17/08/2016 10:19 GMT+7

Điều trị toàn diện hở môi, hàm ếch: Đẹp và tự tin hơn

LÊ THANH HÀ (lethanha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ ([email protected])

TTO - Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM là đơn vị đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm điều trị toàn diện cho trẻ bị khe hở môi, hàm ếch ngay từ khi chào đời cho đến khi hoàn thiện về thẩm mỹ và chức năng.

Các bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM phẫu thuật và tạo hình khe hở môi cho một bé 6 tháng tuổi - Ảnh: L.TH.H.

Hiện nay hầu hết trẻ bị dị tật này chỉ được phẫu thuật khi đã tương đối lớn (sau 6 -12 tháng tuổi) nên cơ hội điều trị tốt nhất bị trôi qua, khiến trẻ mổ rồi nhưng bị sẹo to, vẹo sống mũi, lỗ mũi xẹp, nói ngọng...

Niềm vui của mẹ

Sáng 5-8, chị B.T.H. (TP.HCM) bế con trai là bé V.V.P.A. (5 tháng tuổi) kháu khỉnh, dễ thương trong niềm vui khó tả sau một ngày bé được phẫu thuật vá khe hở môi tại Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM. Để có niềm vui này, chị H. phải trải qua nhiều ngày sống trong đau khổ, lo lắng và cố gắng vượt qua áp lực tâm lý khi có con dị tật để không ảnh hưởng đến thai nhi.

Chị H. kể khi mang thai tuần thứ 22 chị đi siêu âm và được bác sĩ phát hiện thai nhi bị sứt môi 1,5cm, chẻ vòm 0,8cm, có dấu hiệu bệnh Down. Mới mang thai con đầu lòng, nghe vậy chị rất sốc và chết lặng vì buồn. Sau đó chị đến Bệnh viện Từ Dũ khám tiền sản, chọc ối để làm xét nghiệm và kết quả bé chỉ bị chẻ vòm, sứt môi, không bị Down.

Lo lắng con bị dị tật, chị H. lên mạng tìm hiểu nơi chữa bệnh tốt nhất cho con sau khi sinh. Thấy Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM có trung tâm điều trị toàn diện, chị đã đến tư vấn khi thai nhi được 30 tuần. Khi được các y, bác sĩ động viên, giải thích cặn kẽ về kế hoạch điều trị toàn diện cho bé, chị H. cảm thấy được an ủi và tiếp thêm động lực giữ lại đứa con này.

Khi sinh bé A. được 9 ngày, chị ẵm con đến bệnh viện theo lời dặn của bác sĩ. Tại đây, chị được hướng dẫn cách chăm sóc, cách cho bé bú và bác sĩ làm ngay Taping (dán môi làm cho khe hở môi hẹp lại) và NAM (đặt dụng cụ định dạng lại sự sai lệch ở xương ổ răng và mũi) ở miệng bé để thu hẹp khoảng cách môi bị hở.

“Phẫu thuật xong cho bé tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, dù thời gian tới còn phải ra vào bệnh viện nhiều lần. Ở TP.HCM mọi người thấy bệnh này bình thường nhưng ở quê tôi sinh con dị tật họ đàm tiếu đủ thứ. Tôi đang làm việc ở TP.HCM nên mới có can đảm giữ con lại” - chị H. chia sẻ.

Cần được điều trị toàn diện

Khe hở môi, hàm ếch là dị tật bẩm sinh với tỉ lệ mắc 2,1/1.000 trẻ mới sinh ở khu vực châu Á. Đây là dị tật chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các bệnh lý dị tật chung. Theo bác sĩ Lê Trung Nghĩa - phó khoa vi phẫu tạo hình thẩm mỹ hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM, dị tật này không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng khác.

Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều trẻ bị dị tật này được điều trị chủ yếu là phẫu thuật đóng khe hở môi, hàm ếch, dẫn đến hệ quả: còn lại nhiều di chứng, biến chứng hoặc tồn tại các dị dạng khác chưa được theo dõi, giải quyết, khiến việc điều trị sau này cho trẻ trở nên phức tạp, tốn kém và ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng cơ quan và tâm lý của bệnh nhân cũng như gia đình.

Từ thực tế này, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM đã quyết tâm thành lập Trung tâm chăm sóc toàn diện trẻ bị khe hở môi, hàm ếch. Kế hoạch điều trị toàn diện được xác lập từ khi người mẹ mang thai được chẩn đoán thai nhi bị dị tật khe hở môi, hàm ếch. Người mẹ đến bệnh viện sẽ được tư vấn tiền sản, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn kế hoạch điều trị toàn diện khe hở môi và hàm ếch cho trẻ ngay sau khi sinh.

Theo đó, sau sinh một tuần, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa sơ sinh thăm khám, theo dõi; hướng dẫn nuôi bé ăn; làm Taping và làm NAM cho trẻ để giới hạn khe hở và chỉnh sửa xương ổ răng và lỗ mũi biến dạng do khe hở gây ra. Việc này giúp cho các bước phẫu thuật khi trẻ được 3-4 tháng dễ dàng hơn, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao (đường mổ được thẳng, sẹo nhỏ, hàm ếch dễ đóng hơn) và ít số lần phẫu thuật chỉnh sửa hơn.

Bệnh viện cũng sẽ tư vấn và lập kế hoạch điều trị toàn diện cụ thể cho từng bé từ bước chuẩn bị mổ, các phẫu thuật cần thiết theo thời gian, quá trình điều trị răng, chỉnh răng, ghép xương ổ răng, phẫu thuật chỉnh hàm... cho đến những phẫu thuật bổ sung như thẩm mỹ, phục hình...

Người nhà bé được lập một bản kế hoạch điều trị chi tiết theo thời gian phù hợp để cùng theo dõi và nhắc nhở của người điều phối tại trung tâm, nhằm trả lại cho bệnh nhân sức khỏe thẩm mỹ và chức năng.

Ngoài ra, bệnh nhân còn được theo dõi định kỳ đến khi thành niên để xác định có cần phẫu thuật chỉnh hàm hoặc sửa chữa những khuyết hổng khác ở sọ mặt kèm theo nếu có. Sau đó điều trị tiếp tục những ca chưa hoàn thiện từ 17 tuổi: sửa sẹo, tạo hình mũi, cấy mỡ... bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

Thời điểm phẫu thuật

Theo bác sĩ Lê Trung Nghĩa, phẫu thuật môi lần đầu cho trẻ thời điểm nào tùy vào tình trạng dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ. Thông thường, vá khe hở môi khi trẻ được 3-4 tháng tuổi, phẫu thuật đóng hàm ếch khi trẻ được 9-12 tháng tuổi.

Khi trẻ 2 tuổi cần được thăm khám tổng quát để đánh giá sự phát triển sau mổ; đánh giá tình trạng phát âm lúc trẻ 2,5 tuổi (định kỳ 6-12 tháng); điều trị rối loạn phát âm nếu cần thiết từ lúc trẻ 3,5 tuổi; phát hiện thiểu năng màng hầu (chẩn đoán bằng nội soi mũi ở trẻ từ 4 tuổi), nếu có sẽ được phẫu thuật điều trị khi bé 6-7 tuổi.

Nếu có khe hở xương ổ răng sẽ được phẫu thuật đóng lại trước khi răng nanh nhú lên, khoảng 9-11 tuổi.

LÊ THANH HÀ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp