"CFO – The Challenge” là cuộc thi học thuật do CLB Tài chính– Ngân hàng (FBG) của UEL tổ chức |
Trường ĐH Kinh - Luật (UEL- ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo cử nhân kinh tế ngành tài chính -ngân hàng nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội và chuyên sâu về tài chính - ngân hàng.
Nhiều lựa chọn chuyên sâu
Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực chuyên môn rộng trên cả ba hướng tài chính doanh nghiệp, tài chính công và ngân hàng vì vậy quá trình đào tạo nhắm đến mục tiêu trang bị kiến thức chung về ngành tài chính - ngân hàng bao quát và tổng hợp cả ba hướng đã nêu thông qua các môn học khối kiến thức chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành chính).
Mỗi sinh viên có thể lựa chọn hướng chuyên sâu thông qua một số môn học tự chọn nhằm trang bị thêm một số kiến thức chuyên biệt riêng của chuyên môn sâu về tài chính công ty hoặc tài chính công hoặc ngân hàng.
Tuy nhiên, sự khác biệt này là không quá lớn bởi lẽ ba hướng chuyên môn sâu đã nêu đều dựa trên nền tảng chung và giữa các chuyên môn sâu này vẫn có những kiến thức đan xen và bổ trợ lẫn nhau. Mặt khác, sự không khác biệt quá lớn này cũng nhằm giúp sinh viên có thể dễ dàng thích ứng với môi trường công việc đa năng, chuyển đổi hướng chuyên sâu sau khi ra trường do sự đòi hỏi của công việc.
Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có đủ kiến thức để hệ thống hóa, tổng hợp và vận dụng các lý thuyết về thị trường tài chính, đầu tư tài chính, quản trị tài chính; tổng hợp và vận dụng các lý thuyết về chính sách tài khóa, chính sách công, quản lý ngân sách nhà nước; tổng hợp và vận dụng các lý thuyết về chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương, quản trị các trung gian tài chính.
Người tốt nghiệp cũng có kỹ năng thực hành chuyên môn nghiệp vụ tài chính - ngân hàng bao gồm cả kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Sử dụng tốt công nghệ và công cụ để tác nghiệp, hoạch định và giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giải quyết vấn đề liên quan đến quản trị ngân hàng, quản trị các trung gian tài chính phi ngân hàng và quản trị tài chính các loại hình doanh nghiệp để trở thành chuyên gia ở các vị trí: phân tích tài chính, phân tích đầu tư, phân tích chứng khoán, phân tích tín dụng, quản lý danh mục đầu tư, quản lý nguồn vốn, ngân hàng quốc tế.
Bên cạnh đó là các kỹ năng nghiên cứu, tư duy, giao tiếp, hội nhập, làm việc nhóm, đàm phán... cũng được đào tạo bàn bản.
Cơ hội nghề nghiệp
Với chuẩn đầu ra được xây dựng khoa học, sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng có đầy đủ phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để đảm nhiệm công việc và phát triển nghề nghiệp với tư cách là chuyên gia toàn diện trong ngành tài chính - ngân hàng.
Sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng có cơ hội làm ở cả ba chuyên ngành hẹp: tài chính doanh nghiệp (ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp phi tài chính, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư...); tài chính công (cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công, Sở tài chính, Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế...) và ngân hàng (các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, ngân hàng thương mại, công ty cho thuê tài chính, công ty mua bán nợ...).
Ở các lĩnh vực nói trên, sinh viên tốt nghiệp có thểđảm nhiệm các vị trí công việc chuyên môn đa dạng từ nhà môi giới, phân tích chứng khoán, phân tích đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ đầu tư, quản lý tài chính ở doanh nghiệp phi tài chính, quản lý tín dụng, quản lý nguồn vốn, kinh doanh ngoại tệ, quản lý ngân quỹ, quản lý thuế... cho đến các vị trí cao cấp như chiến lược gia tài chính, nhà hoạch định chính sách tài khóa, hoạch định chính sách tiền tệ và quản lý vĩ mô, quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành và các cơ quan nghiên cứu khác có liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận