Bức ảnh từng khiến nhiều người rơi lệ: bác sĩ Joseph Varon ôm động viên một bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi tại Trung tâm y tế United Memorial Medical ở Houston, Texas, Mỹ khi ông cụ khóc nói muốn về nhà - Ảnh: AFP
Theo báo USA Today, hiện tại cứ mỗi ngày trôi qua nước Mỹ lại có hơn 1.000 người chết vì COVID-19. Họ qua đời trong cô độc tại nhà riêng hoặc bệnh viện, đau đớn hớp không khí trong những phút cuối cùng hoặc nhẹ nhàng hơn thì lặng lẽ chìm vào giấc ngủ.
Theo bác sĩ Kevin Tracey - nhà giải phẫu thần kinh thuộc Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein (Mỹ), vẫn có khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 nhập viện phải nằm phòng chăm sóc tích cực (ICU) - con số không thay đổi trong một năm qua.
Và một khi đã vào ICU, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao một cách đáng quan ngại chứ không giảm.
Điều an ủi là các bác sĩ cho biết công tác chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đã cải thiện nhiều nhờ căn bệnh được hiểu rõ hơn và bệnh viện không còn bị quá tải như giai đoạn đầu.
Chẳng hạn nhân viên y tế dùng máy thở một cách khôn ngoan hơn sau khi phát hiện ra đẩy ôxy đến cổ họng an toàn và hiệu quả hơn là ép xuống phổi đối với đa số bệnh nhân, chỉ trừ người bệnh rất nặng.
Thuốc Dexamethasone cũng được phát hiện là một công cụ hiệu quả, rẻ tiền và dễ sử dụng để giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Kết hợp hai kháng thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong
Ngày 11-3, hãng dược phẩm Eli Lilly của Mỹ thông báo phương pháp kết hợp hai loại kháng thể tổng hợp của hãng giúp giảm tới 87% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hiện Liên minh châu Âu đang tiến hành đánh giá hiệu quả của cách điều trị của hãng Eli Lilly để xem xét cấp phép.
Hồi tháng 2 vừa qua, phương pháp kết hợp hai loại kháng thể trên của Eli Lilly đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng cho những bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ biến chứng nặng. Hãng dược Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ) cũng đã phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 dựa trên loại kháng thể tương tự này và đã được FDA cấp phép trước đó.
Y học đã hiểu nhiều hơn về bệnh COVID-19 sau một năm, nhưng sự hiểu biết này còn rất hạn chế - Ảnh: AFP
Điều đáng tiếc là 12 tháng qua đại dịch chưa lúc nào yên nên các bác sĩ chỉ biết dò dẫm thử nghiệm và sửa sai, thiếu đi một nỗ lực phối hợp chung để biến trải nghiệm đau thương của hàng triệu người thành bài học cho những người khác.
"Một năm trôi qua, chúng tôi vẫn đi mà mù mịt phương hướng" - bác sĩ Tracey tổng kết.
Kết quả là bệnh nhân COVID-19 và nhân viên y tế phải tự mày mò với các phương tiện, thuốc men có sẵn, có thứ hữu ích và cũng có thứ độc hại, nhưng đâu có ai nghiên cứu đàng hoàng để nói cho họ biết.
Mùa xuân năm ngoái, rất nhiều lần bác sĩ Tracey nhận được điện thoại từ thân nhân người bệnh trong đêm, họ nức nở báo mới tìm được một liệu pháp hứa hẹn trên internet và muốn thử chữa cho người thân mắc COVID-19. Đến nay những cuộc gọi như vậy vẫn tiếp tục.
"Tôi biết nói sao với họ đây. Tôi muốn dựa vào khoa học lắm nhưng chúng tôi thật sự không biết cách tiếp cận tốt nhất là gì. Chúng ta cần phải tìm một con đường ra khỏi chốn u minh này" - bác sĩ Tracey tâm sự.
Chính phủ Mỹ có liên kết với các công ty tư nhân chạy chương trình Đẩy nhanh can thiệp trị liệu và vắc xin COVID-19 (ACTIV) để ưu tiên và phát triển nhanh các liệu pháp triển vọng, nhưng giới bác sĩ cho biết các thử nghiệm này thất bại trong việc trả lời những câu hỏi quan trọng.
Nhật cảnh báo tình trạng dùng thuốc điều trị chưa được cấp phép
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cảnh báo người dân về những hậu quả của việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh COVID-19 chưa được cấp phép.
Bộ trên cho biết ngày càng có nhiều người ở Nhật sử dụng các loại thuốc chữa COVID-19 có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng chưa được cấp phép lưu hành ở nước này. Người dân cần phải suy xét một cách thận trọng khi sử dụng các loại thuốc đó.
Tháng 11-2020, một phụ nữ ở tỉnh Shizuoka đã sử dụng ivermectin, một loại thuốc kháng ký sinh trùng do một công ty của Italy sản xuất và chưa được cấp phép để chữa COVID-19 ở Nhật Bản. Bà đã đặt mua qua một hãng nhập khẩu với hy vọng thuốc này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
COVID-19 vẫn còn là một căn bệnh chưa có giải pháp điều trị chuẩn mực - Ảnh: AFP
Tháng 3 năm ngoái, bác sĩ David Leaf và Shruti Gupta, hai chuyên gia về thận ở Boston, đã tập hợp bạn bè, đồng nghiệp lập ra một mạng lưới nghiên cứu cách chữa cho bệnh nhân COVID-19 nặng gọi là STOP-COVID.
Họ đã công bố được vài chục nghiên cứu nhỏ, chẳng hạn kỹ thuật hồi sinh tim phổi không giúp gì nhiều cho bệnh nhân COVID-19 đã bị ngừng tim, hoặc ECMO (tim phổi nhân tạo) có thể cứu mạng người. Họ còn nhận ra thuốc chống viêm tocilizumab nếu được dùng sớm có thể tăng tỉ lệ sống...
Không có chút kinh phí tài trợ, STOP-COVID chỉ biết dựa vào công sức của hơn 400 điều phối viên, y tá, sinh viên y khoa và bác sĩ thuộc đủ mọi lĩnh vực. Mỗi ngày sau khi xong ca làm việc mệt mỏi ở bệnh viện, họ về nhà tiếp tục cặm cụi ngồi nhập dữ liệu cho dự án.
Là một cường quốc khoa học nhưng Mỹ thiếu một hệ thống tập trung để chạy thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả một loại thuốc trên bệnh nhân, nhất là khi thuốc đó đã hết hiệu lực bảo hộ bản quyền. "Dùng liệu pháp chưa chứng minh hiệu quả trên bệnh nhân còn dễ hơn thử nghiệm lâm sàng" - theo các bác sĩ.
"Bất chấp những nỗ lực đổ vào việc tìm kiếm một phương thức chữa trị, chúng tôi vẫn không có nhiều phương án dành cho bệnh nhân nặng, thậm chí chúng tôi còn không biết cách nào là không hiệu quả" - bác sĩ Haider Warraich, giám đốc chương trình tim mạch thuộc hệ thống bệnh viện VA Boston Healthcare System, cho biết.
"Phản ứng của nhân loại quá rời rạc, đặc biệt là ở Mỹ, đến nỗi chúng ta không thể tìm ra được thông tin nào hữu ích. Tôi không thể nào không nghĩ đến những sinh mạng đã mất (vì COVID-19)" - ông Warraich chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận