Nhà văn Diêm Liên Khoa ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: TAO ĐÀN
Người kể chuyện của Đinh Trang mộng là linh hồn cậu bé Tiểu Cường mười hai tuổi. Đinh Thủy Dương, ông nội Tiểu Cường, đã thành công trong việc vận động dân Đinh Trang bán máu để thoát nghèo.
Khốn thay, ông vừa khiến họ đổi đời vừa khiến họ mất mạng. Ông vừa làm tái sinh Đinh Trang, vừa hủy diệt Đinh Trang. Kiếm tiền quá dễ, người dân Đinh Trang lao vào bán máu như điên. Trạm thu mua máu lưu động mọc lên khắp nơi. Người ta có thể vừa ăn cơm vừa giơ cánh tay lên để lấy máu; đang làm đồng có thể nhảy lên bờ bán máu.
Kim tiêm và bông băng dùng chung, rất nhanh và rất tiện. Máu trong cơ thể như nước trong giếng, càng múc càng đầy. Nhà cửa khang trang, tiện nghi đủ đầy, cuộc sống như mơ.
Người phất lên nhanh nhất trong cơ cuộc này chính là Đinh Huy - con cả của Đinh Thủy Dương. Đinh Huy trở thành nậu máu, vua máu của một vùng. Hậu quả của bán máu là đại dịch AIDS lan tràn, trở thành thảm họa. Và câu chuyện không dừng lại ở đó...
đậm chất thời sự khi viết về đại dịch AIDS. Tuy nhiên, xét đến cùng, đây là câu chuyện ngụ ngôn về sự tàn lụi của con người. Diêm Liên Khoa đã đặt các nhân vật vào cửa tử để họ bộc lộ đến tận cùng bản chất của mình. Lòng tham, tiền bạc và danh vọng đã làm biến dạng con người, hay điều đó mới chính là nhân dạng của họ?...
Đan xen giữa tỉnh và mộng, thực và ảo, phồn vinh và đổ nát, chết chóc và hoan lạc... Đinh Trang mộng là nỗi tuyệt vọng và khúc bi ca lớn lao về nông thôn Trung Quốc và dân tính Trung Hoa.
Đối với người Trung Quốc xưa nay, đạo đức và đạo đức nông thôn là những nguyên tắc cơ bản để duy trì nền tảng xã hội. Nông dân đồng nghĩa với nhân hậu, chất phác và hiền lành; nông thôn là quê hương tinh thần, là chốn nương náu tâm hồn của mỗi một con người, đặc biệt là con người thời hiện đại.
Vậy mà trong Đinh Trang mộng, nông thôn là chốn tham lam, lọc lừa, tàn độc đến kinh hoàng. Sự sụp đổ đạo đức nông thôn không phải do áp lực chính trị hay điều kiện sinh tồn, mà do chính trong bản chất người.
Muôn mặt của "người Trung Quốc xấu xí" lại một lần nữa được Diêm Liên Khoa dũng cảm phơi bày. Nguyên nhân của sự hủy diệt bạo tàn trong Đinh Trang mộng không phải do bệnh AIDS, mà chính do vực thẳm nhân tính.
Cũng giống như Lỗ Tấn của thế kỷ 20 từng cô độc như dũng sĩ múa kích một mình trên sa mạc khi đặt những nhược điểm của quốc dân tính Trung Hoa lên đầu bút, viết xong Đinh Trang mộng, Diêm Liên Khoa có cảm giác cô đơn và bất lực "như bị bỏ rơi giữa đại dương mênh mông không một bóng người".
Ông khóc và "không nói được rõ ràng vì sao lại đau khổ, vì ai mà rơi lệ". Tuy nhiên, đọc xong tác phẩm, ta sẽ lý giải được vì sao. Không phải là bệnh AIDS trên thân thể, mà là bệnh AIDS trong tinh thần và tính cách dân tộc Trung Hoa đã khiến ông khổ đau mà rơi lệ. Thành công của nhà văn có được khi viết về nỗi ô nhục của dân tộc mình thì xót xa biết nhường nào!
Tọa đàm Khám phá tiểu thuyết cùng Diêm Liên Khoa
Diêm Liên Khoa sinh năm 1958, được mệnh danh là đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường, nhà văn "suy tư trực tiếp nhất, nhìn thẳng nhất vào lịch sử và hiện thực Trung Quốc, con người Trung Quốc", tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tranh luận như: Kiên ngạnh như thủy, Đinh Trang mộng, Phong nhã tụng, Tứ thư...
Đinh Trang mộng xuất bản năm 2005, là tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc về chủ đề AIDS, được Tuần San Á Châu chọn là một trong mười cuốn sách Hoa ngữ toàn cầu năm 2005, giải thưởng bạn đọc Đài Loan và giải tác phẩm văn học dịch hay nhất của Nhật Bản năm 2007, được lọt vào danh sách đề cử giải thưởng văn học châu Á năm 2011.
Tọa đàm văn học mang tên Khám phá tiểu thuyết với diễn giả là nhà văn - giáo sư Diêm Liên Khoa (Đại học Nhân dân Trung Quốc) và giáo sư Vương Nghiêu (Đại học Tô Châu, Trung Quốc) sẽ diễn ra vào ngày 5-4 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận