14/10/2017 15:33 GMT+7

Điều trị kết hợp trong bệnh viêm khớp dạng thấp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Trên thế giới có khoảng 0,5 – 3% dân số bị viêm khớp dạng thấp, ở Việt Nam là 0,5 – 2%. Bệnh tuy không đe dọa nhiều đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị kết hợp trong bệnh viêm khớp dạng thấp - Ảnh 1.

Những khớp thường bị viêm dạng thấp là khớp bàn chân, bàn tay, cổ chân, cổ tay, các ngón tay chân và mang tính chất đối xứng. Ở giai đoạn muộn, thường biểu hiện ở các khớp vai, háng, cột sống cổ.

Biểu hiện bệnh

Buổi sáng khi mới ngủ dậy, người bệnh có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hoặc vài tiếng đồng hồ mới giảm bớt cảm giác cứng khớp.

Sau nhiều đợt cấp tính hoặc sưng đau khớp kéo dài (vài tháng hoặc vài năm), các khớp có thể biến dạng: bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo, khiến cho chức năng vận động bị giảm sút, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.

Hiện tại chưa xác định nguyên nhân cụ thể gây viêm khớp dạng thấp, nhưng những yếu tố sau đây được cho là có liên quan đến quá trình viêm khớp dạng thấp: tác nhân gây bệnh (có thể là virut, vi khuẩn, dị nguyên); yếu tố di truyền (khoảng 30% người bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền từ gia đình); yếu tố cơ địa (tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao là từ 25 đến 60 tuổi, nữ mắc bệnh gấp 3 lần nam); yếu tố khác (môi trường ẩm thấp, khả năng miễn dịch kém hay những người sau phẫu thuật).

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Do nguyên nhân gây bệnh không xác định được nên việc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, kéo dài, thậm chí có thể cả đời, bao gồm: thuốc Tây y, thuốc Đông y, vật lý trị liệu, dưỡng sinh, giảm cân và một chế độ ăn uống hợp lý.

- Thuốc Tây y: là những thuốc giảm đau, thuốc chống cứng khớp, giãn cơ và chống viêm, góp phần giúp khớp hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, những thuốc nói trên chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và không thể điều trị dứt điểm bệnh được. Trong khi tác dụng phụ mà chúng mang lại khá nhiều, dùng nhiều sẽ gây hại cho dạ dày, gan, thận, huyết áp, tim mạch…

- Thuốc Đông y: hiện nay được sử dụng rộng rãi hơn trong việc điều trị các bệnh mạn tính như viêm xương khớp. Đông y là những thuốc có thành phần từ những cây thuốc quý hiếm từ thiên nhiên nên rất lành tính, không tác dụng phụ và mang lại hiệu quả lâu dài cho người bệnh. Hạn chế duy nhất của việc sử dụng thuốc Đông y là thời gian, người bệnh cần có tính kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ.

- Vật lý trị liệu: người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể áp dụng một số phương pháp vật lý trị liệu như: nhiệt trị liệu, tắm và ngâm nóng, sóng ngắn, tia hồng ngoại, chườm nóng, siêu âm…

- Dưỡng sinh: tốt cho bệnh viêm khớp mạn, các động tác chậm rãi, uyển chuyển của các bài tập giúp tăng cường độ dẻo dai của các cơ bắp, xương, sự lưu thông khí huyết và thúc đẩy hoạt động tích cực của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Ngoài ra, dưỡng sinh cũng giúp điều hoà sự điều tiết hormon trong cơ thể con người, nhờ đó khiến cho nồng độ cholesterol giảm xuống, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, stress,... và các cơn đau do viêm khớp mạn tính.

- Giảm cân: việc giảm cân nặng cơ thể sẽ giúp ích cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nhờ giảm áp lực cơ thể lên các khớp ở chân, giảm sự phá hủy khớp, giúp giảm đau và giảm cứng khớp.

Chế độ ăn uống cho người bệnh viêm khớp dạng thấp

Việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng là một yêu cầu hàng đầu, chế độ ăn uống hợp lý là điều cần thiết giúp giảm hoặc tránh được những cơn đau do căn bệnh này gây ra. Các nhóm thực phẩm dành cho người bệnh bao gồm:

- Rau xanh và trái cây: có chứa nhiều vitamin C, D, E và các chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa, thậm chí có thể đẩy lùi quá trình viêm nhiễm. Rau quả, trái cây càng nhiều màu sắc thì chất dinh dưỡng và khả năng phòng chống bệnh càng cao. Một số loại rau quả rất tốt như: bông cải xanh, cải bó xôi, cà rốt, cà chua, quả việt quất, mâm xôi, dâu tây…

- Cá: các loại cá nước lạnh cung cấp nguồn axít béo thiết yếu omega 3, có khả năng chống viêm rất hiệu quả. Một số loại cá nước ngọt như: cá hồi Atlantic, cá trích, cá sardin, cá ngừ da sáng…

- Các loại hạt chứa nhiều vitamin C, D, E và các acid béo có khả năng chống viêm. Các loại gia vị như gừng, nghệ, hành, tỏi rất tốt cho bệnh viêm khớp.

Đừng quên uống thật nhiều nước, từ 2 – 2,5 lít mỗi ngày. Thông thường, quá trình đào thải nước ra khỏi cơ thể cũng có tác dụng làm dịu sự viêm nhiễm. Mỗi ngày nên uống 3 - 4 cốc nước chè xanh, có tác dụng hạn chế đau xương nên giúp cho người bệnh dễ chịu; hạn chế đồ uống giàu caffein.

Người bị bệnh viêm khớp dạng thấp cần hạn chế những thực phẩm giàu phospho, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, tránh các thực phẩm gây dị ứng, giảm muối, đường, tránh căng thẳng và sử dụng rượu bia.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp