Biên bản bàn giao hiện vật phù điêu Brahma cho Bảo tàng Quảng Trị |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
Nhà nghiên cứu B. gửi tôi hình scan bài báo đăng trên một tạp chí sử học uy tín và không quên đính kèm bức ảnh cũ do ông chụp bức tượng này lúc ấy và chỉ ra những điểm vô lý...
Bản lý lịch hoành tráng
Lần theo bài báo, chúng tôi đến Bảo tàng Quảng Trị và được ông giám đốc Lê Đình Hào giới thiệu tác giả bài báo Hoàng Ngọc Thiệp, đang là cán bộ phòng nghiệp vụ của bảo tàng. Ông Thiệp dẫn chúng tôi tiếp cận bức phù điêu đang lưu kho bảo tàng.
Nhìn qua, có thể nhận ra ngay đây chính là bức phù điêu ở nhà anh S. từ mấy năm trước.
Từ hình chạm nổi thần Brahma, hình dáng những góc vát quanh phù điêu, rồi vết vỡ nhỏ trên ngón cái của bàn chân phải bức tượng; những vết mòn trên gờ của hai đồ vật mà vị thần này nắm trên tay; nốt màu vàng chừng 2cm2 ở viền phù điêu...
“Biên bản giao nhận” hiện vật có cả xác nhận của chính quyền địa phương ghi rõ: “Phù điêu thần Brahma được tạo tác trên một khối đá hình vòm cuốn, màu xám, có ba đầu, một mặt chính diện và hai mặt hướng về hai phía.
Tóc búi tó về phía sau, đầu đội mũ hình cánh sen, thân hình nở nang, rắn chắc, hai tay được tạc trong tư thế ép sát hông, khuỷu tay tựa lên hai bắp đùi, hai bàn tay cầm hai binh khí. Ngang hông có quấn dải xămpốt dài”.
Bản “lý lịch hiện vật” của Bảo tàng Quảng Trị cũng xác định rõ là: “Phù điêu Brahma. Đá sa thạch, còn nguyên hình dáng, nhiều chi tiết bị bào mòn bề mặt”.
Người sưu tầm hiện vật là Nguyễn Cường và Trịnh Cao Nguyên, cán bộ Bảo tàng Quảng Trị. Phù điêu cao 85cm, rộng 49cm. Văn bản cũng khảo tả đặc điểm về chất liệu, nội dung, tình trạng...
Phù điêu Brahma do nhà nghiên cứu B. chụp tại nhà ông S. ngày 1-11-2013 - Ảnh: T.B. |
Hiện vật được sưu tầm vào ngày 25-12-2013. Theo hồ sơ hiện vật, bức tượng được Bảo tàng Quảng Trị mua lại của ông Nguyễn Trí Tý - một người buôn cổ vật ở khu phố 8, phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - với giá 17 triệu đồng.
Bản lý lịch hiện vật cũng cho biết: “Theo chỉ dẫn của những người chơi cổ vật trong Hội Di sản văn hóa Quảng Trị về một phù điêu Chăm, chúng tôi đã tiếp cận và nhận thấy đây là một tấm phù điêu tạc thần Brahma thường được thờ cúng ở các đền tháp Chăm.
Chủ nhân của tấm phù điêu, anh Nguyễn Trí Tý, cho biết trong lúc đào móng xây dựng nhà đã phát hiện nó nằm ở độ sâu hơn 1m, cách đây đã hơn 4 năm.
Khu vực phát hiện nằm kề khu đất gọi là cồn Giàng thuộc địa phận làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong; cũng trong khu vực này nhiều năm trước đây, Bảo tàng Quảng Trị đã đưa về và hiện đang trưng bày hai tấm phù điêu lá nhĩ, đầu tượng tu sĩ...
Nhận thấy đây là một hiện vật có giá trị cho nghiên cứu khoa học cũng như trong trưng bày và được sự đồng ý của chủ nhân, chúng tôi đã đưa hiện vật về bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng...
Qua nghiên cứu các họa tiết điêu khắc và căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về tháp Trà Liên, phù điêu Brahma này thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương (nửa cuối thế kỷ thứ IX).
Với những giá trị đó của hiện vật, chúng tôi đã làm hồ sơ khoa học và pháp lý để đưa hiện vật về bảo quản tại kho cơ sở bảo tàng, phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày về sau”.
Người đứng tên duyệt bản lý lịch này là ông Mai Trường Mạnh, khi ấy là giám đốc Bảo tàng Quảng Trị.
Phù điêu lưu kho Bảo tàng Quảng Trị chụp ngày 14-7-2015 - Ảnh: THÁI LỘC |
Bảo tàng “dính” quả lừa
Vào tháng 11-2013, người viết bài này cũng đã ghé thăm nhà anh S., một nhà buôn đồ cổ ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, và thấy bức phù điêu nói trên nằm lăn lóc ở sân.
Anh S. cho biết bức phù điêu hoàn toàn là đồ mới, được đưa về từ một vườn tượng ở Tuy Phước, Bình Định. Theo diễn giải của anh S., ở Bình Định hiện có rất nhiều vườn tượng tương tự, làm các loại tượng theo kiểu tượng Chăm cổ để bán.
Rất nhiều chủ khu nhà vườn, biệt phủ của đại gia mua về bày biện, đặc biệt là những khu du lịch lớn mua hẳn cả bộ sưu tập về trang trí sân vườn... Nhiều cơ sở, vườn tượng có những bức dầm mưa dãi nắng đến 20 - 30 năm nên trông cũ kỹ, người không rành nhìn qua rất giống tượng cổ.
“Nó 100% là đồ mới. Thật ra thì tui không mua bức phù điêu này đâu. Nhưng khi đổi đồ cổ với anh B. ở Bình Định lấy một món đồ sứ, do còn thiếu 2,5 triệu đồng nên anh B. cáp thêm cái phù điêu này vào luôn. Tui thấy cũng bắt mắt nên đem về để ở sân vườn cho vui!”- anh S. cho biết.
Để trong sân nhà anh S. một thời gian, một dân buôn cổ vật ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) đến xin nhận đem đi bán.
Người này đưa phù điêu ra Quảng Trị và bán cho một dân buôn cổ vật ở TP Đông Hà. Bức phù điêu sau đó được “vẽ” nên một lý lịch, xuất xứ, rằng là đào được từ một khu vực có phế tích tháp Chăm nổi tiếng để bán.
Ông Mai Trường Mạnh, giám đốc Bảo tàng Quảng Trị giai đoạn ấy (nay là giám đốc Thư viện Quảng Trị), thừa nhận vì không có kinh phí nên không có điều kiện để mời các chuyên gia có chuyên môn giám định.
Do đó, trước khi mua hiện vật, ông chỉ quyết định thông qua sự thẩm định bởi hội đồng khoa học của đơn vị gồm các cán bộ của bảo tàng.
“Cũng phải khẳng định rằng hội đồng khoa học cấp cơ sở của bảo tàng tỉnh thì trình độ kiến thức anh em cũng có hạn. Trong khi để giám định được hiện vật cần phải có chuyên gia giỏi và thiết bị máy móc.
Do đó, rất hạn chế trong chuyện trao đổi hiện vật”, ông Mạnh chia sẻ. Theo ông, mỗi năm nguồn của tỉnh Quảng Trị cấp cho việc sưu tầm hiện vật (gồm cả công tác phí và kinh phí họp hội đồng khoa học...) chỉ 50 triệu đồng. Do đó, “không thể mua được tư liệu hiện vật có giá trị được”.
Khi chúng tôi đưa thông tin từng tiếp cận với bức phù điêu này trước đó, và biết rõ nó là đồ mới kèm theo xuất xứ, ông Mạnh chua chát: “Có thể anh em bị lừa. Cũng do trình độ năng lực anh em đi sưu tầm hạn chế nên mới có thể nhầm. Đó là tai nạn nghề nghiệp, là điều không ai mong muốn!”.
Sai về phong cách “Khuôn mặt của phù điêu tạc bị “bẹt”, không đúng phong cách, tạc không sắc sảo, không mang vẻ Chăm. Đây hẳn là tư thế thần Shiva múa điệu “Vũ trụ” mà đưa mặt thần Brahma vào là sai rồi. Hai bầu vú tạc cũng không cân đối, vả lại phù điêu tạc ngực phụ nữ trong khi Brahma là nam thần. Xămpốt cũng rất lạ, mang phong cách Khmer nhiều hơn. Người tạc tượng sai kiến thức. Brahma thường cầm pho kinh Vệ Đà chứ không phải cầm những vật đang cầm. Cách đây mấy năm, anh T.B. đã gửi tôi hình bức phù điêu này qua thư điện tử, tôi đã nói rõ những điều này và khuyên anh không nên mua, vì nhìn chung nó kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia!”- tiến sĩ B., chuyên gia về hiện vật Champa và Óc Eo ở TP.HCM (vì lý do tế nhị nên xin giấu tên), cho biết. |
_____________
Kỳ tới: Nghi vấn quanh lô đồ sứ ký kiểu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận