Công nhân người Việt (người đi sau) và hai trong số ít công nhân người Trung Quốc hiện còn ở lại trên công trường để bảo vệ thiết bị - Ảnh: B.D. |
Ngày 13-8, có mặt tại hai phân khu chính trên thủy điện Thượng Kon Tum ở cửa nhận nước và cửa xả (xã Đắk Tăng và Ngọc Tem), đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh vắng lặng, trái ngược với không khí rầm rộ máy móc, công nhân người Trung Quốc trên công trường thời gian này năm trước.
Công trình ngàn tỉ
Thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công tháng 9-2009. Dự án đặt trên sông Đắk Snghé tại huyện Kon Plông, Kon Tum. Khi tích nước, nhà máy sẽ chuyển dòng về Quảng Ngãi mà không hoàn nước về dòng cũ. Công trình có tổng công suất lắp máy 220MW, sản lượng điện bình quân năm trên 1.094 triệu kWh, tổng vốn đầu tư 5.744 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào quý 3-2013 và đưa vào vận hành cả hai tổ máy vào năm 2014. |
Những ngày này, tại hạng mục đường hầm xuyên lòng núi từ xã Đắk Tăng kéo dài hơn 20km đi qua cửa xả ở xã Ngọc Tem, do hai nhà thầu Trung Quốc là Viện Hoa Đông Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục đường sắt Trung Quốc thi công, vắng bóng công nhân dù đang thi công dở dang.
Sau khi đi qua cánh cửa sắt cổng công trường được khóa cẩn thận ở phía ngoài, chúng tôi tiến vào được phía khu vực hầm giao thông khá dễ dàng mà không gặp sự cản trở nào từ bảo vệ người Trung Quốc, dù trước đây chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mới được vào.
Trên công trường chỉ lác đác vài công nhân Việt Nam phục vụ tại một máy nghiền đá.
Toàn bộ máy móc cơ giới lớn, các xe tải dùng để thi công đường hầm được tập kết nằm tại bãi, nhiều xe lâu ngày không được sử dụng đã bị gỉ sét bao phủ bên ngoài. Những tấm panô lớn trước đó được trưng lên để tạo không khí trên công trường giờ đây bị gió thổi tung, rách bươm trên các hàng rào.
Ở một góc công trường khác được dùng làm nơi tập kết vật liệu, một tấm panô lớn viết bằng chữ Trung Quốc - phía dưới là chữ Việt Nam với nội dung “Xây công trường văn minh, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp” cũng bị gió thổi tung. Một vài công nhân người Trung Quốc có mặt ở đây thỉnh thoảng lại ra vào, tụm lại hút thuốc.
Sau khi được một công nhân người Việt Nam tại công trường chỉ đường, chúng tôi đi vào khu vực lán trại nơi công nhân người Trung Quốc sinh hoạt.
Khi thấy chúng tôi, một công nhân Trung Quốc đang xem tivi trong phòng chạy ra nói bằng tiếng Trung Quốc, mà qua lời phiên dịch của một công nhân Việt Nam, là hỏi chúng tôi: “Vào đây tìm ai? Khu này là của người Trung Quốc, không có phận sự vào”.
Gom sắt vụn bán đồng nát
Theo lời các công nhân VN đang làm việc tại đây, nhiều tháng nay tất cả hoạt động của nhà thầu Trung Quốc đều đã đình trệ.
Riêng ở cửa nhận nước nhà máy, chỉ còn chín công nhân Trung Quốc ở lại canh giữ đồ đạc trên công trường. Lãnh đạo, bộ phận kỹ thuật lẫn các bộ phận khác đều đã rút về nước.
Phía bên ngoài công trường, một nhóm công nhân Trung Quốc đang ngồi câu cá ở suối, số còn lại mặc quần áo ngắn đi ra khu vực tập kết vật liệu để gom sắt vụn bán cho những người mua đồng nát. Tương tự, ở cửa xả nước xã Ngọc Tem cũng đìu hiu, vắng lặng.
Lãnh đạo xã Ngọc Tem cho biết ngay từ đầu năm 2014, nhiều công nhân Trung Quốc đã khuân vác đồ đạc, máy móc, dụng cụ phục vụ sinh hoạt hằng ngày như tủ lạnh, tivi với số lượng lớn ra các làng để bán cho dân với giá rất rẻ.
Nhà thầu Trung Quốc cũng thông báo bán một loạt xe hơi phục vụ công trình, nhiều xe chuyên dụng với giá rất rẻ.
“Tới khi họ bán hết đồ đạc, đưa công nhân về nước rồi nghe các đơn vị báo xuống, chúng tôi mới biết là nhà thầu Trung Quốc bỏ công trình để về nước” - một cán bộ xã Ngọc Tem nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận