Đình Toàn xuất thân là diễn viên múa rối. Mà con đường đến với rối không phải vì mê mà khá là... "thực dụng"!
Sợ nhưng Đình Toàn lại đăng ký học múa rối
Đình Toàn kể anh có ấn tượng khá là... ám ảnh về rối. Hồi nhỏ anh rất nhút nhát, khi sinh hoạt đội nghi thức ở Nhà Thiếu nhi quận 1 có lần anh tình cờ đi ngang đội rối, lúc đó đội đang dựng vở Cậu bé bí đỏ.
Câu chuyện có cảnh xuống hang động với các bộ xương và quái vật nên trên tường chỗ múa rối thường trực là bộ xương trông rất ớn khiến Đình Toàn cứ đi ngang phải chạy cho nhanh.
Rồi năm học lớp 8 (khoảng năm 1989), lúc đó Đình Toàn đang là liên đội phó của trường.
Vì muốn khuyến khích học trò mùa hè tham gia sinh hoạt các đội nhóm nhà thiếu nhi nên trường phát động bạn nào đăng ký sẽ cộng 2 điểm thi đua cho lớp.
Do là liên đội phó nên Đình Toàn phải làm gương, cậu bé rủ bảy bạn nữa cùng lớp đi đăng ký. Mà đăng ký sao đúng lớp múa rối Nụ Cười.
Trong tám bạn nhỏ đó, ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc múa rối Nụ Cười - chỉ chọn được Đình Toàn.
Đình Toàn cười cho biết anh đâu có mê làm nghệ sĩ, nhưng có vẻ định mệnh đã sắp đặt.
Vô đội, Đình Toàn được học rất nhiều môn với các giáo viên giỏi của nhà thiếu nhi như kịch, kịch câm, múa ballet, học nhịp điệu, học âm nhạc, học cách làm con rối và điều khiển rối...
"Chỉ hai năm học ở đội rối mà tôi không còn nhút nhát, năng động và trở về trường làm... trùm!" - Đình Toàn dí dỏm nói.
Nền tảng hữu ích
Ký ức của Đình Toàn về đội rối ngày ấy hết sức thân thương. Anh nhớ đội chia ra làm sáu đội nhỏ. Cứ mỗi lần hết môn là phải làm bài tập để thi.
Cuối tuần, sáu nhóm chia nhau đi diễn khắp các khu vực ở TP như Kỳ Hòa, Đầm Sen... Đạo cụ được chở trên ba gác, còn diễn viên nhí cứ sáu nhóc trên một chiếc xích lô. Vậy mà vui nức trời.
Đội rối ngày ấy cùng Đình Toàn còn có cố đạo diễn Vũ Minh, ca sĩ Phương Thùy, đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân (em gái cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền)...
Không chỉ biểu diễn trong TP mà các bạn nhỏ còn đi lưu diễn ở các tỉnh thành, ra Hà Nội thi múa rối, rồi đi trại hè.
Năm 1998, từ rối Nụ Cười, sân khấu kịch thiếu nhi ra đời ở Idecaf. Đình Toàn lại được tham gia với vị trí múa, đóng vai quần chúng. Lâu lâu, đàn anh như Minh Nhí, Anh Vũ... kẹt thì anh được thế vai.
Đến khi sân khấu người lớn ra mắt ở Idecaf thì Đình Toàn tiếp tục bén duyên sân khấu kịch nhưng ban đầu cũng chỉ là múa, vai quần chúng. Dần dần được các anh chị lớn trong sân khấu dìu dắt, Đình Toàn trở thành nghệ sĩ kịch hồi nào không hay.
Nhìn lại hành trình 40 năm của rối Nụ Cười, Đình Toàn cảm thấy biết ơn vì chính nơi này đã ươm mầm cho anh tình yêu nghệ thuật. Rất nhiều kỹ năng được học từ môi trường múa rối đã hỗ trợ tích cực cho việc làm nghề của anh.
Đặc biệt, khi làm Ngày xửa ngày xưa đạo diễn phải có sự đa năng. Đình Toàn chia sẻ do anh biết được nhiều thứ: ca, múa, diễn, biết cách sử dụng con rối thế nào cho hợp lý, biết cả cách tạo hình rối, thiết kế trang phục... nên rất thuận tay để làm các vở kịch thiếu nhi lung linh, bay bổng.
Hiện nay Đình Toàn quản lý về nghệ thuật ở Nhà hát kịch Idecaf.
Với chương trình Ngày xửa ngày xưa, anh cầm trịch nhiều vở ở vị trí đạo diễn và là "kép chánh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận