Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Mái nhà hát bội, cải lương tuồng cổ đình Thái Hưng (quận 1, TP.HCM), hay thường quen gọi là đình Cầu Quan đã trở thành ký ức đẹp của người mê hát Sài Gòn hơn 100 năm qua.
Cách đó không xa, đình Nhơn Hòa (hay còn gọi là đình Cầu Muối) cũng là địa điểm khai sinh gia tộc theo nghiệp hát trên dưới 70 năm.
Ở đình Cầu Quan, có một gia tộc đến sáu đời theo nghiệp hát, đó là đại gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng. Không chỉ con cháu trong gia tộc, mà cả trăm tên tuổi nghệ sĩ lừng lẫy trong lĩnh vực hát bội, cải lương tuồng cổ đã trưởng thành từ ngôi đình chỉ vỏn vẹn có vài trăm mét vuông.
Nghệ sĩ Bạch Long, con trai nghệ sĩ Thành Tôn và Huỳnh Mai, thuộc thế hệ thứ 4 của gia tộc này, cho biết anh nghe người lớn kể lại thì ông ngoại anh, tức ông bầu Thắng, đã an cư đoàn hát bội tại đình Cầu Quan khoảng năm 1925:
"Có thể nói ngoại tôi như anh hùng chiêu anh quán. Ông đã tập trung những người hát bội giỏi nhất về diễn Đoàn hát bội Vĩnh Xuân - bầu Thắng ở đình Cầu Quan chứ không chỉ là con cháu của gia tộc. Đó là những tên tuổi hát bội lừng lẫy khắp miền Nam như nghệ sĩ Ba Kiên, Thiệu Của, Mười Sự, Hoàng Sóc, Hai Thoại, Thành Tôn, Ba Út, Năm Đồ, Chín Luông, Minh Ngà, Tám Văn, Ba Lăng, Mười Vàng, Huỳnh Mai, Hai Bông... Có cả ông Bảy Huỳnh là cha của cố nghệ sĩ Bạch Mai, Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long ngày nay".
Ban đầu đoàn hát các ngày lễ hội Kỳ yên. Sau đó được khán giả ủng hộ thì tổ chức hát bán vé. Khoảng những năm 1960 khi cải lương phát triển, loại hình này hiện đại dễ nghe, hấp dẫn, dễ tiếp cận khán giả hơn nên hoạt động hát bội bắt đầu yếu đi.
Ông bầu Thắng lúc đó cũng lo lắng vì sợ không nuôi nổi anh em trong đoàn. Vì vậy, ông đã cho các con, dâu, rể, gồm nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng, Thành Tôn, Bảy Sự, Đức Phú... qua Đoàn ca kịch cải lương Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há để thọ giáo, học hát cải lương. Sau khi học về, thành lập Đoàn ca kịch cải lương tuồng Tàu Khánh Hồng - Minh Tơ.
Ông bầu Thắng thử nghiệm và khai phá thể loại mới là hát bội pha cải lương. Ví dụ với tuồng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, phần đầu nghệ sĩ hát bội với các bài hát khách, hát tẩu...
Đến phần sau, khi thần nữ đến viên môn dâng ngũ linh kỳ thì xen vô bài bản cải lương, các bài khốc hoàng thiên, vọng cổ..., mượn thêm một số bài từ kinh kịch.
Bước thay đổi táo bạo của bầu Thắng đã thành công, khán giả thích và tiếp tục ủng hộ.
Từ thay đổi hát bội pha cải lương đã xuất hiện thêm kiểu hát đặc biệt là hát cương. Nghệ sĩ Công Minh, con trai của nghệ sĩ Minh Tơ - Bảy Sự, cho biết thời hát bội đoàn sử dụng tuồng tích Trung Hoa.
Tuy nhiên khi chuyển sang hát bội pha cải lương thì lại thiếu tác giả viết kịch bản, trong khi những đoàn diễn thuần cải lương thì rất nhiều tác giả như Hà Triều, Hoa Phượng, Năm Châu, Viễn Châu... Vì thiếu người viết nên mới có hát cương.
Bạch Long bày tỏ anh ngưỡng mộ những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của thể loại này như Hoàng Bá, Hoàng Nuôi, Minh Tài, Thành Tôn, Minh Tơ, Thiệu Của, Ngọc Tính, Thúy Manh, Mộng Lành, Năm Vững, Ba Ngọc...
Với anh, họ cực kỳ giỏi nghề và bản lĩnh. Nghệ sĩ hát cương không tập tuồng, ông bầu cứ nói đường dây, phân vai cho từng người. Vậy là lên sân khấu, nghệ sĩ tự đặt văn để hát, tự quăng bắt, ứng biến xử lý tình huống trên sân khấu.
Với Bạch Long, những nghệ sĩ hát cương không chỉ là diễn viên mà còn là tác giả, đạo diễn để kiến tạo vai diễn của mình trong tổng thể vở diễn.
Họ phải thuộc tất cả những bài bản và phối hợp lẹ làng, nhịp nhàng với bạn diễn theo kiểu tung hứng rất ngẫu nhiên.
Sau lớp nghệ sĩ vang danh này, ông Minh Tơ đã thành lập nhóm Đồng ấu Minh Tơ gồm các con và cháu của mình để chuẩn bị đội ngũ kế thừa cho đoàn hát gia tộc.
Thời đó, các nghệ sĩ Thanh Tòng, Bạch Lê, Thanh Thế, Bửu Truyện, Hữu Lợi, Ngọc Đáng, Xuân Yến, Thanh Loan, Trường Sơn, Thủy Thượng, Trung Quang, Hữu Tâm... còn rất nhỏ, chỉ chừng 7 hoặc 8 tuổi.
Nghệ sĩ Bạch Long (hàng dưới, trái) và em trai Thành Lộc cùng cha mẹ (hàng trên): ông Thành Tôn và bà Huỳnh Mai - Ảnh: NVCC
Mỗi đêm đoàn người lớn diễn ở đình Cầu Quan, còn diễn viên nhí của Đồng ấu Minh Tơ thì qua diễn ở Chánh Hưng. Sau này theo thị hiếu khán giả, đoàn hát của gia tộc đã bỏ hẳn hát bội chỉ còn hát cải lương tuồng cổ.
Những năm sau đó, trào lưu phim Đài Loan chiếm lĩnh thị trường, nhạc sĩ Đức Phú đi xem thấy ngộ ngộ rồi ông viết kịch bản cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, trong đó 50% nhạc Đài Loan, 50% nhạc ông tự sáng tác.
Trong tuồng này ông đóng Lương Sơn Bá, còn Chúc Anh Đài lần lượt là các cô đào Bo Bo Hoàng, Ngọc Giàu, Thanh Nga.
Kịch bản gây tiếng vang và ông Đức Phú trở thành nhạc sĩ nổi tiếng được mời viết nhạc trong các tuồng kiếm hiệp cho các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy... hát. Giai đoạn những năm 1970 đoàn chia ra hai đoàn.
Tuổi thơ của các thế hệ trong gia tộc này rất vui vì dù cực khổ nhưng có nhiều kỷ niệm, gắn bó bên nhau. Đình Cầu Quan không chỉ là nơi biểu diễn mà còn là chốn trú ngụ của gia tộc và các nghệ sĩ trong đoàn. Khu vực phòng vé khi xưa là nơi gia đình ông Khánh Hồng ở. Mé cánh gà sân khấu là gia đình nghệ sĩ Thành Tôn - Huỳnh Mai.
Khi diễn họ dựng chiếc đi văng nhường chỗ cho ban nhạc, vãn hát hai vợ chồng lật đi văng xuống để ngủ, phía trên tận dụng làm gác nhỏ cho mấy cô con gái Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý... ngủ, chật quá thì ra sàn sân khấu. Phía sau sân khấu là gia đình ông Minh Tơ.
Dưới hầm sân khấu tận dụng chia thành phần nhỏ cho Thanh Tòng, Trường Sơn... ở. Tất cả hộ gia đình sử dụng khu nấu nướng, vệ sinh chung ở huê viên.
Bé Hồng Quyên, con gái nghệ sĩ Tú Sương, thuộc thế hệ thứ 6 hóa thân thành nhân vật Trần Quốc Toản - Ảnh: L.ĐOAN
Nghệ sĩ Công Minh nhớ lại có một bồn nước nhỏ, đêm tới muốn tắm phải xối nhẹ nhẹ, sợ làm ồn sẽ bị bà Huỳnh Mai la vì gia đình bà ở gần khu vực đó.
Bạch Long cười, nhớ lại: "Tôi hay nói với Thành Lộc sao chỗ này giờ nhỏ xíu vậy ta, hồi nhỏ anh nhớ nó rộng lắm mà. Lộc nói rằng: Tại hồi đó anh còn nhỏ nên thấy nó rộng, giờ anh lớn cảm nhận sẽ khác...".
Ký ức đó đưa Bạch Long trôi về những ngày xa xưa. Ở đó bọn trẻ con nghệ sĩ suốt ngày sống trong tiếng đờn lời ca nên nghề hát ngấm vô máu hồi nào không hay.
Không chỉ vậy, nơi đây còn chứng kiến bao thăng trầm của sân khấu, đặc biệt là cải lương tuồng cổ. Đình Cầu Quan không chỉ là ngôi nhà thân thương mà còn là ngôi trường, lò đào tạo ra những nhân tài.
Nghệ sĩ Bạch Long và các cháu gái Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo mà anh đào tạo từ nhóm Đồng ấu Bạch Long - Ảnh: H.DŨNG
Nghệ sĩ Lệ Thủy có lần chia sẻ để diễn tuồng cổ bà phải qua tìm các nghệ sĩ gia tộc Minh Tơ để học điệu bộ, vũ đạo.
Không chỉ bà, rất nhiều tài danh sân khấu muốn diễn tuồng cổ đều phải "vác cặp" qua đình Cầu Quan học nghề. Sau 1975, khi đoàn trở thành đoàn hát nhà nước thì có một số nghệ sĩ được cấp nhà, một số nghệ sĩ ra mua nhà riêng.
Đoàn Minh Tơ từng được cấp nơi làm trụ sở và nhà ở đường Bạch Vân (quận 5). Đình Cầu Quan giờ chỉ còn duy nhất nhà của nghệ sĩ Trường Sơn - Thanh Loan (con ông Minh Tơ).
Những năm 1990, nghệ sĩ Bạch Long thành lập nhóm Đồng ấu Bạch Long vẫn sử dụng sân đình làm nơi đào tạo các diễn viên nhí ngày ấy như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh, Vũ Luân, Linh Tý...
Nghệ sĩ cải lương tuồng cổ kỳ cựu Trường Sơn (con rể ông Minh Tơ) trước ngôi nhà của mình ở đình Cầu Quan - Ảnh: L.Đ.
Đến nay, các thế hệ con cháu vẫn tiếp tục làm rạng danh gia tộc. Thế hệ thứ 5 tập trung các cô đào là gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu hiện nay. Có thể kể ra như NSND Quế Trân, giám khảo nhiều cuộc thi cải lương lớn.
Tú Sương là cô đào cải lương tuồng cổ số 1 trong các nghệ sĩ thuộc thế hệ của cô. Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo gây ấn tượng với những vai tính cách. Chưa hết, thế hệ này còn có hai rể rất giỏi nghề là Kim Tử Long và Điền Trung.
Mỗi dịp lễ Kỳ yên, rất đông khán giả vẫn đến đình Cầu Quan để xem các thế hệ nghệ sĩ của gia tộc hát bội - cải lương hơn 100 năm ăn cơm tổ biểu diễn - Ảnh: LINH ĐOAN
Thế hệ thứ 6 được xem là các tài năng nhí của làng nghệ thuật, gồm bé Kim Thư (cháu ngoại nghệ sĩ Trường Sơn - Thanh Loan) xuất sắc từ sân khấu tới màn ảnh. Tú Quyên, Hồng Quyên con của Tú Sương, bé Thảo Trâm, Thảo Trúc con của Lê Thanh Thảo đều là gương mặt sáng giá trên sân khấu.
Hai con trai của nghệ sĩ Trinh Trinh - Kim Tử Long cũng rất mê nghề hát của cha mẹ. Nhiều người dự đoán gia tộc này sẽ còn có thể lưu truyền nghề hát đến đời thứ 7, thứ 8 bởi từng nghệ sĩ trong gia đình luôn có ý thức lan truyền cho các con tình yêu sân khấu và biết quý trọng, nâng niu nghiệp tổ.
Các nghệ sĩ trong gia tộc Minh Tơ chào khán giả sau đêm diễn vở Câu thơ yên ngựa năm 2010 - Ảnh: HOÀNG DŨNG
Đình Nhơn Hòa, hay còn gọi là đình Cầu Muối hiện tọa lạc tại đường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19. Theo một số tài liệu thì từ năm 1937, võ ca của đình đã được trùng tu để trở thành nơi biểu diễn. Vì vậy, trong đình có nơi thờ tổ sân khấu.
Bà Bạch Nga, con gái của gia tộc này, cho biết gia đình bà bắt đầu nghiệp hát từ cha mẹ bà là ông Nguyễn Ngọc Huỳnh (tức ông Bảy Huỳnh, quê gốc Phan Thiết) và bà Phạm Thị Hương (nghệ sĩ Ngọc Hương, quê gốc Nam Vang). Hai ông bà là nghệ sĩ hát bội, sau khi kết hôn thành lập gánh hát Chánh Thành, hát thường trực ở đình Nhơn Hòa.
Vợ chồng ông Bảy Huỳnh có tới 13 người con. Trong đó có những người con theo nghiệp hát và thành danh như nghệ sĩ Bạch Mai, Thanh Bạch, Bạch Lan... Những người khác ít nhiều có hát rồi chuyển qua làm công việc khác như nhạc công, phục trang, ánh sáng, đạo cụ...
Nghĩa là trong gia tộc đó, cha mẹ, con cái, mỗi người phụ một tay để duy trì thương hiệu đoàn hát suốt mấy chục năm qua ở ngôi đình cổ giữa lòng thành phố.
Theo sự thay đổi của thời gian, đoàn từ hát bội chuyển qua hát cải lương Hồ quảng, rồi cải lương tuồng cổ. Từ cái tên Chánh Thành, đi qua gánh hát Thanh Bình - Kim Mai (Kim Mai là tên thật của nghệ sĩ Bạch Mai). Sau năm 1975 đoàn đổi tên thành Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, ghép tên ông Bảy Huỳnh và người con trai thứ ba là Thanh Long.
Bình Tinh, con gái út của nghệ sĩ Bạch Mai, cho biết dù đã có nhà riêng nhưng cô vẫn ở ngôi nhà nhỏ có tuổi đời 60, 70 năm trời sát hẻm đình Nhơn Hòa.
Đây là nhà mà gia đình cô đã mua từ hồi hát ở đình. Có hai căn, một căn Bình Tinh ở cùng hai chị gái và các cháu, trong đó có Ngọc Cương (con cố nghệ sĩ Chinh Nhân).
Một căn là nhà cố nghệ sĩ phục trang Kim Phượng, dì ruột của Bình Tinh. Quanh đó còn có nhà của nghệ sĩ Bạch Lợi, bà con và là nghệ sĩ của Đoàn Huỳnh Long.
Bà Bạch Nga kể ở trong đình thì ở trên là sân khấu, phía bên dưới đoàn tận dụng chia ra nhiều phần để con cháu và các diễn viên trong đoàn ở.
Ông Bảy Huỳnh mất năm 1973, vợ ông đã lèo lái gánh gia đình để tiếp nối nghề hát của gia tộc. Rất may là họ có những người con tài năng như Bạch Mai, Thanh Bạch không chỉ diễn giỏi mà còn có khả năng lãnh đạo đoàn, viết tuồng và dàn dựng nên đoạn đường sau đó của Huỳnh Long đã được phát huy.
Gia tộc này không chỉ đào tạo ra những nghệ sĩ tên tuổi từ gia đình mà còn đóng góp cho làng cải lương những nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng như Thanh Bạch, Bạch Mai, Đức Lợi, Hữu Lợi, Ngọc Đáng, Bạch Lợi, Hữu Huệ, Ngân Hà, Thanh Thế, Minh Hùng... Sau 1975, đoàn còn có sự tham gia của nhiều ngôi sao như Minh Vương, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Chí Linh, Vân Hà...
Đoàn đã hát rất nhiều tuồng gây dấu ấn như: Mặt trời đêm thế kỷ, Lá chắn biên thùy, Tình sử A Nàng, Anh hùng bán than, Trọng Thủy Mị Châu, Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Mạnh Lệ Quân...
Nếu hậu duệ gia tộc Minh Tơ còn hoạt động nghề rất đông, đông đến mức nhiều người cho rằng có thể thành lập đến hai đoàn hát thì hậu duệ Huỳnh Long chỉ còn lại một mình nghệ sĩ Bình Tinh, thế hệ thứ 3, còn theo nghề.
Tuy nhiên Bình Tinh đã làm nhiều người bất ngờ khi lèo lái Huỳnh Long trở thành một trong những đoàn cải lương xã hội hóa hoạt động mạnh nhất hiện nay.
Mỗi tháng đoàn có thể diễn 1 - 2 suất, mà diễn tại rạp Hồng Liên (quận 6), nơi bị cho là bất lợi vì xa trung tâm thành phố, nhưng hầu hết các suất diễn đều "cháy vé". Năm 4 tuổi Bình Tinh đã bước lên sân khấu gia đình với những vai nho nhỏ. 7 tuổi cô tham gia Đoàn Đồng ấu Bạch Long và được thầy Bạch Long tận tình truyền nghề.
Vợ chồng ông Bảy Huỳnh, bà Ngọc Hương, những người khai sinh ra gia tộc hát bội, cải lương tuồng cổ Huỳnh Long - Ảnh: Gia đình cung cấp
Thấy cô quá ham hát nên cha mẹ cô là nghệ sĩ Đức Lợi - Bạch Mai đã bắt cô nghỉ hát để tập trung việc học. Tuy nhiên đến năm lớp 11, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần buộc Bình Tinh phải gián đoạn việc học, lao vào đời, bươn chải kiếm tiền phụ gia đình.
Bình Tinh cho biết lúc đó cô vắt kiệt sức lao động, đám ma, đám cưới, đám tiệc... cô nhận lời hát hết. Cô nói có những lúc cảm giác mình như rơi xuống vực thẳm, nhưng sự kiên trì, chịu khó, cố gắng làm việc, cố gắng suy nghĩ lạc quan đã giúp cô vượt qua những tháng ngày vất vả.
Cô tâm sự: "Có thể nói, tôi đã trải qua rất nhiều gian khó, đau đớn nên bây giờ dường như không e sợ điều gì cả. Có ai như tôi trong một tháng (năm 2021) chịu nỗi đau mất đến bốn người thân ruột thịt là mẹ Bạch Mai, dì Kim Phượng, cậu Thanh Châu, cậu Thanh Linh.
Nhưng bù lại sau bao mất mát tôi nhận được rất nhiều tình yêu thương của các dì, cậu, anh em trong gia tộc, các cô chú nghệ sĩ, và đặc biệt là khán giả trong và ngoài nước yêu thương "thương hiệu" Huỳnh Long vẫn âm thầm hỗ trợ".
Ở mỗi suất diễn của Huỳnh Long luôn có sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sĩ khách mời như nghệ sĩ Vũ Linh, Kim Tử Long, Hoài Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Ngân Tuấn... Đặc biệt, nghệ sĩ Hữu Quốc giờ về đoàn phụ trách nghệ thuật và đạo diễn.
Thành phần chủ lực của Huỳnh Long có rất nhiều nghệ sĩ trẻ, chưa có tên tuổi. Bình Tinh chia sẻ sự gắn bó bền bỉ giữa các thành viên chính là tính đoàn kết. Có nhiều bạn là doanh nhân, làm việc khác bên ngoài nhưng đến với Huỳnh Long vì đam mê.
Cho nên nhiều vở diễn của Huỳnh Long khá dài vì diễn viên tham gia ngày càng đông. Mà càng đông thì càng mệt cho đạo diễn vì phải tính toán để họ xuất hiện như thế nào cho hợp lý, đồng thời rèn luyện nghề cho họ.
Cái mà Hữu Quốc khen ngợi ở Bình Tinh là phong cách của người làm bầu, luôn biết nghĩ cho anh em. Trong thời buổi sàn diễn cải lương không thể nuôi nổi nghệ sĩ thì cái tình chính là điều quan trọng giữ chân họ lại.
Nghệ sĩ Bình Tinh (giữa) trong tuồng Thập tứ nữ anh hào của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long công diễn hai suất tháng 9, tháng 10-2024 tại rạp Hồng Liên (quận 6) đều "cháy vé" - Ảnh: LINH ĐOAN
Sau Bình Tinh, Huỳnh Long đã "lấp ló" thế hệ nghệ sĩ thứ 4 là bé Bella Cát Tiên (con gái Bình Tinh) và Ngọc Cương (con trai cố nghệ sĩ Chinh Nhân, anh trai của Bình Tinh).
Bình Tinh bày tỏ: "Trong quá trình khôi phục Huỳnh Long, tôi gặp rất nhiều trở ngại, có lúc muốn buông luôn nhưng nghĩ đến tâm huyết của ông bà, cha mẹ, cậu dì trong gia tộc nên ráng cố gắng. Thế hệ thứ 4 của Huỳnh Long cũng thể hiện năng khiếu và đam mê.
Tuy nhiên khi các cháu lớn tôi sẽ tùy các con quyết định mà không ép buộc. Thế nên tương lai của Huỳnh Long như thế nào tôi không dám nói trước. Tôi sẽ nỗ lực hết sức, còn duy trì đến phút nào thì tôi trân trọng đến phút đó".
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận