20/11/2014 12:56 GMT+7

​Dinh dưỡng và sức khỏe giáo viên

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH  (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

TT - Giáo viên là nghề cao quý nhưng cũng thật vất vả và chịu nhiều áp lực. Chế độ dinh dưỡng phù hợp để có sức khỏe dẻo dai, trí óc minh mẫn sẽ làm tăng đáng kể chất lượng giảng dạy của người thầy.

Bữa ăn đạm bạc cơm với rau rừng của các cô giáo xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam - Ảnh: Tiến Thành

Mặc dù não chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại sử dụng hơn 20% tổng năng lượng, tiêu thụ 50% lượng đường trong máu, 25% các dưỡng chất và 20% tổng lượng oxy hít vào. Dinh dưỡng cho não với người thầy cần đặc biệt quan tâm.

Nuôi dưỡng bộ não

Dinh dưỡng cho não có bốn đặc điểm chủ yếu do các nhóm thực phẩm khác nhau đảm nhận, chúng phối hợp với nhau để cùng xây dựng, bảo vệ, tạo năng lượng, và hoạt hóa bộ não.

* CẤU TRÚC - thiết yếu (omega- chất béo 3 và omega-6) là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh, cần cho sự toàn vẹn của màng tế bào. Omega-3 và omega-6 có nhiều trong cá và các loại hạt nhiều dầu.

Do hoạt động thể lực của giáo viên không nhiều nên cần hạn chế chất béo và khi sử dụng chất béo cũng cần chọn lọc: thay béo động vật bằng dầu thực vật, ăn cá nhiều hơn thịt vì cá chứa nhiều acid béo omega-3 cần thiết cho việc tạo màng tế bào thần kinh.

Chế độ ăn nên có ít nhất ba bữa cá trong tuần và nên ăn thêm các loại hạt (đậu phộng, hạt hướng dương, hạt bí đỏ...).

* BẢO VỆ - trái cây và rau cung cấp chất chống oxy hóa giúp tránh lão hóa tế bào não. Các loại rau và trái cây nhiều màu sắc sẽ cung cấp những chất chống oxy hóa khác nhau, đặc biệt là rau lá xanh đậm, hoặc củ quả vàng cam đậm (đu đủ, xoài chín, gấc, cà rốt, bí đỏ...) chứa nhiều beta-caroten, trái cây màu đỏ (bưởi hồng, ổi đỏ, dưa hấu, cà chua...) chứa nhiều lycopen.

Rau và trái chín cây tươi còn chứa nhiều vitamin C là chất chống oxy hóa tan trong nước rất tốt cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều rau (khoảng 300 gam rau/ngày) cũng sẽ giúp tránh táo bón, là triệu chứng rất thường gặp ở những nghề nghiệp phải ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu.

Vitamin E (có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu, trái bơ...) là chất chống oxy hóa tan trong chất béo bảo vệ não chống lại sự tấn công của các gốc tự do.

* NĂNG LƯỢNG - chất bột đường cung cấp glucose tạo năng lượng cho não. Não cần glucose như là nhiên liệu chủ yếu để hoạt động. Tuy nhiên, tế bào não lại không có khả năng dự trữ glucose. Do đó, não cần được cung cấp glucose và oxy từ máu một cách ổn định.

Mức glucose trong máu phụ thuộc vào chất carbohydrate từ thức ăn. Các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu, khoai, rau củ sẽ tốt hơn đường tinh vì hấp thu vào máu từ từ, giúp lượng đường trong máu ổn định.

* CHỨC NĂNG - chất đạm cung cấp acid amin tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh. Có rất nhiều acid amin nhưng chỉ có tám loại được gọi là thiết yếu vì cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải nhận từ thức ăn.

Những acid amin này có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, lươn, đậu nành và các loại đậu khác. Đối với người có mức năng lượng 1.800 kcal thì cần khoảng 150-180 gam thịt cá (hoặc gần 300 gam đậu hũ) và 1 ly sữa/ngày sẽ đủ lượng đạm cho cơ thể.

Hoạt động của hệ thần kinh cũng rất cần chất iốt nên cần sử dụng muối iốt trong ăn uống hằng ngày để đảm bảo cơ thể nhận đủ iốt.

Tránh đứng lâu một chỗ

Chế độ ăn cần phối hợp với vận động thì cơ thể mới khỏe mạnh. Giáo viên đứng giảng lâu mà không đi lại dễ gây tình trạng ứ máu chi dưới gây đau nhức, dễ bị viêm tĩnh mạch. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng năm sẽ đưa đến chứng giãn tĩnh mạch chi dưới hoặc bệnh trĩ.

Tư thế đứng lâu cũng làm giảm lượng máu lưu thông đến các cơ nên mau mỏi và đau cơ đùi, lưng, cổ. Hơn nữa, đứng quá nhiều sẽ làm các khớp háng, khớp gối, cột sống trong tình trạng không hoạt động tạm thời trong thời gian dài dễ gây viêm khớp, làm tổn hại đến các dây chằng nối cơ và xương.

Vì thế, để tránh tình trạng này giáo viên tránh đứng một chỗ quá lâu mà nên thay đổi tư thế thường xuyên: lúc đứng, đi tới đi lui, lúc ngồi...

Đứng lâu cũng dễ gây đau bàn chân, nhất là đối với các cô giáo mang giày cao gót. Vì vậy cô giáo nên chọn loại giày không quá rộng cũng không quá chật, gót giày không cao quá 5cm (giày rộng dễ làm chân bị trượt bên trong giày gây đau, giày chật hoặc kiểu dáng bó quá, nhất là ở phần mũi giày, sẽ hạn chế máu lưu thông nên sẽ gây đau nhức nếu đứng lâu).

Gót giày cao quá thì khi đứng lâu các ngón chân sẽ chịu nhiều áp lực gây đau nhức. Nếu có thể được thì nên mang loại giày mà ngón chân có thể cử động được như giày sandal...

Các thầy cô cũng cần chú ý chăm sóc giọng nói vì giảng nhiều, nói nhiều dễ dẫn đến viêm thanh quản gây khàn tiếng hoặc tắt tiếng. Tránh để cơ thể bị mất nước bằng cách uống khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày.

Tránh nơi ô nhiễm, có khói, bầu không khí khô (phòng máy lạnh). Hạn chế tối đa sử dụng giọng nói, nhất là ở nơi ồn ào như tiệc tùng, trong ôtô và trên máy bay.

Tránh kêu to (gọi từ phòng này sang phòng khác). Nên nói với tốc độ bình thường, không quá nhanh, nói từng cụm từ hơn là liên tục một đoạn, thở nhẹ nhàng trước mỗi cụm từ...

Thầy cô cần lưu ý

- Ăn đủ năng lượng và đa dạng thực phẩm.

- Chọn ngũ cốc nguyên cám.

- Chọn chất béo từ cá và dầu thực vật sẽ tốt hơn mỡ heo, bò, gia cầm.

- Ăn nhiều rau và trái chín cây nhiều màu sắc.

- Sử dụng muối iốt trong ăn uống hằng ngày.

- Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng.

- Hạn chế đường, muối, caffeine, rượu.

- Ngủ đủ giấc, hoạt động thể lực thường xuyên.

Một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp giữ sức khỏe, tăng cường khả năng sáng tạo của thầy cô.

 

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp