Quang Tuấn (vai Trôi) và Nam Thư (vai Nương) trong vở Ngược gió - Ảnh: LINH ĐOAN
Vở kịch mở màn với chiếc ghe chông chênh của anh Trôi bán chiếu. Anh chơi vơi hết bến này tới bến khác với tấm bảng "Tìm vợ" treo lủng lẳng trên nóc ghe. Hai năm anh bươn bả khắp kinh rạch ôm cây đờn kìm, ca bài Lý son sắt khản giọng kiếm người vợ thất lạc. Hễ ghe anh chèo dưới sông thì trên mé lộ, Nương (cô bạn thân thuở nhỏ) cứ cưỡi chiếc Cub rượt theo canh chừng.
Là - cô vợ hờ của Trôi - vốn ơn nặng, đem lòng yêu và trao thân cho ông chủ lò gạch. Bà chủ phát giác, nổi cơn ghen hối người đuổi Là chạy trối chết với bào thai mới tượng hình. Yêu Là, nên bất chấp miệng đời cười chê, Trôi cưu mang và đem Là qua xứ khác nương náu. Rồi một ngày, bà chủ lò gạch cũng tìm đến tận nơi trong lúc Trôi đi vắng. Anh trở về với chiếc ghe tan tác, còn bóng Là bặt tăm. Hành trình tìm vợ của người chồng đau khổ bắt đầu…
Lý son sắt với giai điệu trầm buồn, nhiều tâm sự là giai điệu chủ lực trong suốt vở diễn bên cạnh những bài khác như Lý chim xanh, Lý đêm trăng, Vọng kim lang…
Vốn có sở trường là ca sĩ hát dân ca, bolero, Duy Hòa đã đặt phối Lý son sắt theo kiểu nhạc bolero với tiếng đờn kìm trọng tâm như tiếng lòng khắc khoải tìm nhau. Và vì vậy phần nhạc đã hỗ trợ đắc lực để người xem đi vào khám phá sông nước, tâm tình của người miền Tây.
Duy Hòa tâm sự làm vở này anh xúc động muốn khóc bởi các diễn viên trẻ dù bận rộn với các sô diễn nhưng vì yêu mến các nhân vật trong Ngược gió đã thu xếp lịch tập nhiều nhất có thể. Nhiều mảng miếng vì vậy đã được chăm chút.
Người xem ấn tượng với Nương của Nam Thư, con gái mà như đàn ông, tính thẳng ruột ngựa nhưng tình cảm. Thương người ta mà thương ngặt thương nghèo, người ta không ngó tới mình vẫn lặn lội theo chăm sóc, bảo bọc để rồi nhận về bao nhiêu tê tái, đắng cay.
Rồi má Huệ của Minh Dự cũng đầy tâm sự, làm người xem cười đó rồi khóc đó bởi đứt ruột nhìn con gái (Nương) khổ sở vì yêu. Trôi của Quang Tuấn, Sơn Thẹo của Hoàng Phi, bà Hiền của Hồng Trang, chú Bảy của Tiểu Bảo Quốc… mỗi nhân vật đều có những nét riêng để đi vào lòng khán giả. Nhưng có lẽ vì đào sâu khai thác nội tâm cho nhiều nhân vật nên Ngược gió khá dài, đôi lúc lặp lại.
Vở có những đoạn phải hát sống các điệu lý, vô vọng cổ nên rất cần diễn viên cố gắng nhiều hơn để có thể hát ngọt hơn...
Đọng lại trong lòng người xem là những phút lòng như chùng xuống bởi sự trái khoáy của tình yêu. Như lời trong bài hát Đò dọc của tác giả Trầm Tử Thiêng vang lên cuối vở: Đò cắm bờ này thương bến kia, thấy mình quạnh hiu… Thiệt kỳ lạ, như chiếc ghe tròng trành giữa đôi dòng nước, ở bên này mà lòng cứ đâu đó, rồi cứ mải miết chạy theo những gì không thuộc về mình mà đâu biết ân tình đau đáu đang kề bên…
Ngược gió là tác phẩm mới toanh của "tân binh" Tiết Duy Hòa - vốn xuất thân từ Đoàn văn công An Giang, vừa tốt nghiệp đạo diễn tháng
10-2019 với vở Đò tình được nhiều người khen ngợi. Quản lý Ngọc Hùng của sân khấu Thế Giới Trẻ đi xem thấy ưng và đặt hàng anh làm tác phẩm mới cho sân khấu với màu sắc sông nước miền Tây.
Thời thơ ấu của Duy Hòa ngập tràn hình ảnh sông quê. Từ cảm hứng về quê hương và tập truyện có câu chuyện Lý lu là, anh bắt tay viết kịch bản Ngược gió, chỉnh sửa trau chuốt mất nửa năm và tập dợt hơn một tháng để có được một vở diễn thấm đẫm sông nước miền Tây, thấm đẫm tâm tình của người miệt vườn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận