04/07/2019 19:08 GMT+7

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1

ĐÔNG HÀ - LÊ ĐỨC DỤC
ĐÔNG HÀ - LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Cách nay đúng 30 năm (5-7-1989), trên vùng biển phên giậu của Tổ quốc - thềm lục địa phía Nam - những nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng để bảo vệ chủ quyền.


DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 1.

Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam - Ảnh tư liệu Lữ đoàn 171

30 năm, nhiều đổi thay và phát triển. Nhưng có một điều duy nhất không đổi thay: DK1 vẫn và sẽ mãi là bức thành đồng trên Biển Đông. Thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau chiến dịch CQ88 với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Gạc Ma, 64 cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh trên vùng biển Trường Sa, Bắc Kinh còn có một âm mưu khác là thâm nhập sâu hơn vào thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi đang cất giấu nguồn tài nguyên khổng lồ của đất nước: dầu khí. 

Ngày2 6-10-1988, tư lệnh hải quân - phó đô đốc Giáp Văn Cương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 phải chốt giữ, bảo vệ chủ quyền phía Nam của Tổ quốc. Ngày ấy, đại tá hải quân Phạm Xuân Hoa là lữ đoàn trưởng cùng đồng đội lên tàu, vượt gió chướng, sóng to ra biển, tìm "đất" cho nhà giàn DK1.

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 2.

Nhà giàn DK1/15 hôm nay

"Phải làm bằng được, nếu không sẽ có tội với nhân dân"

Năm nay đã 75 tuổi nhưng đại tá Hoa còn mạnh khỏe, cường tráng như chính tố chất của người lính hải quân. Trong nhà đại tá Hoa có rất nhiều loại hải đồ để thi thoảng ông dùng nói chuyện về chủ quyền, về DK1 với bà con trong khu phố, với học sinh các trường và các cuộc sinh hoạt chủ đề liên quan đến biển đảo của hội cựu chiến binh.

Đại tá Hoa nhớ lại: vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo trong chiến dịch CQ88 trở về từ Trường Sa, đầu tháng 11-1988, ông và đại tá Hoàng Kim Nông - phó lữ đoàn trưởng chính trị (tức chức vụ chính ủy hiện nay) - nhận được triệu tập trực tiếp của tư lệnh Giáp Văn Cương lên 1A Tôn Đức Thắng, TP.HCM (trụ sở của Bộ tư lệnh hải quân ở phía Nam) nhận nhiệm vụ.

"Đây là nhiệm vụ số 1 và rất quan trọng, không khác gì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa trong chiến dịch CQ88. Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa rồi. Nay với nhiệm vụ này, các đồng chí phải làm bằng được. Nếu không làm được thì có tội với nhân dân, với Tổ quốc, vì nhiệm vụ này cũng vì tiền tiêu của Tổ quốc" - lời căn dặn của tư lệnh Giáp Văn Cương ngày ấy vẫn còn lưu trong trí nhớ của đại tá Hoa.

Đó là nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm và đánh dấu các bãi đá san hô ngầm ở vùng biển thềm lục địa phía Nam để dựng nhà giàn, bảo vệ chủ quyền. Ông tâm sự rằng trong cuộc đời binh nghiệp của mình, những tháng ngày tự hào nhất là chốt giữ bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa trong chiến dịch CQ88, và chuyến đi khảo sát đáy biển tìm bãi cạn san hô để đặt nhà giàn vào đầu tháng 11-1988.

Nhận nhiệm vụ đặc biệt, trở về đơn vị, hai chỉ huy Lữ đoàn 171 lập tức "hạ quyết tâm" cho toàn lữ đoàn. 

"Dù nhiều khó khăn ngay trước mắt, nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt là chuẩn bị một bước, làm cơ sở để chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) thành lập "cụm kinh tế - dịch vụ - kỹ thuật" - tức DK1 - nơi án ngữ phía sau quần đảo Trường Sa, toàn thể lữ đoàn hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được mệnh lệnh và lời căn dặn của tư lệnh" - đại tá Hoa nhớ lại.

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 3.

Con tàu đơn sơ - nhiệm vụ đặc biệt!

Khó khăn trước mắt là tàu. Không thể đi bằng tàu chiến, mà phải dùng tàu vận tải. Sau chiến dịch CQ88, nhiều con tàu của lữ đoàn phải lên ụ, nằm đốc để duy tu, sửa chữa. Sau khi xem xét, tính toán kỹ, hai con tàu được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ số 1 là HQ713 và HQ668.

"Cái khó là làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ số 1 của số 1, vừa đảm bảo an toàn con người và phương tiện trong điều kiện sóng lớn, gió mùa đông bắc khắc nghiệt" - đại tá Hoa trầm ngâm nhớ lại. 

Nhưng tàu HQ713 và HQ668 là những con tàu cũ kỹ, tàu cá vỏ thép cải hoán, sức chở chưa đầy 500 tấn. Minh chứng là tàu HQ713 khi hành quân được 30 hải lý thì gặp sự cố về máy, phải mất gần 4 tiếng đồng hồ để sửa chữa và tiếp tục hải trình. Và những thứ rất cần thiết cho một cuộc khảo sát, thăm dò đáy biển cả hai tàu đều không có đó là máy định vị và máy đo độ sâu.

Thế nhưng bằng tài năng xử lý tình huống, bằng sáng kiến trong khó khăn, đại tá Hoa cùng đồng đội đã vượt khó, khắc phục thiếu thốn thành công. Ông nhớ lại rành rọt: trên vùng biển DK1 ngày ấy, tất nhiên là chưa có các nhà giàn đóng chân, chưa có "cột mốc chủ quyền" để nhìn thấy, để nhận biết mà chỉ là biển cả mênh mông.

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 4.

Đại tá Phạm Xuân Hoa kể lại đường đi trên hải đồ chuyến khảo sát DK1 tháng 11-1988 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

"Nếu đi từ Vũng Tàu ra thẳng DK1 sẽ rất khó xác định đâu là Ba Kè, Tư Chính vì vu vơ giữa biển, không biết chỗ nào, không có mốc sẽ rất khó xác định" - đại tá Hoa lý giải. 

Vậy phải làm sao để tàu đi đúng đến vùng biển DK1 trong khi không có định vị? "Trong lúc khó khăn, sáng kiến lại lóe lên. Đó là chúng tôi đè sóng đi thẳng ra đảo Đá Lát - quần đảo Trường Sa. Từ đây, chúng tôi quay ngược 180 độ về hướng đất liền khoảng 50 hải lý là đến Ba Kè" - đại tá Hoa kể. 

Từ Đá Lát xuống Ba Kè khoảng cách 50 hải lý nên độ trôi dạt rất ít. Sau khi xác định được Ba Kè, đo được độ sâu, rồi xuống Phúc Nguyên, Phúc Tần vì từ đây xuống các bãi cạn này rất gần. Một tính toán kỹ lưỡng, chính xác mà đại tá Hoa cùng đồng đội thực hiện là làm sao để khi đến Ba Kè, Phúc Nguyên, Phúc Tần phải là lúc thủy triều cạn nhất thì đo đáy biển mới thành công, vì phải đo bằng dây cột khúc từng mét một.

Sau 10 ngày gian nan, hai tàu HQ713 và HQ668 đã khảo sát xong vùng biển rộng 60km2 và quan trọng là tìm ra sáu bãi ngầm - "vùng đất" để nhà giàn đóng chân. Ngay sau khi về bờ, đại tá Hoa cùng đồng đội báo cáo trực tiếp với tư lệnh Giáp Văn Cương. 

"Đọc, kiểm tra những gì chúng tôi thu thập, khảo sát được, đôi mắt và khuôn mặt của tư lệnh vui lên hẳn. Ông khen ngợi chúng tôi rất nhiều" - đại tá Hoa nhớ lại.

Từ những khảo sát chính xác và thần tốc của Lữ đoàn 171, sau này những nhà giàn được xây dựng lên và đứng vững giữa sóng gió như bức thành đồng trên Biển Đông suốt 30 năm qua.

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 5.

Phần đỉnh của nhà giàn 6A Ba Kè được thi công tại Vũng Tàu, ngay sau khi chuyến khảo sát DK1 trở về thành công Ảnh chụp lại tư liệu của đại tá Hoa

Ý nghĩa tên của các bãi ngầm

Thật ý nghĩa khi tên của những chúa Nguyễn có công khai phá, mở mang bờ cõi vùng đất phương Nam được dùng để đặt cho các bãi ngầm ở vùng biển DK1. Đó là "Nguyễn Phúc Nguyên", "Nguyễn Phúc Tần". Và cả Huyền Trân công chúa - người đã có công mở mang châu Ô - châu Lý (tức Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay). "Quế Đường" là tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn.

DK1 - Thành đồng trên biển - Kỳ 1: Nhiệm vụ số 1 - Ảnh 7.

* Còn tiếp

Đưa tết ra nhà giàn DK1

TTO - Những ngày cận tết, khi đất liền nhộn nhịp mua sắm tết, ở biển các chiến sĩ nhà giàn DK1 cũng chuẩn bị cây mai và những món ăn đón tết.

ĐÔNG HÀ - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp