Phóng to |
Thịt bò, heo nên có mặt trong thực đơn của trẻ để phòng chứng thiếu sắt - Ảnh: THANH ĐẠM |
Lưu ý là không chỉ có chế độ ăn hiện tại của trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết mà chế độ ăn của mẹ trong giai đoạn mang thai và giai đoạn cho con bú cũng bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến nguy cơ rối loạn tăng động giảm tập trung ở trẻ.
Tránh thiếu sắt, kẽm
Thiếu hụt các khoáng chất này thường xảy ra ở trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai; mẹ mang thai dày, đa thai, thai trước bị sẩy; mẹ bị thiếu máu trước khi mang thai, mẹ biếng ăn do nghén, suy dinh dưỡng ở phụ nữ trước khi mang thai, trẻ biếng ăn, chỉ uống sữa nhiều mà không chịu ăn. Trẻ có thể thiếu sắt tương đối do nhu cầu sắt tăng cao ở trẻ bình thường dưới 5 tuổi.
Ngoài chức năng tạo máu của sắt, sắt và kẽm còn là tiền chất của hơn vài trăm enzym trong cơ thể. Các khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ thần kinh và trí tuệ của trẻ. Thiếu hụt các khoáng chất này không chỉ liên quan đến rối loạn tăng động giảm tập trung mà còn làm giảm trí thông minh của trẻ.
Sắt và kẽm có nhiều trong thực phẩm động vật, đặc biệt là thịt đỏ như thịt heo, bò, gan, cật... Nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm trong tuần kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C trong rau, trái cây để hấp thu tốt sắt và kẽm.
Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các khoáng chất này ở các trường hợp có nguy cơ thiếu hụt nêu trên hoặc ở các gia đình cho trẻ ăn chay. Bên cạnh đó, thiếu hụt iốt cũng được chứng minh liên quan đến nguy cơ rối loạn tăng động giảm tập trung nên cần dùng muối có bổ sung iốt.
Ăn đủ axit béo
Các axitbéo chuỗi dài nhiều nối đôi bao gồm axit béo omega 3 và omega 6. Đây là những chất cần thiết cho quá trình phát triển của não bộ. Chất này cần thiết trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai, cho con bú và của trẻ nhỏ. Các chất này có nhiều trong các loại cá biển, các loại đậu hạt và dầu thực vật.
Các axit béo omega 3, omega 6 cũng có thể được bổ sung dưới dạng thuốc khi cần và có chỉ định của bác sĩ.
Hạn chế đường đơn, tăng cường tinh bột
Tiêu thụ nhiều đường đơn có trong bánh ngọt, kẹo, nước ngọt và các loại nước giải khát có đường liên quan nguy cơ rối loạn tăng động giảm tập trung ở trẻ. Bên cạnh đó, tiêu thụ nhiều đường đơn cũng làm gia tăng nguy cơ hạ đường huyết nhanh chóng ở trẻ do kích hoạt gia tăng nội tiết tố insulin. Hạ đường huyết sau khi dùng đường đơn làm thiếu hụt glucose - nguyên liệu chính cho não hoạt động - khiến ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.
Do đó trẻ cần ăn tinh bột hơn đường đơn. Ăn đầy đủ rau, quả giúp đường hấp thu chậm vào máu giúp ổn định lượng đường huyết lâu bền. Các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình và thấp, giúp duy trì nồng độ glucose lâu bền cho não hoạt động gồm: cơm gạo lứt là loại không chà trắng, bún, bánh ướt...
Tránh phụ gia thực phẩm và thực phẩm nguy cơ dị ứng cao
Các phụ gia thực phẩm, nhất là loại tạo màu cho thực phẩm và các chất giúp bảo quản thực phẩm có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn tăng động giảm tập trung, do đó cần hạn chế nếu có thể ở những trẻ đã mắc bệnh này. Khi cần thiết, cha mẹ nên loại trừ những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao trong thực đơn của trẻ.
Rối loạn tăng động giảm tập trung là một bệnh lý phổ biến ở trẻ. Chứng rối loạn tăng động giảm tập trung biểu hiện ở chỗ trẻ không lúc nào ngồi yên một chỗ mà luôn tay luôn chân vận động không ngừng. Trẻ thường sờ vật này, bốc vật nọ, chạm vật kia, leo trèo chạy nhảy nên dễ làm hỏng đồ vật, vất vả cho cha mẹ và người lớn trông chừng và có nguy cơ bị tai nạn thương tích. Ngược lại trẻ khó tập trung trong việc học hay một việc tỉ mỉ nào đó, trẻ thường không kiên trì và mau chán nên thường có kết quả học kém, hay được phê là cá biệt. Những trẻ này cũng thường kèm theo triệu chứng khó ngủ. Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, do nhiều yếu tố tham gia. Điều trị thường quy bao gồm tâm lý và hành vi trị liệu kết hợp với dùng thuốc. Thuốc có hiệu quả cao nhưng đôi khi có một vài tác dụng phụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận