Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc đang đặt ra những thách thức đối với Mỹ, báo The Australian của Úc dẫn lời đô đốc Harris - Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ - nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Viện chính sách chiến lược ở Brisbane ngày hôm qua.
"Tôi tin rằng Trung Quốc đang tăng cường xây dựng sức mạnh chiến đấu và chiếm thế thượng phong trong nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền thực tế đối với các thực thể và không gian đang tranh chấp ở Biển Đông", người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cảnh báo.
"Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để làm xói mòn trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Họ đang làm thay đổi cảnh quan khu vực, cả về chính trị và vật chất bằng cách tôn tạo và quân sự hóa những thực thể nhân tạo", Đô đốc Harris ám chỉ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã gần như hoàn tất các công trình quân sự trên 7 thực thể nước này chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chính quyền Bắc Kinh, một mặt ngang ngược tuyên bố không có bất kỳ thứ gì gọi là "quân sự hóa" trên Biển Đông, mặt khác lớn tiếng cảnh báo kiểu đe dọa các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản đừng can dự vào vấn đề của khu vực.
"Những hòn đảo giả sẽ không bao giờ được người thật tin", Đô đốc Hải quân Mỹ nói thẳng. Việc Trung Quốc cải tạo trái phép các thực thể trên Biển Đông đã rõ, nhưng theo các chuyên gia luật quốc tế, ẩn sau đó còn là âm mưu thay đổi hiện trạng tranh chấp theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Điển hình như đá Chữ Thập sau khi bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng và cải tạo, đã trở thành một hòn đảo nhân tạo rộng lớn. Cần nhớ quy chế vùng nước xung quanh thực thể đá và đảo là hoàn toàn khác nhau theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Việc Trung Quốc âm mưu thay đổi hiện trạng từ đá sang đảo là âm mưu rõ ràng để mở rộng lãnh hải xung quanh thực thể nước này chiếm đóng nhưng đang trong tranh chấp, theo các chuyên gia luật quốc tế.
Đó cũng là lý do vì sao hồi tháng 5 vừa rồi, khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn - một thực thể đang được Trung Quốc tích cực xây dựng thành đảo nhân tạo, Bắc Kinh đã nổi đóa chỉ trích.
Sự xuất hiện của USS Dewey trong khu vực 12 hải lý cùng việc tàu này tiến hành diễn tập cứu người đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Mỹ: Quy chế đảo sẽ không được áp dụng cho hòn đảo "giả" Trung Quốc xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận