Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
TTO - “Thầy ơi cố lên, cả trường đợi thầy về!”, những cô cậu học trò ở lớp học đặc biệt có tên “lớp ghép hòn Đước” liên tục nhắn nhủ thầy Danh Văn, đang nằm Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Và không chỉ học trò, thầy cô và nhiều người dân ở hòn Đước, xã đảo nhỏ bé thuộc quần đảo Hải Tặc, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang ai cũng lo cho cái chân gãy của thầy Văn bởi thầy còn bị bệnh máu khó đông.
Gần một tuần nay, cha mẹ thầy Văn và cô giáo Thị Ngọc Yến thay nhau chăm sóc thầy giáo trẻ của điểm trường hòn Đước, Trường tiểu học và trung học Tiền Hải, quần đảo Hải Tặc.
Ngay trước ngày 20-11 rồi, thầy Văn bị trượt và té gãy chân tại trường học. Ở tuổi 29, việc gãy xương cẳng chân hẳn không đến nỗi nghiêm trọng nếu thầy không bị bệnh máu khó đông bẩm sinh.
Thầy Văn là người Khmer, gia đình làm nông ở ấp An Phú, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Thầy là con thứ 2, chị gái cũng là giáo viên mầm non ở trong ấp, còn cô em gái út đang học trường dân tộc nội trú trên huyện.
Điều ước mùa Giáng sinh ở đảo Hải Tặc - Video: TVO
Năm nay đã hơn 60 tuổi, sau mấy chục năm nuôi ba con ăn học ở vùng quê nghèo khó, nay cha mẹ thầy Văn chỉ còn vài sào ruộng cắm dùi.
Buổi chiều cuối tháng 11 khi chúng tôi đến, ông Danh Định đang âu lo xem xấp hóa đơn viện phí gần 200 triệu đồng chỉ trong một tuần con trai nằm viện.
Hỏi ra mới biết, do bệnh máu khó đông có loại thuốc đặc trị với chi phí cả trăm triệu mỗi liệu trình ngoài danh mục Bảo hiểm y tế chi trả, nên chỉ một tuần ở Bệnh viện Chợ Rẫy, gia đình đã phải tạm ứng 200 triệu đồng đóng viện phí.
Năm Danh Văn tròn 11 tuổi cũng là lúc gia đình phát hiện con trai bị máu khó đông sau một lần bị thương chảy máu cầm không được. Từ ấy, cả gia đình nhỏ ở vùng quê nghèo đã dồn hết “ưu ái” cho đứa con trai duy nhất.
Văn không phải làm việc đồng áng, chỉ lo học và phụ việc nhà. Bấy nhiêu năm, hai vợ chồng gồng gánh, đắp đổi cho ba con ăn học nên người. Cũng vì thế, mới hơn 60 tuổi, hai ông bà nhìn già hơn cả chục tuổi. Nhất là những ngày này, khi gia đình nhận được thông báo số tiền điều trị cho Văn có thể lên đến 400 triệu đồng.
Thông báo của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay mỗi toa thuốc đặc hiệu (yếu tố VIII đông khô) khoảng 40 triệu đồng/ngày. Liệu trình cho Văn khoảng 10 ngày, để ít nhất ổn định vết mổ do gãy xương cẳng trái, và quan trọng cầm máu được để hồi phục hoàn toàn.
Cô Yến, cũng là giáo viên trường Tiền Hải - bạn gái thầy Văn, chia sẻ: “Cả tuần rồi, học trò gọi lên nhiều lắm. Đứa nào cũng lo cho thầy. Có đứa còn đi ra gần biển cho thầy nghe tiếng sóng biển cho đỡ… nhớ trường. Lớp học gần biển mà”.
Bảy năm thầy Danh Văn ra đảo dạy là bảy năm thầy trò lớp ghép học không có ánh đèn điện. Những ngày học tăng cường theo chương trình, thầy trò có khi thắp đèn cầy, may lắm mới có đèn sạc điện… Đến giờ vẫn chưa có điện về điểm trường hòn Đước, bởi điện cũng mới về hòn Tre tháng 10-2019.
Nằm trên giường bệnh, thầy Văn thiêm thiếp sau khi vô thuốc đông máu đặc hiệu, người cứ run nhè nhẹ. Sốt và đau nhức do phản ứng phụ thuốc khiến gia đình phải thay phiên nhau xoa bóp vì không biết làm gì hơn.
Là “con nhà nghèo mà mắc bệnh nhà giàu” nên thầy Danh Văn từng ước mơ học ngành Y để ít nhất lo được cho bệnh tình của mình và chung sống suốt đời với nó. Ước mơ không thành, thầy chọn ngành sư phạm ở Trường đại học Kiên Giang.
Ra trường, được phân về Trường tiểu học và trung học Tiền Hải, nơi đảo xa còn nhiều khó khăn và người dân hầu như chỉ lo đi biển, ít quan tâm tới cái học của con trẻ… nhưng thầy vẫn hăm hở lên đường.
Chỉ một buổi chiều muộn ở phòng cấp cứu sau phẫu thuật của khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thấy thầy Văn liên tục nhận điện thoại của thầy trò ở đảo gọi lên. Cô Yến phải cập nhật tin tức thường xuyên để mọi người “ở nhà” đỡ lo.
Tỉnh táo được một chút, thầy giáo trẻ như quên đi những cơn đau khi kể về học trò suốt 7 năm cắm đảo: “Hồi mới ra đảo, ấn tượng nhất là tình thương mà các em dành cho thầy cô.
Có hôm đang học, chúng nó giả bộ xin đi vệ sinh, ai dè trở vô mang theo nắm hoa rừng tặng thầy. Có lần ngày nhà giáo, được học trò tặng cho chục gói mì mà ngỡ ngàng. Ở đảo đến giờ điện thắp sáng còn không có nên đám trẻ con có mong gì hơn được đến trường…”.
Vì vậy, dù đã về đảo Hải Tặc dạy hơn 7 năm, thầy Văn vẫn quyến luyến với học trò. Bảy năm đứng lớp không ánh đèn điện, thầy giáo trẻ còn “đặc trị” “lớp ghép” điểm hòn Đước.
Gọi là lớp ghép vì học trò lớp thầy đứa thì học mãi không hết cấp 1, đứa lớp 1, lớp 4… đều gom vô cho đủ sĩ số học, không quản ngại thiếu thốn, khó khăn. Nhưng bây giờ trước toa thuốc “đặc trị” cho căn bệnh nhà giàu của mình, cả thầy và người thân đều hoang mang, bất lực.
Chỉ mới đây thôi, cái tin điện ra đến đảo Hải Tặc làm ai cũng vui như hội. Suốt mấy chục năm qua, người dân ở đây chỉ ấp ủ một ước mơ giản dị là có điện, để lũ trẻ được học trong ánh đèn điện, quạt máy. Để thầy trò trên đảo bớt cực nhọc trong cuộc mưu sinh.
Những ngày này, điện đã gần về đến hòn Đước, thì thầy giáo trẻ điểm trường này lại gặp tai ương.
Có ánh mắt ấm áp và nụ cười hiền khô, giọng nói nhỏ nhẹ, “Thầy giáo hiền nhất xứ đảo Hải Tặc” là biệt danh của thầy Danh Văn. Bao nhiêu năm cắm đảo là bấy nhiêu năm thầy lặn lội đi tới từng nhà vận động học trò đến lớp.
Dù mắc bệnh máu khó đông, chỉ cần sơ suất bị thương nhẹ như trầy da, đứt tay là nguy cơ chảy máu không ngừng, nhưng thầy vẫn cùng học trò vượt qua mọi khó khăn để gieo chữ ở nơi thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến đường đi lại.
“Ở nhà, tuy mừng vì con thành thầy giáo, làm việc có ý nghĩa nhưng tui và cha nó vẫn nơm nớp lo. Từ khi biết nó mắc cái bệnh kỳ, cả việc ăn uống, đi lại lúc nào cũng dặn phải thật kỹ lưỡng.
Đánh răng lỡ chảy máu cũng nguy hiểm tính mạng, dân làm ruộng mà cả nhà sợ con đỉa, con vắt như sợ ma. Lỡ nó cắn thì chắc chết…
May thay nó lớn chừng này, mỗi năm cũng tự đi thăm khám lo được cho bản thân. Chưa kịp mừng thì xui rủi tới…”, bà Thị Kim Cương sụt sùi nói về bệnh tình của con trai trong khi vẫn tất tả chạy tiền khắp nơi để lo chữa trị.
Hôm 19-11 vừa rồi, thầy Văn dự định cùng học trò ra bờ biển bắt ốc về làm bữa tiệc nhỏ mừng ngày nhà giáo. Nhưng trưa cùng ngày, thầy bị trượt chân té ở bậc thềm lớp và gãy xương chân.
“Vậy là lỡ hẹn, giờ chỉ mong mau khỏe để về với lớp, với tụi nhỏ. Nhưng chẳng biết sẽ thế nào, thương cha mẹ lo chi phí ‘quá trời’. Lại sắp đến đợt thuốc mới…”, vẫn phải nằm ở phòng cấp cứu và thở bằng ống thở oxy, mắt thầy Văn rươm rướm khi nói.
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ cô giáo Ngọc Yến là vợ thầy Văn. Nhưng cô bẽn lẽn bảo: "Chỉ là bạn gái thôi, ảnh còn lo nhiều nên chưa tính gì cả. Cùng là thầy cô ở đảo, giờ chỉ mong anh Văn mau khỏe về lại trường".
Cả tuần nay, xót học trò nhưng cô vẫn "chạy lên Sài Gòn", thức đêm chăm thầy thay cha mẹ già yếu còn lo chạy tiền khắp nơi để thầy Văn chữa trị.
"Thiệt tình là thương lắm, nhưng bệnh tình mình vầy còn không lo được, đâu dám nghĩ xa hơn", thầy giáo trẻ bỏ ngỏ về đám cưới tương lai...
Đỡ sốt một chút, thầy lại trăn trở: "Mình mong lắm, hết bệnh để được về với lớp. Bao nhiêu năm nay, dù có dịp được chuyển về đất liền nhưng sống chung với học trò miết không nỡ đi. Chỉ mong sao nhanh hết bệnh để về với các em…".
Chứng kiến câu chuyện của thầy giáo trẻ Danh Văn và thầy trò đảo xa “chia lửa” cho nhau trong khoảng thời gian khó khăn này, tôi cũng ước có phép màu và phép màu sẽ đến thật nhanh với đảo Hải Tặc vào mùa Giáng sinh này…
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận