Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiến hành thoái 9% vốn tại Vinamilk vào ngày 12-12 tới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7-12, cổ phiếu VNM giảm 1.500 đồng, về mức 132.500 đồng/cp - Ảnh: T.V.N |
Như vậy, trái với kì vọng của không ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM cũng như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị chào bán cạnh tranh hơn 130 triệu cổ phiếu VNM, giá cổ phiếu VNM không những không tăng mà diễn biến theo chiều hướng giảm dần sau khi SCIC giới thiệu về đợt chào bán này vào cuối tháng 11 vừa qua.
Giảm nhiều hơn tăng
Ngày 21-11, lúc SCIC bắt đầu loan báo việc thoái 9% vốn tại VNM, giá cổ phiếu VNM tăng liên tiếp hai phiên tổng cộng là 3.500 đồng/cp. Tuy nhiên, 10 phiên liên tiếp sau đó, giá cổ phiếu này đã giảm tổng cộng 6.700 đồng/cp, trong đó lượng bán ra chủ yếu là do khối ngoại. Một cán bộ có thẩm quyền của SCIC cho biết ông không bất ngờ trước việc mức giá của VNM biến động trên thị trường chứng khoán mấy ngày qua.
“Đã bước vào cuộc chơi, với các công bố và quy chế công khai, tôi nghĩ chúng ta nên chấp nhận theo quy luật và diễn biến của thị trường. Thị trường phản ánh giá của VNM như thế nào, SCIC cũng sẽ phải chấp nhận như thế”, vị này cho biết.
Ngay cả trong trường hợp cổ phiếu của VNM tiếp tục giảm, theo vị này, SCIC vẫn sẽ theo kế hoạch đã công bố mà thực hiện.
Về mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cp cho phiên chào bán, vị này khẳng định đã được các công ty tư vấn cho SCIC tính toán, xem xét kỹ lưỡng dựa trên rất nhiều yếu tố, dữ liệu khác nhau. “Mức giá này cũng có thể hiểu là sự kỳ vọng của người đi bán, tức SCIC. Còn thị trường phản ứng như thế nào, cứ đợi đến ngày 12-12 sẽ rõ”, vị này này nói.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, giá cổ phiếu VNM giao dịch trên thị trường càng xuống thấp, người mua càng có lợi, ngay cả những người tham gia đấu giá cũng được lợi. Tuy nhiên, việc giảm giá đang là xu hướng chung của thị trường, các nhà đầu tư ngoại cũng bán ra nhiều cổ phiếu đang nắm giữ chứ không riêng gì cổ phiếu VNM.
Còn một yếu tố khác, là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua làm tăng giá trị của đồng USD cũng tạo thêm áp lực rút tiền của nhà đầu tư bằng USD ra khỏi nhiều quốc gia.
Hai quỹ đầu tư ETF nước ngoài lớn nhất đang đầu tư tại VN bị rút vốn nên họ cũng phải thoái vốn khỏi thị trường VN. “Các quỹ nước ngoài tại VN đều nắm giữ cổ phiếu của VNM nên chuyện họ phải bán ra cổ phiếu này để trả tiền cho các nhà đầu tư là chuyện bình thường”, vị chuyên gia cho hay.
Cuộc ‘chơi’ của nhà đầu tư lớn
Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Đạt Chí, trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) cho rằng nếu giá giao dịch của VNM trên sàn chứng khoán thấp hơn so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra , các nhà đầu tư nhỏ sẽ mua trực tiếp trên sàn thay vì tham gia đấu giá.
Trong khi những nhà đầu tư lớn, muốn gom một lượng lớn cổ phiếu VNM, chỉ có thể tham gia đấu giá thay vì mua trên sàn.
Do đó, theo ông Chí, giá giao dịch của VNM càng thấp hơn so với mức giá khởi điểm do SCIC đưa ra là 144.000 đồng/cổ phiếu, các nhà đầu tư lớn tham gia đấu giá sẽ được lợi. “Bởi khi đó các nhà đầu tư nhỏ sẽ không tham gia, các nhà đầu tư có lượng tiền đủ lớn có thể gom được một lượng lớn cổ phiếu VNM dù phải mua với giá đắt hơn trên thị trường”, ông Chí nhận định.
Tuy nhiên, ông Chí cho rằng không có cơ sở để nói có một đối tượng nào đó đang dìm giá cổ phiếu VNM để hưởng lợi trong phiên đấu giá sắp tới của SCIC. Bởi VNM là một công ty đại chúng có vốn hóa lớn, được giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán và giá cả phản ánh cung cầu của cổ phiếu này.
Dù vậy, với xu hướng giảm giá của cổ phiếu VNM hiện nay, các chuyên gia cho rằng đợt đấu giá này không dễ thành công như kì vọng của SCIC, nhất là khi khối lượng thoái vốn của SCIC trong đợt này khá lớn, lên tới hơn 130 triệu cổ phiếu.
Trong quy chế đấu giá do SCIC ban hành, giá bán cổ phần không thấp hơn mức giá khởi điểm và mức giá sàn giao dịch tại ngày chuyển nhượng cổ phần (ngày tổ chức chào bán cạnh tranh). Theo TS Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM), điều này có nghĩa là tại ngày đấu giá, nếu giá sàn của VNM cao hơn giá khởi điểm, nhà đầu tư phải mua mức giá tối thiểu bằng với giá sàn. Còn nếu tại ngày đấu giá, giá sàn của VNM thấp hơn giá khởi điểm, nhà đầu tư phải mua với mức giá tối thiểu bằng giá khởi điểm. Tóm lại, nhà đầu tư không được mua thấp hơn mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cp trong phiên đấu giá vào ngày 12-12 tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận