Duy Mạnh tập luyện trong thời gian điều trị chấn thương tại Trung tâm PVF - Ảnh: HỮU TẤN
Cách đây 6 tháng, Trung tâm PVF lần lượt đón những tuyển thủ VN đến chữa trị chấn thương như tiền vệ Xuân Trường (HAGL), Huy Hùng (Quảng Nam), cặp trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng (CLB Hà Nội).
Mảng y tế ở các CLB quá yếu
Trong số này, Đình Trọng có lẽ không cần mất thêm 3 tháng tập hồi phục nếu không vội vàng trở lại thi đấu sớm ở VCK U23 châu Á 2020.
Trong lần tái khám vào tháng 3 vừa qua ở Singapore, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Đình Trọng tỏ ra không hài lòng về việc này và yêu cầu anh tuân thủ chặt chẽ thời gian tập hồi phục, tránh rút ngắn gây hậu quả về sau.
Trường hợp của tiền vệ Huy Hùng thì thuộc dạng để chấn thương bàn chân tồn tại lâu, cố thi đấu rồi mới điều trị dứt điểm. Đây cũng là một dạng tâm lý trì hoãn, đồng thời cầu thủ không nhận được tư vấn đúng cách từ bộ phận y tế của CLB.
Trong khi đó, Duy Mạnh và Xuân Trường đều gặp chấn thương đứt dây chằng chéo trước đầu gối khi cảm nhận thể trạng đang ở điều kiện tốt nhất. Từ đây, câu hỏi: "Tại sao lại bị chấn thương?" luôn là nỗi băn khoăn chung của nhiều cầu thủ.
Thực tế này cũng cho thấy một trung tâm hồi phục như PVF là quá ít ỏi và việc gửi cầu thủ đến trung tâm này cho thấy độ yếu về mảng y tế tại các CLB trong nước.
Đình Trọng tập luyện trong thời gian điều trị chấn thương tại Trung tâm PVF - Ảnh: HỮU TẤN
Kiên trì - yếu tố quan trọng trong hồi phục chấn thương
Đình Trọng từng chia sẻ việc tập hồi phục như cực hình đối với anh. Quãng thời gian ở PVF, Đình Trọng và các cầu thủ khác tập hồi phục 2 buổi/ngày. Họ sống trong không gian khép kín, không được ra khỏi trung tâm cả tháng trời vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chưa dừng lại ở đó, các bài tập lặp đi lặp lại trong nhiều ngày dẫn đến nhàm chán. Trong khi đó, việc hồi phục lại không thể đo bằng những con số chính xác mà cần trải qua cả một quá trình khiến cầu thủ tự nghi ngờ bản thân và việc tập luyện của mình.
Chuyên gia Nguyễn Trọng Hương của PVF từng chia sẻ rằng việc xuất hiện tâm lý đó là điều bình thường đối với các cầu thủ.
Vì vậy, họ sẽ dùng nhiều phương pháp để cải thiện tâm lý, chuyển tinh thần cầu thủ sang trạng thái tích cực hướng về tương lai thay vì nhắc đến chấn thương.
Bên cạnh đó, việc các giải đấu cấp đội tuyển bị hoãn cũng giúp cầu thủ bình tâm tập luyện thay vì tâm lý nóng vội không muốn bỏ lỡ các đợt tập trung của đội tuyển. Bác sĩ Choi Ju Young nhấn mạnh sự kiên trì trong tập hồi phục là điều rất quan trọng với bản thân các cầu thủ.
Cụ thể, Xuân Trường mất 8 tháng chữa trị, hồi phục và trở lại thi đấu cho HAGL từ cuối tháng 6. Trường hợp của Duy Mạnh có lịch trình chi tiết hơn: đầu tháng 4-2020 anh bắt đầu tập hồi phục tại PVF.
Đến tháng 11 hoặc 12 tới, Duy Mạnh có thể trở lại tập luyện cùng Hà Nội FC với thời gian 60 phút/buổi, tăng dần lên 90 phút, sau đó tập hết buổi. Tiếp theo, anh sẽ được thi đấu nửa hiệp, một hiệp rồi tiến tới cả trận. Thời gian dự kiến hồi phục hoàn toàn là tháng 1-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận