. Trước đó, khi mẹ anh bày tỏ lo lắng công việc nguy hiểm, Hunter nói rằng: "Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, mẹ chỉ cần biết rằng con rất yêu công việc này".
Chiếc quần bám đầy tro bụi của người quá cố - Ảnh: NATGEO
Khi biết tin có khủng bố, tình nguyện viên Greg Gully ở bang New Jersey (giáp với bang New York) vội gom đồ dùng cá nhân và lên đường tới tòa tháp đôi.
Gully phát khẩu trang chống bụi cho người sơ tán, hỗ trợ y tế và phụ giúp tìm kiếm trong đống đổ nát suốt 4 ngày.
Cuối cùng, sau khi trở về nhà, Gully treo chiếc quần anh mặc còn dính nguyên bụi ở hiện trường lên mắc áo, đính kèm một tờ giấy viết tay: "Chiếc quần được mặc vào ngày 11-9-2001 tại Washington D.C. Vui lòng KHÔNG GIẶT. Tro bụi chính là hài cốt của những người đã chết. Chúa phù hộ họ!".
Đôi giày của cảnh sát John McLoughlin, người bị chôn vùi dưới đống đổ nát nhưng may mắn sống sót - Ảnh: NATGEO
Cảnh sát John McLoughlin và 4 sĩ quan đang hỗ trợ sơ tán thì tòa tháp sụp đổ, chôn vùi họ. Dưới đống đổ nát, 2 người trong số họ sống sót: McLoughlin (khi đó 21 tuổi) và Jimeno.
Cả hai đều không biết tên nhau và nằm trong đống đổ nát cách nhau khoảng hơn 4 mét. Họ chia sẻ những mẩu chuyện gia đình và thúc giục nhau cố gắng chịu đựng.
Khi màn đêm buông xuống, họ nghe thấy tiếng nói và được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Jimeno bị mắc kẹt 13 giờ, còn McLoughlin mắc kẹt tới 22 giờ.
McLoughlin được đưa ra khỏi đống đổ nát với chiếc huy hiệu cảnh sát cùng đôi giày trên chân. Anh đã hôn mê trong 6 tuần, trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật, nằm viện hàng tháng trời.
Tờ giấy in hình mẹ của viên phi công thiệt mạng tại Lầu Năm Góc năm đó - Ảnh: NATGEO
Phi công Charles F. Burlingame III mang theo một tấm bùa hộ mệnh quý giá: một tấm thiệp cầu nguyện từ đám tang của mẹ anh, bà Patricia, người đã qua đời chưa đầy một năm trước đó.
Nhân viên cứu hộ tìm thấy tấm thẻ tại Lầu Năm Góc. Anh trai của Burlingame cho biết việc tìm thấy tấm thẻ mang lại sự an ủi rất lớn cho gia đình: "Gia đình tôi tin rằng đã có mẹ lo lắng cho em ấy".
Đồng hồ đeo tay của một nạn nhân - Ảnh: NATGEO
Vào ngày 11-9, khi các đồng nghiệp tại Công ty luật Sidley Austin Brown & Wood bắt đầu sơ tán, Rosemary Smith vẫn nán lại để chuyển tiếp các cuộc gọi đến máy trả lời tự động, và rồi cô kẹt lại đó mãi mãi.
Smith là nhân viên duy nhất của công ty thiệt mạng trong vụ tấn công. Đồng hồ của Smith được tìm thấy cùng với hài cốt của cô vào đêm Giáng sinh năm 2001, như bằng chứng cho sự tận tâm với công việc của cô.
Bức ảnh cháu trai của Capestro, người chạy thoát trước khi tòa tháp sụp đổ - Ảnh: NATGEO
Joanne Capestro mãi mãi không thể quên những gì cô nhìn thấy khi máy bay đâm vào tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới, ở phía trên văn phòng nằm ở tầng 87 của cô. Những người không tìm thấy lối thoát phải nhảy xuống, những người lính cứu hỏa leo lên khi mọi người ùa xuống cầu thang…
Bạn của cô, Harry Ramos, không vội bỏ chạy mà cố gắng giúp một người đàn ông bị bệnh. Ramos đã không thể thoát khỏi tòa tháp.
Trong nhiều tháng, chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hành hạ Capestro. Sau đó cô hồi phục, dần trở lại bình thường. Khi chiếc túi xách của Capestro được tìm thấy tại hiện trường, trong đó có bức ảnh chụp cháu trai của cô bị cháy sém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận