01/03/2018 13:58 GMT+7

Dinh dưỡng điều trị bệnh đái tháo đường

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh đến mức báo động trên toàn cầu, tỉ lệ này đang nghiêng về phía những nước đang phát triển.

Dinh dưỡng điều trị bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: siudy.net

Cùng với sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường, tỉ lệ biến chứng và hậu quả do bệnh gây ra cũng tăng theo. Mỗi năm ngân sách y tế thế giới phải mất 4 – 5% để tiêu tốn cho chi phí điều trị bệnh này.

Một trong những nguyên nhân tiêu tốn này là do người bệnh thiếu kiến thức, thiếu thông tin chính thống về bệnh. Bệnh đái tháo đường là một bệnh mãn tính, khi đã mắc người bệnh phải đồng hành với nó suốt đời vì vậy hiểu biết đầy đủ về nó là cách tốt nhất giúp người bệnh sống khỏe mạnh.

Ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn là yếu tố không thể thiếu trong điều trị bệnh đái tháo đường. Rất nhiều  người bệnh đái tháo đường type 2 kiểm soát tốt lượng đường trong máu chỉ nhờ chế độ ăn và tập luyện mà không cần dùng thuốc, đặc biệt ở những người phát hiện bệnh sớm, đường huyết tăng không quá cao.

Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp thực hiện chế độ ăn đái tháo đường bị thất bại đó là do vấp phải những thói quen không tốt, thiếu kiến thức về dinh dưỡng, tiếp nhận thông tin thiếu chính xác, đôi khi vì có kèm theo các bệnh khác hoặc biến chứng của bệnh đái tháo đường khiến chế độ ăn trở nên  phức tạp và người bệnh khó tuân thủ. Những lúc này người bệnh cần có sự tư vấn cụ thể của các chuyên gia dinh dưỡng.

Về nguyên tắc, không có loại thức ăn nào cấm tuyệt đối với người bệnh đái tháo đường, một  chế độ ăn đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng  giúp người bệnh khỏe mạnh và làm việc bình thường. Chế độ ăn đầy đủ và đúng cũng góp phần đảm bảo cho trẻ em bệnh đái tháo đường tăng trưởng bình thường về trí tuệ lẫn thể chất, đảm bảo phụ nữ bệnh đái tháo đường sinh con khỏe mạnh và an toàn.

Các chất bột đường bao gồm cơm, mì, nui, phở, bánh mì, khoai, bắp, trái cây… xem như là "xăng dầu" cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, chất  đạm có trong thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu, sữa… cung cấp nguyên liệu xây dựng tế bào, các mô và cơ quan. Chất béo có trong dầu, mỡ, bơ… giúp bền vững màng tế bào, sản xuất nội tiết tố và giúp hấp thu một số vitamin. Các loại rau quả cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất…

Trong các loại thực phẩm, bột đường là nhóm ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Bình thường sau khi ăn, chất bột đường trong ống tiêu hóa sẽ được cắt thành những mãnh nhỏ và biến đổi thành glucose để được đưa vào máu, lúc ấy tuỵ sẽ được báo để tiết ra insulin đưa đường từ máu đến các tế bào, chuyển đổi thành năng lượng giúp cơ thể họat động. Các loại bột đường khác nhau sẽ làm tăng đường trong máu ở mức độ khác nhau. 

Thuật ngữ "chỉ số đường huyết" viết tắt là GI (glycemic index) để chỉ khả năng làm tăng đường máu của mỗi loại thức ăn có bột đường sau khi ăn.  Ví dụ GI của glucose là 100, bánh mì trắng là 100, cơm là 78, sữa nguyên kem là 27... GI càng cao thì thực phẩm đó không có lợi cho người bệnh đái tháo đường.  Lượng đường trong máu sau khi ăn cao hay thấp không chỉ tuỳ thuộc vào loại bột đường mà còn tuỳ thuộc vào số lượng bột đường, cách chế biến thức ăn, và cả các thành phần thực phẩm chứa trong thức ăn. 

Thức ăn chế biến ở nhiệt độ cao, như chiên nướng hoặc hầm nhừ, xay nhuyễn dễ làm tăng đường máu sau ăn. Bữa ăn hỗn hợp với nhiều loại thực phẩm đặc biệt bữa ăn có nhiều chất xơ sẽ chậm đưa đường vào máu hơn. Ở người bệnh đái tháo đường do thiếu insulin hoặc đề kháng với insulin, nên sau khi ăn đường trong máu có khuynh hướng tăng cao hơn người bình thường. Vì vậy người bệnh nên chọn thức ăn có chỉ số đường huyết thấp (GI < 50) hoặc các loại thức ăn có nhiều chất xơ như rau cải đậu và ăn nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn để khắc phục tình trạng này.

Một số nguyên tắc ăn uống trong điều trị bệnh đái tháo đường

1. Bữa ăn cần đảm bảo nhu cầu năng lượng và đủ dưỡng chất:

Nhu cầu năng lượng này thay đổi theo cân nặng, tuổi tác, giới tính và mức độ lao động của người bệnh. Trẻ em đang tuổi tăng trưởng hoặc người lao động nặng sẽ có nhu cầu năng lượng cao hơn người già hoặc người lao động nhẹ.

Nếu đang bị dư cân thì bạn cần có chế độ giảm cân bằng cách giảm năng lượng thu vào như bớt đi 1 phần cơm hoặc các chất bột đường trong khẩu phần, chọn loại thức ăn ít béo, tăng tập thể dục. Ngược lại nếu bạn gầy thiếu cân thì nên tăng thêm năng lượng bằng cách ăn thêm các bữa phụ (1 củ khoai, 1 trái bắp, 1 chén bún… hay 1 ly sữa dành cho người bệnh đái tháo đường), tăng thêm dầu  thực vật trong món ăn. Tuy nhiên cũng tránh tăng cân nhanh và nên theo dõi đường trong máu sau ăn để điều chỉnh kịp thời.

Ăn đa dạng thực phẩm, ít nhất 20 loại mỗi ngày, đủ các nhóm bột đường, đạm, béo, vitamin… sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể

2 .Chú ý các loại  rau quả:

Đây là nguồn thực phẩm có nhiều chất xơ và các vitamin. Chất xơ giúp thức ăn lưu tại đường tiêu hóa lâu hơn, chậm đưa đường vào máu, quét sạch cholesterol, và phòng chứng táo bón ở người lớn tuổi. Ngoài ra việc ăn đầy đủ chất xơ còn giúp phòng một số bệnh ung thư đường tiêu hóa.

3. Ăn vừa phải các chất béo:

Đây là nguồn thực phẩm cao năng lượng, dễ tăng cân nếu ăn dư. Nên chọn các loại chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu mè, dầu nành, dầu ôliu, cá béo… Hạn chế các chất béo có nguồn gốc động vật như mỡ heo, mỡ bò, mỡ gà, lòng, các phủ tạng.

4. Ăn ít hay hạn chế các thức ăn chứa đường như đường kính, đường mía, nước ngọt, nước ép trái cây, bánh kẹo, mứt, chè… Nếu có thói quen hảo ngọt nên dùng các lọai đường ăn kiêng dành cho người bệnh đái tháo đường như aspartam, saccharine.

5 .Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất:

Do ăn kiêng quá khắt khe, tâm lý sợ không dám ăn nên người bệnh rất dễ bị thiếu vitamin, khoáng chất. Ví dụ vì kiêng ăn béo nên người bệnh dễ thiếu các vitamin A, D, E, K là những vitamin được hấp thu nhờ chất béo, hoặc những người ăn chay trường dễ thiếu sắt, điều trị lâu ngày với thuốc Metformin dễ bị thiếu axit  folic. Do đó việc ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin. 

Tuy nhiên cần lưu ý một số đối tượng dễ bị thiếu hụt cần bổ sung thêm như phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người già, ăn chay trường, chế độ ăn kiêng thấp năng lượng dưới 1.200kcalo. Vì vậy uống thêm 1 – 2 ly sữa mỗi ngày cũng là cách bổ sung tốt vitamin và khoáng chất.

6. Hạn chế uống bia rượu:

Rượu bia là thực phẩm không có lợi cho sức khỏe người bệnh. Nếu dùng thì người bệnh cần tuân theo những nguyên tắc sau:

Về số lượng, không nên uống quá 1 lon  bia 1 lần, và không uống thường xuyên.

Khi uống rượu bia cần phải ăn để tránh hạ đường huyết.

7. Ăn đều đặn, đúng giờ và chia nhiều bữa nhỏ: Ít nhất 3 – 4 bữa trong ngày và ổn định lượng bột đường ở mỗi bữa ăn.

8. Giảm thói quen ăn mặn để phòng tránh tăng huyết áp.

9. Ngưng hút thuốc lá để giảm các nguy cơ tổn thương mạch máu lớn.

10. Tập thể dục đều đặn, phù hợp tình trạng sức khỏe. Đây là 1 trong những biện pháp quan trọng giúp ổn định lượng đường trong máu, duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân, tăng nhạy cảm với insulin. Hình thức đơn giản nhất là đi bộ 30 - 45 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần, cũng có thể đạp xe, bơi lội…

Bệnh đái tháo đường có liên quan nhiều đến lối sống và ăn uống. Vì vậy cách ăn uống hợp lý khoa học, thể dục đều đặn sẽ giúp người bệnh  kiểm soát tốt lượng đường trong máu, giảm bớt các nguy cơ biến chứng do bệnh, đồng thời cũng nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

Nguồn: Trung Tâm Dinh Dưỡng TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp