Ảnh minh họa. Nguồn: freeyourspine.info
Đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là một cấu trúc dạng đĩa nằm giữa các đốt sống. Đĩa đệm cột sống được tạo thành từ một lõi bên trong mềm mại và một vòng bao bên ngoài chắc chắn.
Đĩa đệm giúp đệm giữa các đốt sống, giúp đốt sống linh hoạt, có thể uốn cong và vặn xoắn. Gần như tất cả mọi đĩa đệm bị phá vỡ theo thời gian, nhưng không phải ai cũng cảm thấy đau đớn. Nếu đĩa đệm cột sống bị thoái hóa là lý do khiến bị đau, lúc đó gọi là bị bệnh thoái hóa đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là khi đĩa đệm bị trượt khỏi vị trí của nó hay bị vỡ ra, hoặc thành phần mềm bên trong nhân đệm bị thoát ra ngoài.
Vì sao thoái hóa đĩa đệm?
Các đĩa đệm thay đổi theo những cách có thể gây ra bệnh đĩa đệm thoái hóa, chẳng hạn như:
- Khô: Khi bạn được sinh ra, các đĩa ở cột sống của bạn chủ yếu được tạo thành từ nước. Khi bạn già đi, chúng sẽ mất nước và trở nên mỏng và phẳng hơn. Các đĩa đệm trở nên phẳng do đó chức năng đệm giữa các đốt sống sẽ giảm, không thể hấp thụ các sốc ở cột sống mà do các sinh hoạt gây ra. Điều này có thể gây đau lưng hoặc vùng cột sống cổ .
- Vỡ đĩa đệm: Sự căng thẳng của các chuyển động hằng ngày và những chấn thương nhỏ qua thời gian có thể gây ra những chấn thương nhỏ ở vòng bao bên ngoài, nơi gần các dây thần kinh. Bất kỳ tổn thương nhỏ ở dây thần kinh có thể trở nên đau đớn. Và nếu vòng bao đĩa đệm bị vỡ, lõi mềm của đĩa có thể xuyên qua các vết nứt. Đĩa có thể phình ra hoặc trượt ra khỏi vị trí được gọi thoát vị. Nó có thể làm ảnh hưởng đến rễ thần kinh gần đó.
Các triệu chứng
Có thể bạn sẽ cảm thấy đau nhói khi cử động hoặc liên tục ở lưng và cổ. Các triệu chứng chính xác của bạn phụ thuộc vào nơi đĩa đệm bị tổn thương và những thay đổi khác mà nó gây ra.
Các dấu hiệu thường gặp bao gồm đau:
- Ở lưng dưới, mông hoặc đùi trên của bạn.
- Nó có thể dai dẳng hoặc nghiêm trọng và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
- Cảm thấy tồi tệ hơn khi bạn ngồi và tốt hơn khi bạn di chuyển và đi bộ.
- Cảm thấy tồi tệ hơn khi bạn uốn cong, nhấc hoặc xoắn.
- Tốt hơn khi bạn thay đổi vị trí hoặc nằm xuống.
Trong một số trường hợp, bệnh đĩa đệm thoái hóa có thể dẫn đến tê và ngứa ran, nóng rát ở cánh tay và chân của bạn. Nó cũng có thể làm cho sức cơ chân trở nên yếu. Điều này có nghĩa là các đĩa đệm bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh.
Chẩn đoán
Hầu hết thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống lưng, ít hơn là ở cột sống cổ. Triệu chứng thường gặp là:
- Đau tay hoặc chân: Nếu thoát vị đĩa đệm ở cột sống lưng thấp, đau chủ yếu ở mông đùi, đôi khi lan đến bàn chân. Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đau sẽ liên quan vai và cánh tay. Đau này có thể tăng lên khi ho, hắt hơi hoặc những động tác có liên quan tư thế cột sống.
- Tê hoặc đau nhói: Có thể có cảm giác tê tay hoặc chân hoặc đau nhói những vùng liên quan rễ thần kinh bị chèn ép.
- Yếu: Những cơ ở vùng bị chèn ép thần kinh nặng sẽ bị yếu. Điều này có thể gây té ngã, rớt bàn chân hoặc khó nâng bàn chân.
- Thỉnh thoảng cũng có người bị thoát vị đĩa đệm mà không có triệu chứng.
Cận lâm sàng: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang động cột sống hoặc MRI, MSCT cột sống.
Điều trị như thế nào?
Mục đích để giảm đau và ngăn chặn nhiều biến chứng hơn. Bác sĩ sẽ đề xuất kế hoạch tốt nhất, dựa trên các triệu chứng và tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức nào. Điều trị có thể bao gồm:
Dùng thuốc giảm đau không phẫu thuật
Luôn luôn bắt đầu điều trị nội khoa trước, trừ một số trường hợp phẫu thuật khẩn cấp. Thông thường sẽ giảm đau sau vài ngày hoặc vài tuần.
Thuốc giảm đau:
- Mức độ đau nhẹ: (Điểm đau 1-3) Thuốc giảm đau non-opiod, kháng viêm non-steroide (NSAIDs) như Celecoxib, Erticoxib, Paracetamol,…
- Mức độ đau trung bình: (4-6 điểm) Thuốc giảm đau opioid như Codein, Hydrocodone, Oxycodone, Dihydrocodein, Tramadol,…
- Mức độ đau nặng: (7-10 điểm) Thuốc giảm đau opioid mạnh như Morphine, Hydromorphine, Methadone, Fentanyl,... Những thuốc này phải dùng trong bệnh viện để theo dõi hô hấp, tiết niệu và thường được tiêm ngoài màng cứng.
Những thuốc hỗ trợ khác:
- Giảm đau thần kinh.
- Thuốc dãn cơ.
- Tuỳ theo mức độ đau mà có thể chọn nhóm thuốc thích hợp.
- Ngoài ra còn có thể chườm lạnh bằng các gói đá, chườm nóng miếng đệm nóng.
- Điều trị loãng xương nếu bệnh nhân có độ loãng xương từ - 2.5.
Vật lý trị liệu
Các bài tập có sự hỗ trợ của chuyên viên vật lý trị liệu giúp các cơ vùng cổ, vùng lưng trở nên mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn. Điều này còn hỗ trợ cột sống.
- Kích thích điện, siêu âm giảm đau…
- Các bài tập thể dục.
- Tùy theo từng bệnh nhân mà có từng bài tập riêng, bơi lội là một môn thể thao tốt cho cột sống lưng.
- Các bài tập aerobic cải thiện độ bền nếu thực hiện thường xuyên (ví dụ, ≥3 lần/tuần).
- Các bài tập thư giãn rất tốt để giảm căng thẳng cơ bắp.
Trong hầu hết trường hợp, vật lý trị liệu và thuốc giảm đau là đủ để cải thiện lâu dài.
Những trường hợp trầm trọng hơn thì có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, có những trường hợp cần phải phẫu thuật ngay như vỡ đĩa đệm tạo mảnh rời lớn chèn ép rễ, tủy cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận