Bà Nga (bìa phải) và vợ chồng anh Sơn - chị Quyên (bìa trái) cùng bà Phương, ông Thuận chuẩn bị cho quán ăn gia đình - Ảnh: MINH TÂM
Sáng sớm tại một quán nhỏ trước cửa nhà, chị Huỳnh Thị Quyên, 44 tuổi (ngụ thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) làm liền tay hết múc cháo, trụng hủ tiếu mì đến làm bún bì cho khách. Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Nga (63 tuổi) cùng chị thứ tư là bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (73 tuổi) và em trai thứ 8 là ông Nguyễn Văn Thuận (61 tuổi) cùng phụ rửa chén phía sau bếp.
Quán bán từ 6h tới 9h là hết. Sau đó, cả nhà xúm lặt rau cho buổi bán ngày mai. Nhìn cảnh mọi người cười vui, khó ai ngờ bà Phương và ông Thuận bị bệnh tâm thần...
Đời bà Nguyễn Thị Mỹ Nga đã chứng kiến bi kịch cứ rớt xuống người thân của mình. Đó là người chị thứ tư Nguyễn Thị Mỹ Phương nhan sắc mặn mà lại giỏi giang, nhưng do buồn phiền, ghen tuông, trầm uất bởi người chồng lăng nhăng khiến bà trở nên ngây dại cười khóc vô chừng.
Người anh thứ sáu, vốn là thợ cất nhà, cũng bị mắc bệnh tâm thần. Rồi không ngờ người em thứ tám đang khỏe mạnh sân sẩn đột nhiên cũng trở nên khùng khịu như anh chị mình.
Bà Nga kể: "Thời điểm đó dì gần như kiệt sức, thường hoảng loạn, muốn buông xuôi, nhưng nghĩ cuộc sống khốn khổ đến mức thế là cùng, vả lại mấy đứa cháu - con của chị tư - hãy còn nhỏ tuổi nên dì xốc lại tinh thần để lo cho người thân".
Một mình bà gồng gánh mọi thứ. 5h sáng, bà đi nấu ăn cho tiệm ăn, trưa và tối tranh thủ lau dọn nhà cửa cho người ta để có thêm thu nhập.
Làm sấp mặt cả ngày, về tới nhà lại lo cơm nước, chăm sóc các anh chị khiến bà nhiều khi thở không muốn nổi.
Tuy nhiên lúc nào bà cũng nói năng nhỏ nhẹ ân cần với các anh chị của mình, bởi bà hiểu chỉ trật ý thôi là tâm tính họ sẽ nổi loạn, có khi đang ăn cơm ném luôn cả tô ra đường; cũng có khi đem nồi cơm hoặc đồ ăn đổ bỏ...
Bằng tình thân ruột rà máu mủ, bà vượt qua tất cả. Có người thương bà đẹp người đẹp nết, sống nghĩa tình với anh chị nên đã cậy lời dạm hỏi, nhưng bà từ chối bởi sợ sẽ không chu toàn nhiệm vụ làm vợ làm mẹ, và cũng bởi muốn dốc lòng lo cho người thân.
Bà bảo trong tâm trí mình quẩn quanh chỉ có hình ảnh các anh chị, mỗi khi đi làm bà lo không biết giờ này ở nhà họ ra sao. Đến khi về nhà thấy 3 người ngồi ngây ngô trong nhà là bà thở phào nhẹ nhõm.
Ngược lại, chính sự bình an của người thân đã tạo nên thứ năng lượng dẻo dai giúp bà vượt qua nghiệt ngã trong cuộc sống để nuôi đứa cháu Huỳnh Thanh Sơn, con của chị tư, thành người sống có trách nhiệm khi chia sẻ với dì trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
"Nhờ có Sơn tiếp sức, dì đỡ vất vả và tinh thần cũng thoải mái hơn" - bà Nga nói.
Yêu thương tiếp nối
Gia cảnh của mình như vậy,anh Sơn ngại lập gia đình. Một bác hàng xóm thương người con trai hiếu thảo nên làm mai mối cho anh với chị Quyên. Cha mẹ Quyên thấy anh có nghị lực, có thể làm chỗ dựa cho Quyên nên đã gật đầu.
Ngày đầu về làm dâu, chị chia sẻ với bên chồng chuyện nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc người thân. Chị nhờ dì bảy Nga truyền cho mình kinh nghiệm chăm sóc. Rồi chị chịu khó để ý tính nết của từng người, mẹ chồng và người cậu thứ tám chịu nói ngọt, khi cả hai ăn cơm chịu khó dỗ vài câu họ sẽ không ném thức ăn ra ngoài.
Còn người cậu thứ sáu tính tình nóng nảy, hay cằn nhằn, quát tháo, chị nhẫn nhịn rồi cũng qua. Khi người dì bước sang tuổi 60, nhà hàng chỗ bà đang làm nghỉ bán, lúc này sức khỏe bà đổ dốc nên mấy dì cháu ngồi bàn đổi gánh cho nhau.
Dì Nga sẽ lo chuyện nội trợ, chăm sóc người thân; còn Quyên lãnh phần lo kinh tế gia đình bằng cách nấu điểm tâm sáng như cháo, hủ tiếu... bán trước cửa nhà.
Cứ thế 3 năm nay, mỗi ngày cứ 3h sáng là chị thức dậy lui cui nấu nướng rồi bán đến tầm 9h sáng, kiếm được khoảng 150.000 đồng nhưng phải chia ra cho bài toán cơm nước, tiền điện, tiền nước, tiền học hành cho con.
Vì vậy, để đủ chi tiêu cho gia đình, những ngày chay lạt, Quyên chịu khó thức đến khuya làm đồ chay bỏ mối cho các tiệm.
Kể từ khi con gái đầu lòng và duy nhất của vợ chồng chị Quyên chào đời, ngôi nhà ba thế hệ ấy ngày càng ấm lên màu hạnh phúc bởi tiếng cười nói bi bô của đứa bé và bởi bé rất siêng học và đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc suốt những năm tiểu học.
Anh Sơn xúc động khi nói về người bạn đời của mình: "Cô ấy đã mang cho mẹ và cậu tôi sự an bình, cho tôi và dì tôi một mái nhà ấm áp. Tôi thật mang ơn bà xã nhiều lắm!". Chị Quyên chỉ mỉm cười trước lời khen của chồng: "Mẹ chồng và cậu chồng cũng giống như mẹ và cậu của mình thôi".
Có lẽ cảm động bởi tình nghĩa sâu nặng của bà Nga và vợ chồng Quyên, 3 người bệnh cũng bớt khùng khịu, không còn ném thức ăn ra ngoài đường, cũng như không còn lên cơn đánh người thân mình nữa…
Họ còn biết phụ tiếp công việc gia đình như quét dọn nhà cửa, sắp xếp bàn ghế, lặt rau, rửa chén…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận