15/04/2023 12:24 GMT+7

Điều tra: Kêu gọi từ thiện lấy 'hoa hồng' - Kỳ 3: Biến người bệnh thành món hàng

Người tuyển dụng của Deeda khẳng định công ty chỉ có sản phẩm kinh doanh duy nhất là... người bệnh. Việc của "cố vấn gây quỹ" từ thiện chỉ là cần tiếp cận, thuyết phục người bệnh đồng ý sử dụng thông tin và hình ảnh để Deeda kêu gọi quyên góp.

Bài viết về con của chị V.T.M. (tỉnh Bình Định) điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đăng trên website của Deeda. Chị M. đã yêu cầu Deeda không được sử dụng hình ảnh con mình cho mục đích gây quỹ - Ảnh website Deeda

Bài viết về con của chị V.T.M. (tỉnh Bình Định) điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đăng trên website của Deeda. Chị M. đã yêu cầu Deeda không được sử dụng hình ảnh con mình cho mục đích gây quỹ - Ảnh website Deeda

Hình thức "kinh doanh" này được Deeda đưa vào Việt Nam từ đầu năm 2021, trước cả thời điểm công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ngày 10-8-2022). 

Từ đó đến nay, Deeda công bố đã phát động 1.500 chiến dịch, có 36.000 lượt người quyên góp và tổng số tiền thu được trên 30 tỉ đồng.

Viết sao để người đọc quyên góp ngay!

Trước các nghi vấn về hoạt động gây quỹ bất thường, cuối tháng 3-2023 phóng viên Tuổi Trẻ đã trực tiếp ứng tuyển vào vị trí "cố vấn gây quỹ" của Công ty Deeda chi nhánh tại Hà Nội. Chỉ sau 2 ngày nộp hồ sơ, chúng tôi nhận được lịch hẹn mời phỏng vấn.

Văn phòng của Deeda Hà Nội nằm ở tầng 4 tòa nhà số 1 Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa). 

Đến phỏng vấn, chúng tôi được đưa vào phòng họp thuê theo giờ của tòa nhà này. Có hai người trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng, gồm bà Diễm (trưởng phòng nhân sự) và ông Tùng (trưởng phòng kinh doanh).

Mở đầu, bà Diễm giới thiệu: "Deeda chỉ là công ty thuộc một tập đoàn rất lớn mới bắt đầu vào thị trường Việt Nam từ tháng 8-2022. Hiện tại nhân sự công ty đang mỏng, trong khi thị trường quá rộng lớn nên không cần chia chác địa bàn. Công ty đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển hệ thống".

Nhân sự của Deeda hiện chỉ tập trung mạnh ở TP.HCM và Hà Nội. 

Giữa tháng 3, công ty này đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự ở khu vực Đà Nẵng. Họ ưu tiên tuyển dụng "cố vấn gây quỹ", tức người kết nối trực tiếp với bệnh nhân để thu thập thông tin và hình ảnh viết bài kêu gọi quyên góp.

Để tiếp cận khách hàng, trưởng phòng kinh doanh Tùng hướng dẫn chúng tôi: "Không nên thông qua các phòng, ban của bệnh viện. Mình phải trực tiếp đi tìm kiếm bệnh nhân. Các bệnh viện sẽ ưu tiên những đơn vị mang tới lợi ích ngay như trao tiền mặt, vật phẩm trực tiếp cho bệnh nhân. Vì vậy thông qua bệnh viện là không hiệu quả"(!?).

Ông Tùng còn chỉ dẫn chúng tôi cách tác nghiệp: "Em phải đến từng bệnh viện, vào từng giường bệnh, đi đến các khu nhà trọ, thậm chí ngồi hành lang hoặc sân bệnh viện để tiếp cận người bệnh. Phải lang thang nhìn xem ai giống người bệnh cần được giúp đỡ thì tìm cách tiếp cận họ".

Không chỉ cần có khả năng tiếp cận, tinh mắt nhìn trúng bệnh nhân, theo ông Tùng và bà Diễm, việc viết bài và chụp ảnh cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu đặt ra cho vị trí "cố vấn gây quỹ". 

Bà Diễm lưu ý: "Viết lách rất quan trọng, khi đi gặp bệnh nhân về, em phải tự viết về hoàn cảnh của họ. Em phải viết sao để người đọc nhìn thấy, đọc thấy là muốn quyên góp ngay cho họ mới là thành công".

Do vậy trên website của công ty này thường xuất hiện các bài viết có tựa đề, hình ảnh và nội dung rất thê lương.

Văn phòng làm việc của Deeda tại quận 1 (TP.HCM) được giới thiệu là cách bệnh viện gần nhất chỉ 10 phút di chuyển, có thể phục vụ tất cả bệnh nhân có nhu cầu gây quỹ nhanh nhất có thể - Ảnh: website Deeda

Văn phòng làm việc của Deeda tại quận 1 (TP.HCM) được giới thiệu là cách bệnh viện gần nhất chỉ 10 phút di chuyển, có thể phục vụ tất cả bệnh nhân có nhu cầu gây quỹ nhanh nhất có thể - Ảnh: website Deeda

"Sản phẩm" duy nhất của Deeda là... người bệnh

Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, ông Tùng chủ động đặt câu hỏi: "Deeda là cầu nối kết nối mạnh thường quân với bệnh nhân, vậy em nghĩ công ty lấy gì để chi trả lương cho các em?". Người này sau đó khẳng định công ty sẽ giữ lại 10% số tiền gây quỹ được để trả lương cho các "cố vấn gây quỹ".

Cũng theo ông Tùng, ngoài 10% này, nếu bệnh nhân đồng ý chạy quảng cáo thì còn phải chịu các chi phí khác.

Ông Tùng còn cho hay công ty không đưa ra giá cụ thể cho một ngày quảng cáo bao nhiêu, số tiền này sẽ được trừ phần trăm trên tổng số tiền gây quỹ được, có thể 20% hoặc 30% hoặc cao hơn.

Ông Tùng cho hay đội ngũ "cố vấn gây quỹ" có vai trò rất quan trọng. Do đó, việc tiếp cận bệnh nhân như thế nào, viết bài ra sao, làm sao đẩy quảng cáo cho nhiều người tiếp cận sẽ được công ty tổ chức training (đào tạo) cụ thể trước khi nhận việc.

Còn theo bà Diễm, với vai trò "cố vấn gây quỹ", nhân viên sẽ được hưởng mức lương "cứng" 6 triệu đồng, nếu đạt KPI (chỉ số hoàn thành công việc) sẽ có thêm 6 triệu đồng nữa. 

Bà Diễm trấn an chúng tôi: "Yên tâm, KPI là dựa vào số tiền gây quỹ được, rất nhiều người vượt KPI này. Nhân viên mới rất dễ đạt mức lương cứng 12 triệu/tháng".

Cuối cuộc phỏng vấn, bà Diễm đánh giá chúng tôi có tố chất, đồng thời gợi mở cơ hội làm việc hấp dẫn khi công ty chỉ có một "mặt hàng" kinh doanh là người bệnh. 

"Không giống như các loại dự án khác có rất nhiều sản phẩm, công ty chỉ có sản phẩm duy nhất, nên em chỉ cần được đào tạo một lần là sẽ cứ vậy mà làm. Em chỉ cần tiếp cận người bệnh, thuyết phục họ đồng ý để mình sử dụng hình ảnh, thông tin gây quỹ là được" - bà Diễm nói.

Văn bản của tổng giám đốc Deeda đề xuất hợp tác với Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tìm kiếm, thu thập, xác thực thông tin và hoàn cảnh bệnh nhân nhưng bệnh viện này không chấp nhận - Ảnh: BV cung cấp

Văn bản của tổng giám đốc Deeda đề xuất hợp tác với Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tìm kiếm, thu thập, xác thực thông tin và hoàn cảnh bệnh nhân nhưng bệnh viện này không chấp nhận - Ảnh: BV cung cấp

Vi phạm cả đạo đức và pháp luật

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định trong giấy phép đầu tư của Công ty TNHH Deeda (Việt Nam) không có ghi nhận "hoạt động từ thiện như gây quỹ hoặc các hoạt động ủng hộ khác nhằm trợ giúp xã hội". 

Mục tiêu thành lập Deeda chỉ là tư vấn máy tính, dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin. Trong trường hợp này, nếu công ty muốn thực hiện các hoạt động kêu gọi từ thiện thì việc tổ chức và hoạt động buộc phải theo một trong hai hình thức: thành lập quỹ từ thiện theo đúng quy định tại nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25-11-2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; hoặc Deeda phải thành lập tổ chức có hoạt động tham gia vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định tại nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hoặc hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định nguyên tắc của việc làm từ thiện là không có lợi nhuận. Do đó, mọi khoản thu đều phải được chi theo đúng quy định, điều lệ và cốt lõi là đến đúng đối tượng người bệnh, chi phí hoạt động có thể được trích từ khoản quyên góp được nhưng trích bao nhiêu và trích như thế nào không chỉ được căn cứ quy định nội bộ của doanh nghiệp mà phải có sự đồng ý của người đóng góp.

"Mọi việc kêu gọi ủng hộ, từ thiện dành cho các hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể phát huy tác dụng khi không có sự trục lợi. Việc "thừa nước đục thả câu" trong các trường hợp này là hành vi đáng lên án, không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật" - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch khẳng định.

Nỗi oan của người thụ hưởng

Tháng 12-2022, chị V.T.M. (tỉnh Bình Định) có con điều trị u máu, u hạch bạch huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, được Deeda tổ chức gây quỹ. "Ban đầu bé được góp hơn 1 triệu đồng, tôi xin rút tiền mua thuốc thì nhận được 900.000 đồng" - chị M. kể.

Sau đó họ gợi ý chị M. chạy quảng cáo, chỉ ba ngày số tiền quyên góp được trên 30 triệu đồng nhưng chị bị trừ chi phí quảng cáo 50%. Thấy vậy, chị M. xin dừng quảng cáo và xóa bài viết bởi với số tiền này nếu không bị trừ quảng cáo thì con chị đã đủ tiền phẫu thuật. Thế nhưng nhân viên Deeda khuyên chị đừng xóa bài.

Từ chuyện này, chị M., liên tục bị người quen truy vấn vì sao số tiền quyên góp đủ rồi mà không đưa con đi phẫu thuật? "Tôi không biết phải nói sao. Tôi chỉ ấm ức số phận đã nghèo khổ rồi, được bao nhiêu đồng ủng hộ từ nhà hảo tâm cũng bị trừ đến giờ vẫn không đủ tiền phẫu thuật cho con" - chị M. bức xúc và khẳng định đã yêu cầu Deeda dừng ngay việc sử dụng hình ảnh con mình cho mục đích gây quỹ.

Bộ Y tế đề nghị bệnh viện cả nước rà soát, ngăn trục lợi từ thiện sau điều tra của Tuổi TrẻBộ Y tế đề nghị bệnh viện cả nước rà soát, ngăn trục lợi từ thiện sau điều tra của Tuổi Trẻ

Chiều 14-4, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn đề nghị bệnh viện cảnh giác và rà soát các hoạt động kêu gọi gây quỹ từ thiện sau khi báo Tuổi Trẻ đăng phóng sự điều tra “Tiền của nhà hảo tâm rơi rụng dần”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp