Tổng cục Thống kê cho biết, mục tiêu chính của cuộc điều tra là thu thập thông tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số.
Những dữ liệu thu thập được sẽ làm cơ sở hình thành hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Về nội dung, đối với hộ dân tộc thiểu số, cuộc điều tra tiến hành thu thập 7 nhóm thông tin cơ bản như: thông tin chung về dân số; thông tin lịch sử sinh; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở, điều kiện sinh hoạt của hộ; thông tin về các loại gia súc chủ yếu của hộ…
Cụ thể, cuộc điều tra tiến hành thu thập các thông tin chung về dân số như: họ và tên; mối quan hệ với chủ hộ; giới tính; tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch; dân tộc; đạo/tôn giáo; tình trạng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng di cư, cấp hộ khẩu tại nơi đến; tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất; tình trạng biết đọc và biết viết tiếng dân tộc, tiếng phổ thông; tình trạng hôn nhân; tình trạng lao động và việc làm.
Đồng thời, thu thập thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ từ 12-49 tuổi: số con đã sinh, số con hiện còn sống, số con đã chết; lần sinh gần nhất; tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ từ 12-49 tuổi đang có chồng.
Nhóm thứ ba là thông tin về người chết của hộ trong 18 tháng qua: số người chết; giới tính, thời gian và tuổi của người chết; nguyên nhân chết, nơi chết, tình hình tử vong mẹ.
Tiếp đó là thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ: tình trạng nhà ở hiện tại; diện tích của ngôi nhà/căn hộ; loại ngôi nhà/căn hộ đang ở; một số điều kiện sinh hoạt khác của hộ.
Bên cạnh đó, cuộc điều tra còn tiến hành thu thập thông tin về số lượng từng loại gia súc chủ yếu của hộ; thông tin về tình hình văn hóa - xã hội và tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ; thông tin về thu nhập của hộ trong 12 tháng qua (điều tra trên một mẫu quy mô nhỏ).
Đối với ủy ban nhân dân cấp xã, cuộc điều tra tiến hành thu thập các thông tin: thông tin chung về xã, thôn/ấp, dân tộc, hộ trên địa bàn xã; điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; bưu điện, nhà văn hóa, thông tin liên lạc; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; điều kiện làm việc và trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng và an ninh.
Theo Tổng cục Thống kê, đây là cuộc điều tra đột xuất, không nằm trong chương trình điều tra thống kê hàng năm, lại rất phức tạp, có nhiều điểm mới và khác biệt so với các cuộc điều tra mà Tổng cục đã thực hiện, vì vậy công tác chuẩn bị cho cuộc điều tra được đặc biệt chú trọng.
Trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã chủ động khảo sát, thiết kế sơ bộ nội dung điều tra; phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức các buổi hội thảo và tọa đàm trao đổi để nắm bắt nhu cầu thông tin của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và đông đảo người dùng tin trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương triển khai việc thiết kế phiếu điều tra và biên soạn các tài liệu phục vụ điều tra. Đồng thời, để có cơ sở hoàn thiện phương án điều tra, Tổng cục Thống kê đã tổ chức điều tra thí điểm tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Kết quả từ điều tra thí điểm đã cung cấp những bài học thực tiễn quý giá cho công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức và thực hiện.
Nhìn chung, đến nay về cơ bản mọi công tác chuẩn bị cho điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 2015 đã hoàn tất và mọi lực lượng đã sẵn sàng cho cuộc điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận