Dùng những thức ăn có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Dùng thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới. Không để đói, không ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 đến 3 giờ. Khi chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ, tăng cường luộc, hấp và hạn chế chiên, xào.
Thực phẩm nên ăn: cháo, cơm nát, bánh mì, bánh quy, cơm nếp, bánh chưng, khoai tây, khoai sọ (luộc chín hoặc hầm nhừ dưới dạng súp); thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om; sữa bò hộp, sữa bò tươi, sữa bột, bơ, pho mát; đường, bánh, mứt, mật ong, kem, thạch, chè, nước lọc, nước khoáng...
Thực phẩm nên kiêng: các loại thực phẩm có độ axít cao; các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt...; các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành...); các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, cà phê, trà...); các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước sốt thịt, cá đậm đặc...
Ngoài ra, cũng không nên ăn các loại hoa quả (chuối tiêu, đu đủ, táo...) và các loại thức ăn chế biến sẵn (giăm bông, lạp xưởng, xúc xích...); không ăn sữa chua, không uống các loại nước ngọt có ga.
Mỗi lần ăn với số lượng ít và ăn nhiều lần, cách nhau một giờ. Sau đó dần dần tăng số lượng cho đến khi không còn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua thì ăn uống gần như bình thường.
Nếu là viêm dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hóa hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn khi đó cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axít folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.
9 món ăn tốt cho người đau dạ dày
1. Thịt nạc 100g, nấm rơm 100g, gia vị vừa đủ. Nấm tươi rửa sạch, thịt nạc rửa sạch thái miếng. Sau đó cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Khi thịt chín, nêm gia vị cho vừa miệng.
2. Gạo tẻ 100g, tiểu hồi hương 6g, gừng tươi 6g, sắc lấy nước, cho gạo nấu thành cháo loãng. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính, yếu lạnh đau bụng.
3. Đậu tương 100g, dạ dày lợn 1 bộ, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, đun nhừ chia bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính, sức khỏe kém.
4. Dạ dày dê 1 cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.
5. Một ít hạt súng, hạt sen, hồng táo, hoài sơn dược, ý dĩ nhân, đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo nghiền thành bột, mỗi lần lấy 30g, cho vào nước để nóng hoặc cho vào cháo ăn.
6. Gạo tẻ 30g, hạt sen 20g, khiếm thực 30g, một ít đường trắng. Gạo vo sạch ngâm 20 phút, hạt sen bỏ tim nếu là hạt sen khô ngâm trong nước độ 1 giờ đồng hồ, rồi cho hạt sen, khiếm thực và gạo vào nồi cùng nước nấu thành cháo, khuấy đều, thêm đường trắng.
7. Kê 50g, lạc 50g, đậu đỏ 30g, đường phèn lượng vừa đủ. Cho kê, lạc và đậu đỏ ngâm cho nở, sau đó rửa sạch. Cho lạc và đậu đỏ vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, đun lửa to cho sôi, rồi chuyển lửa nhỏ trong 30 phút. Sau đó cho kê vào đun cùng tới khi chín nhừ, thêm đường phèn nêm vừa miệng.
8. Hoài sơn dược 100g, kê nội kim sống 100g, bán hạ ngâm dấm 60g, triết bối mẫu 40g, nghiền thành bột, mỗi lần 3g, uống với nước, ngày 3 lần.
9. Canh đu đủ: đu đủ 1 quả, lạc 150g, sườn 500g, táo tàu 9 quả. Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng vừa ăn; lạc ngâm 30 phút; sườn rửa sạch, táo bỏ hạt. Tất cả nguyên liệu cho vào nồi, ninh nhừ và nêm gia vị đầy đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận