22/02/2022 05:47 GMT+7

Điều trị trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà sao cho đúng?

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Điều trị cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà thế nào? Cho trẻ uống thuốc cần lưu ý gì? Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh nặng có thể gọi nơi nào để thăm khám chữa bệnh, xử trí cấp cứu?

Điều trị trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà sao cho đúng? - Ảnh 1.

Phụ huynh được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến nửa đầu tháng 2, toàn quốc đã có hơn 490.000 trẻ em dưới 18 tuổi nhiễm COVID-19, riêng TP.HCM có hơn 32.400 trẻ. 

Số trẻ em tử vong trên cả nước khoảng 165 trẻ; trong đó riêng TP.HCM có 48 trẻ, phần lớn do các bệnh lý nền và béo phì.

Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm mới không dừng lại ở con số trên. Áp lực chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà càng thêm lớn khi giờ đây ở trẻ đã xuất hiện các di chứng hậu COVID-19, thậm chí viêm đa cơ quan.

Theo sát diễn biến bệnh 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ngay những ngày sau Tết này, số lượng trẻ đến khám và điều trị COVID-19 gia tăng. 

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm của bệnh viện - cho biết phần lớn trẻ đến khám, khi sàng lọc phát hiện nhiễm COVID-19 đều được về điều trị tại nhà nếu không có triệu chứng, nồng độ oxy từ 96% trở lên, không có dấu hiệu viêm phổi hay khó thở. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị nội trú cho khoảng 26 trẻ, trong đó có 8 trẻ mắc các bệnh lý nền.

"Các triệu chứng lâm sàng quan trọng cần chú ý ở trẻ như sốt trên 38 độ C, thở nhanh, hụt hơi, tức ngực, chỉ số SpO2 tụt ở mức dưới 96%, kén ăn, buồn nôn, tiêu chảy... Với các biểu hiện này, phụ huynh nên thông báo cho trạm y tế gần nhà hoặc đưa trẻ đến trực tiếp bệnh viện để thăm khám", BS Việt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 trẻ đến khám bệnh, sàng lọc phát hiện nhiễm COVID-19. Trong thời gian điều trị tại nhà, trẻ vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng suy hô hấp và cần liên hệ y tế.

"Trẻ em nếu độ tuổi nhỏ thường không tự nói ra những khó chịu, thay đổi trong cơ thể, nhưng phụ huynh có thể kiểm tra bằng cách đo SpO2 và nhịp thở. Với SpO2 nên đo ở vị trí nhiệt độ ổn định, nếu chỗ đo bị lạnh có thể cho kết quả sai", bác sĩ Tiến cho biết.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý trẻ cần được xử trí cấp cứu ngay nếu xảy ra các dấu hiệu chuyển nặng như mất nhận thức, lơ mơ, lú lẫn, quấy khóc, co giật; da tím tái, môi nhợt nhạt, lạnh đầu ngón tay chân; khó thở, phập phồng cánh mũi, nhịp thở tăng cao... 

Phụ huynh nên có đầy đủ thông tin liên hệ với trạm y tế địa phương, các bệnh viện nhi khoa gần nhất để phòng những trường hợp không thể tự di chuyển.

Chăm dinh dưỡng lẫn tinh thần

Nhiều phụ huynh nghe theo lời truyền miệng và chia sẻ trên mạng xã hội kiêng cữ khẩu phần ăn uống của trẻ. 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, điều đó là không nên. "Cứ để trẻ ăn uống như bình thường, tuyệt đối không được bỏ bữa. Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, nhất là từ trái cây và rau củ quả, không nhất thiết phải mua đồ đắt tiền thì mới đủ dưỡng chất", bác sĩ Tiến nhắc nhở.

Bên cạnh đó, cung cấp đủ nước là yếu tố vô cùng quan trọng.

Đối với việc luyện tập thể thao, BS CKII Huỳnh Tấn Vũ - trưởng đơn vị điều trị ban ngày, cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết phụ huynh có thể cho trẻ vận động, tập các động tác tay chân đơn giản nếu sức khỏe của trẻ ổn định.

"Trẻ khi phải cách ly và điều trị tại nhà thường sẽ có tâm lý khó chịu, hoang mang. Việc cho trẻ vận động 15 - 20 phút mỗi ngày cũng là cách để trấn an tinh thần, đồng thời tăng cường đề kháng giúp trẻ mau khỏi bệnh hơn", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Không tự ý sử dụng thuốc chống viêm, chống đông

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua các loại thuốc kháng virus, kháng sinh, thuốc chứa corticoid vì nếu sử dụng không hợp lý có thể gây hại gan, thận, tổn thương các tế bào máu, ảnh hưởng tim mạch của trẻ. Không nghe theo các đơn thuốc được chia sẻ trên mạng, nhất là xông các loại lá cây lạ.

"Phương pháp xông lá cây và tinh dầu có thể phù hợp và hiệu quả với người lớn, nhưng ở trẻ em thì không thật sự cần thiết bởi trẻ dễ bị mất nước, rối loạn điện giải, nếu quá nồng độ cũng có thể gây rối loạn đường hô hấp", BS Tiến cho biết.

Theo các bác sĩ, trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ chườm hạ sốt, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 - 6h, ngày không quá 4 lần. 

Nếu trẻ cảm thấy đau họng, ho nhiều thì có thể dùng các loại thuốc ho thảo dược, cẩn trọng lứa tuổi với thuốc ức chế ho và chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết.

Ngoài ra, với những trẻ quá nhỏ từ 3 tuổi trở xuống, cần kề cạnh chăm sóc thì người thân nên ở cùng trẻ tại phòng riêng, tránh xúc tiếp với các thành viên còn lại. 

Hướng dẫn cho trẻ thở ra sao?

Theo BS CKII Huỳnh Tấn Vũ, một số động tác tập thở nhẹ nhàng mà trẻ có thể thực hiện để tăng thông khí phổi như thở chúm môi, thở bụng. Kiểu thở chúm môi: hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi, sau đó chúm môi từ từ thở ra cho tới hết khả năng.

Kiểu thở bụng: một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động, hít vào bằng mũi, sau đó thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống.

Theo dõi trẻ kể cả khi vừa khỏi bệnh

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết có khoảng 1 - 5% trẻ sau khi khỏi COVID-19 trong 2 - 6 tuần gặp phải triệu chứng viêm đa hệ thống.

Đây là một trong các di chứng hậu COVID-19 thường gặp ở trẻ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong quá trình điều trị bệnh.

"Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ biểu hiện như: sốt cao, đỏ mắt, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù, nổi hồng ban... Khi đó cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời", bác sĩ Tiến nhấn mạnh. (CẨM NƯƠNG)

Trẻ uống hạ sốt 2 lần không đỡ, phải liên hệ y tế

Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 của Sở Y tế TP.HCM, trong quá trình chăm sóc và điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà, cần chú ý việc sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C, uống thêm nước và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ...

Trẻ không được rời khỏi nơi cách ly, không sử dụng vật dụng chung hay ăn uống chung với người khác, đặc biệt không tự ý dùng thuốc chống viêm và chống đông khi không có ý kiến bác sĩ.

Riêng với việc uống thuốc hạ sốt, trẻ sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, phụ huynh cần thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà ở địa phương để được xử trí.

Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ cũng cần lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng như: thở nhanh theo tuổi (1 - 5 tuổi: ≥40 lần/phút, 5 - 12 tuổi: >30 lần/phút, >12 tuổi: >20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi và đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím...

Khi trẻ có các dấu hiệu này, phụ huynh nhanh chóng liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 hoặc liên hệ cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, tổ phản ứng nhanh của phường, xã, thị trấn để được xử trí cấp cứu và chuyển trẻ đến bệnh viện gần nhất. (XUÂN MAI)

'Chúng tôi không sợ COVID-19 mà sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin'

TTO - 'Chúng tôi không sợ COVID-19 mà sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế để các bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân nặng'.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp