Chiều 2-10, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo quốc gia "Đất và phân bón" lần thứ 1 năm 2024 với chủ đề "Thực trạng độ phì thực tế đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa".
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên trưởng khoa nông nghiệp (Trường đại học Cần Thơ), nhận định đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số đạm, lân, kali chưa đến ngưỡng báo động, nhưng độ "dễ tiêu" của đất ngày càng xuống dần.
Ông ví von việc này giống như cha mẹ giàu (dinh dưỡng trong đất nhiều) nhưng các con vẫn nghèo (do không hấp thu được).
Để giải quyết vấn đề này cần giải pháp kỹ thuật từ người nông dân và giải pháp từ phân bón.
Thứ nhất là rơm rạ không nên đốt, bán đi, mà cần trả lại, vùi lại trong đất bằng xử lý chế phẩm vi sinh. Thứ hai là làm cho tầng canh tác trở nên dày hơn, lý tưởng từ 10-15cm, thay vì làm 7-8cm như hiện nay.
Thứ ba là cần có thời gian phơi ải đất. Hiện nay do áp lực mùa vụ, người dân không có chọn lựa, khi ngoài đồng đang thu hoạch thì đã ủ giống cho vụ mới. Thời gian phơi đất trong khoảng 3 tuần là lý tưởng.
Thứ tư là làm những rãnh nước trên đồng ruộng, việc này sẽ có ảnh hưởng tới độ phì của đất.
Thứ năm là ngâm đất. Sau một thời gian phơi ải thì tới thời gian ngâm đất khoảng 2 tuần để cải thiện độ chua của đất. Giải pháp cuối là sử dụng phân bón tác động vào đầu vụ.
Ông Lê Quốc Phong - phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam - đặt ra giả thuyết với cách bón phân như hiện nay, không có sự thay đổi thì 50-60 năm nữa liệu thế hệ con cháu có còn canh tác nữa hay không.
"Những người làm phân bón như tôi đã 41 năm luôn luôn nghĩ rằng vấn đề không phải là yếu tố phân bón, mà là yếu tố đất. Đồng bằng sông Cửu Long có dinh dưỡng trong đất nhiều, nhưng sự hấp thụ càng ngày càng ít đi.
Bón phân càng nhiều mà dinh dưỡng nằm lại trong đất càng nhiều thì đất đó càng bạc màu, nên phải giải phóng được nó.
Vừa rồi, chúng tôi có những đột phá một số sản phẩm tăng hiệu quả rất cao để làm sao tiết kiệm lượng bón, lần bón. Nhưng muốn tiết kiệm được, đầu tiên phải giải quyết khâu đất trước, làm cho đất tơi xốp lên, có các vi sinh vật.
Với tư cách là phó chủ tịch Hội Phân bón Việt Nam, tôi luôn luôn khuyên các nhà sản xuất luôn luôn có trách nhiệm với bà con nông dân, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho đất tốt lên rồi nghĩ đến chuyện bán phân bón sau.
Có thể sản lượng phân bón bán ra sẽ giảm nhưng với trách nhiệm với đất đai, với người nông dân, cần có cách tiếp cận mới như vậy thì mới xử lý được vấn đề", ông Phong nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận