12/04/2018 11:14 GMT+7

Điều tra người đứng sau đường dây tiền ảo Ifan lừa 15.000 tỉ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Ngày 11-4, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có công văn khẩn giao Công an TP kiểm tra, xác minh đường dây tiền ảo đa cấp liên quan Công ty CP Modern Tech, nơi đang bị tố đã lừa 15.000 tỉ đồng.

Điều tra người đứng sau đường dây tiền ảo Ifan lừa 15.000 tỉ - Ảnh 1.

Trong buổi họp báo ngày 11-4, ông Diệp Khắc Cường (ngồi đầu bàn) - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Mạng lưới hữu nghị (FNC) - lên tiếng phủ nhận việc liên quan đến đường dây lừa đảo tiền ảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong văn bản, ông Liêm khẳng định các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp.

Ông Diệp Khắc Cường không đứng sau Ifan?

Động thái này được đưa ra sau khi hàng chục nhà đầu tư căng băngrôn tại trụ sở Công ty Modern Tech tố cáo công ty này chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng của 32.000 nhà đầu tư bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin.

Cũng trong ngày 11-4, tại buổi họp báo tổ chức ở trụ sở Công ty CP Đầu tư và phát triển Mạng lưới hữu nghị - FNC (Q.10, TP.HCM), ông Diệp Khắc Cường, chủ tịch HĐQT Công ty FNC và là người bị tố cáo đã cầm đầu nhóm Ifan lừa 15.000 tỉ đồng, lên tiếng phủ nhận việc liên quan đến nhóm sáng lập Ifan và cho rằng mình đã bị lợi dụng tên tuổi nhằm trục lợi.

Ông Diệp Khắc Cường trả lời tại buổi họp báo - Video: QUANG ĐỊNH

Giải thích về việc xuất hiện trong các hình ảnh quảng bá cho Ifan cùng với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhiều nghệ sĩ khác, ông Cường cho biết Công ty FNC chỉ tiếp xúc với Ifan (được cho là có trụ sở tại Singapore) để bàn chuyện hợp tác. 

Trên ứng dụng của ca sĩ, nếu một fan muốn mua một sản phẩm nào đó, hay muốn vào các group chat riêng chẳng hạn, có thể dùng đồng tiền ảo để mua.

Trong năm 2017, do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo, ông Cường có tham dự hai buổi nói chuyện giới thiệu về các dự án và hoạt động của FNC theo lời mời của Ifan. 

Sau khi phát hiện bị sử dụng uy tín để huy động vốn, từ tháng 10-2017 ông Cường đã livestream trên Facebook cá nhân của mình nhiều lần khẳng định việc Modern Tech lợi dụng uy tín cá nhân ông và một số nghệ sĩ để phát hành coin khi không được sự cho phép.

"Tất cả thông tin tôi và các nghệ sĩ kêu gọi mọi người mua tiền ảo là sai sự thật. Không có chuyện tôi là chủ sàn, phát hành đồng coin và đứng sau lưng. Tôi đã họp với nhà đầu tư và nói rõ về điều này" - ông khẳng định. 

Trong ngày 11-4, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lần thứ 2 lên tiếng khẳng định không liên quan đến Ifan và không kêu gọi mọi người tham gia đầu tư tiền ảo.

Vẫn lao vào tiền ảo

Tại buổi họp báo này, ông Ngô Văn Khanh, một người chuyên kinh doanh ngoại hối, cũng cho biết được mời đi dự hội thảo, có mặt các ngôi sao, người nổi tiếng và nghe nói sau này số coin sẽ nhân gấp 2-3 lần nên đã đầu tư 25.000 USD vào tiền ảo. 

Nhưng chỉ chưa đầy một tuần sau, ông Diệp Khắc Cường và nhiều ngôi sao đã lên tiếng phủ nhận, nói không dính líu tới. 

"Khi đó tôi liên hệ muốn lấy lại tiền nhưng họ nói chờ lên sàn rồi bán. Sau đó nổ ra vụ lùm xùm, giá đồng tiền ảo này giảm kinh khủng, từ 25.000 USD giờ giá trị số tiền ảo tôi nắm giữ chỉ còn khoảng 200-300 USD" - ông Khanh cho hay.

Điều tra người đứng sau đường dây tiền ảo Ifan lừa 15.000 tỉ - Ảnh 3.

Các nạn nhân của đường dây tiền ảo lừa đảo 15.000 tỉ đồng - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong khi nhiều nhà đầu tư đã rót vào dự án tiền ảo đa cấp đang dở khóc dở mếu, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, không ít người vẫn lén lút đầu tư vào các đường dây tiền ảo khác với hi vọng kiếm lãi cao. 

Chị Hiền (Q.2) cho biết vẫn được các nhà đầu tư khác rỉ tai một số mã vẫn còn huy động vốn lãi cao để mong gỡ gạc sau vụ mất tiền khi đầu tư vào Ifan.

"Có gói đầu tư khoảng 1.000 USD hứa trả lãi 30%/tháng và trả gốc sau 189 ngày. Số tiền đầu tư càng lớn, thời gian rút gốc càng ngắn. Nếu đầu tư gói 10.000 USD trở lên có thể rút gốc sau 99 ngày. Thực tình tui cũng muốn gỡ lại nhưng cũng lo" - chị Hiền nói.

Ông Trường (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết vừa được một nhà đầu tư khác giới thiệu đồng Martcoin, sẽ được tung ra trong quý 2-2018 và tiếp thị ở các nước trên thế giới. Mã này cũng có chương trình huy động vốn lãi suất 1%/ngày. 

"Có một mã khác là VNDC còn 'nổ' là có những ngân hàng đồng hành phía sau giữ tiền, giá trị tương tự VND, được Ngân hàng Nhà nước cho phép. VND chính là Việt Nam đồng, đổi qua VNDC chỉ là 'blockchain hóa', thậm chí những người điều hành còn khẳng định là nhất định ngân hàng sẽ tìm đến họ chứ không phải họ tìm đến ngân hàng" - ông Trường cho hay.

Theo chuyên gia Phạm Minh Tuấn, nhiều mô hình tiền ảo đa cấp hiện đang xuất hiện tại VN với hứa hẹn mức lợi nhuận rất khủng. 

"Không có hình thức đầu tư nào có thể thu lợi nhuận khủng trong một thời gian ngắn cả. Các hình thức huy động vốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia sớm hơn vào các dự án nhưng nhà đầu tư cũng đối mặt với rủi ro nhiều hơn. Nếu không tìm hiểu kỹ dễ gặp phải trường hợp bị lừa đảo" - ông Tuấn cho hay.

TP.HCM yêu cầu công an điều tra khẩn vụ tiền ảo

TTO - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa có công văn khẩn giao Công an TP phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra xác minh sự vụ liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp