14/04/2023 15:17 GMT+7

Điều tra: Kêu gọi từ thiện lấy 'hoa hồng' - Kỳ 2: 'Luật ngầm' gây quỹ của Deeda

Phía sau các con số công khai trên website https://www.deeda.care/vn tưởng như minh bạch và trách nhiệm, nhưng thật ra nó có một "luật ngầm" được Deeda đặt ra với người bệnh mà nhà hảo tâm không hề hay biết.

Điều tra: Kêu gọi từ thiện lấy hoa hồng - Kỳ 2: Luật ngầm gây quỹ của Deeda - Ảnh 1.

Trong các chiến dịch gây quỹ của Deeda đều gắn với câu slogan: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt cho ít nhất một mảnh đời bất hạnh” - Ảnh website Deeda

Sau khi quyên được tiền họ sẽ thu hàng loạt loại phí như: các phí nền tảng, phí đối tác tạo điều kiện giao dịch, phí chạy quảng cáo... Chưa hết, Deeda còn buộc phía bệnh nhân chấp nhận "thỏa thuận ủy quyền" cho phép họ dùng thông tin, hình ảnh đăng công khai trên mạng.

Trong tình thế bệnh tật ngặt nghèo, người bệnh phải chấp nhận cuộc chơi đau đớn này...

Tiền quyên góp "cõng" đủ thứ phí

Deeda công khai việc để duy trì cho hoạt động được an toàn, bảo mật, minh bạch và kịp thời, "một phần nhỏ" của khoản đóng góp (5%) sẽ dành cho việc bảo trì nền tảng, 5% khác họ thu để trả cho các đối tác cổng thanh toán. Đồng nghĩa với việc người thụ hưởng (bệnh nhân được quyên góp) sẽ chỉ nhận được số tiền nhất định sau khi trừ 10% của hai loại phí này.

Còn phí chạy quảng cáo Facebook, sau khi thu được tiền quyên góp người gây quỹ sẽ phải trả các khoản phí tương ứng, tuy nhiên Deeda không nêu cụ thể là bao nhiêu phần trăm.

Để kiểm chứng thông tin này, sáng 11-4 chúng tôi liên hệ với một "cố vấn gây quỹ cao cấp" của Deeda tên N.B.N. (29 tuổi). Người này giới thiệu là bác sĩ dự phòng có kinh nghiệm bốn năm làm việc tại bệnh viện ở Hà Nội, vừa chuyển qua làm việc cho Deeda.

"Bác sĩ" N. tiết lộ Deeda chỉ là nền tảng công nghệ hỗ trợ kết nối nhà hảo tâm. Dẫn chứng ca bệnh nhi bị ung thư máu đã có 1.698 nhà hảo tâm góp gần 300 triệu đồng (mục tiêu là 500 triệu đồng), "bác sĩ" N. khẳng định số tiền nhà hảo tâm ủng hộ sẽ bị trừ 10%, gồm phí nền tảng và phí ngân hàng.

"Chắc chắn là 10%, người bệnh sẽ nhận được 90% số tiền các nhà hảo tâm quyên góp. Chính xác số tiền được công khai trên website là số tiền thực tế mà người bệnh nhận được", người này khẳng định.

Tuy vậy, trong thực tế rất hiếm bệnh nhân được nhận 90% số tiền quyên góp này. Điển hình trường hợp gia đình bé N.G.Đ. (3 tuổi, quê Hà Nội), mắc hàng loạt căn bệnh như tim bẩm sinh, mù hai mắt, tai không nghe được và vận động kém.

Để được đăng bài kêu gọi trên website https://www.deeda.care/vn, chị N.D.L. (mẹ bé) chấp nhận điều kiện trừ "10% chi phí nền tảng".

Không chỉ thế, nhân viên Deeda còn tìm đến nhà yêu cầu chị ký giấy ủy quyền quảng bá cho Công ty Waterdrop International PTE.Ltd, địa chỉ tại Singapore (chủ đầu tư dự án Deeda).

Theo nội dung ủy quyền này, Deeda sẽ hỗ trợ bệnh nhân quảng bá trên Facebook, có quyền sử dụng các thông tin, hình ảnh chân dung của bệnh nhân và các thành viên trong gia đình cho hoạt động quảng bá.

Đặc biệt, tổ chức này còn cho mình quyền sử dụng số tiền huy động được để trả phí dịch vụ, phí quảng cáo Facebook tối đa là 39%. Kết thúc chiến dịch gây quỹ cho bé N.G.Đ., Deeda công khai số tiền nhà hảo tâm góp được gần 144 triệu đồng, thế nhưng chị L. (mẹ bé Đ.), chỉ nhận được hơn 70 triệu đồng.

Vậy là Deeda đã trừ khoảng 49% tiền phí, gồm: phí quảng cáo 39%, nền tảng 5% và kênh thanh toán 5%.

Cùng cảnh ngộ, ông N.V.S. (bố của bệnh nhi ở Hà Nội) cũng chỉ nhận về từ Deeda một nửa số tiền quyên góp, sau khi trừ phí. Thấy mình bị lợi dụng, ông S. đã chủ động xin dừng gây quỹ dù chưa đủ chi phí điều trị cho con.

Điều tra: Kêu gọi từ thiện lấy hoa hồng - Kỳ 2: Luật ngầm gây quỹ của Deeda - Ảnh 3.

Số tiền nhà hảo tâm quyên góp cho các bệnh nhân từ thiện khi qua Công ty Deeda phải “gánh” đủ thứ phí từ kênh thanh toán, nền tảng, quảng cáo. Số tiền bị “cắt” ít nhất 10% đến 54% theo khảo sát của Tuổi Trẻ - Ảnh các gia đình cung cấp

Bệnh viện tẩy chay Deeda

Nghi vấn về hoạt động gây quỹ không minh bạch, nhiều bệnh viện từ chối hợp tác với Deeda. Nhưng bằng nhiều cách, Deeda vẫn thâm nhập chụp hình, viết bài về các bệnh nhân "tung" lên mạng kêu gọi gây quỹ.

Tháng 9-2022, ông Xiao Xin - tổng giám đốc Deeda Việt Nam - có văn bản đề xuất phòng công tác xã hội (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) hợp tác tìm kiếm, thu thập, xác thực thông tin và hoàn cảnh bệnh nhân. Lúc bấy giờ, ông này giới thiệu công ty đã giúp được hơn 10.000 gia đình với số tiền gây quỹ lên đến 1 triệu USD (khoảng 24 tỉ đồng).

Tiêu chí mà ông Xiao Xin đưa ra là hỗ trợ gây quỹ cho các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và không giới hạn bệnh lý. Hình thức gây quỹ có các bước, gồm: thu thập thông tin cần thiết để bắt đầu chiến dịch, đăng tải chiến dịch, truyền thông chiến dịch trên mạng xã hội và rút tiền.

"Bệnh nhân hoặc gia đình có thể giải ngân một lần khi kết thúc chiến dịch hoặc giải ngân nhiều lần trong lúc chiến dịch đang diễn ra nếu cần tiền đóng viện phí. Nhân viên Deeda sẽ theo sát quá trình giải ngân để đảm bảo số tiền được dùng đúng mục đích", văn bản của ông Xiao Xin khẳng định.

Văn bản này hoàn toàn không đề cập việc người bệnh sẽ bị trừ chi phí nền tảng và quảng cáo như công ty này đang áp dụng với các ca bệnh.

Tuy vậy, đề xuất này không được chấp thuận, bởi Bệnh viện Nhi đồng 2 lo ngại phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến người bệnh, nhà hảo tâm và cả uy tín của bệnh viện. Không đi được bằng đường "chính ngạch", Deeda bèn cho nhân viên của mình với danh nghĩa "cố vấn gây quỹ" tìm cách tiếp cận bệnh nhân và tổ chức kêu gọi quyên góp cho nhiều bệnh nhi tại đây.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng phòng công tác xã hội - khẳng định bệnh viện không đồng ý với cách gây quỹ của Deeda, cũng không có bất cứ hợp tác nào trong việc tìm kiếm gây quỹ cho bệnh nhi. Song bác sĩ Khanh cũng không hiểu vì sao Deeda vẫn "qua mặt" bệnh viện tiếp cận nhiều người bệnh.

Ông Khanh cung cấp cho Tuổi Trẻ danh sách tám bệnh nhi được Deeda đăng tải kêu gọi gây quỹ, trong đó có trường hợp em N.H.T.K. (quê Tiền Giang) và P.T.K. (quê Trà Vinh) không còn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Chưa hết, trong danh sách này còn có một trường hợp được kêu gọi gây quỹ nhưng gia đình bệnh nhi không hề biết gì.

Đặc biệt, có một bệnh nhi quê Kiên Giang bị viêm cơ tim cấp, được Deeda thông tin: "Lần chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) đầu tiên bác sĩ yêu cầu tạm ứng 210 triệu đồng, nhưng do thương tình hoàn cảnh gia đình khó khăn bác sĩ đã giảm xuống 150 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng".

Bác sĩ Khanh khẳng định ở bệnh viện không có kiểu giảm giá như thế, đồng thời xác nhận đã chi quỹ của phòng công tác xã hội trên 132 triệu đồng và hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhi này là 281 triệu đồng.

Tại Hà Nội, một cán bộ phòng công tác xã hội của bệnh viện lớn chia sẻ đã từng bị người bệnh phản ứng, bởi nghĩ rằng Deeda là do phòng này giới thiệu.

"Người bệnh truy hỏi tại sao tiền ủng hộ hơn 2 triệu đồng, chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng. Lúc ấy, chúng tôi mới biết nhóm này hoạt động không thông qua bệnh viện và trả cho người bệnh số tiền quá ít ỏi", vị này nói.

Vị này còn cho biết qua nắm thông tin từ người bệnh, đơn vị biết được nhóm này xưng "tổ chức gây quỹ", sẽ kêu gọi cho bất kỳ ai miễn là cần nằm bệnh viện. Ban đầu họ nói với bệnh nhân chỉ giữ lại 10% duy trì nền tảng, phí làm thẻ ngân hàng. Song thực tế các bệnh nhân bị giữ lại khoảng 40 - 50% số tiền.

"Họ đến quay hình, chụp ảnh và hỏi han vài câu rồi đăng lên mạng kêu gọi quyên góp. Họ nói nếu chạy quảng cáo sẽ nhiều người biết, được nhiều tiền hơn nhưng tôi không nghĩ chi phí cao đến vậy", một người nhà bệnh nhân chia sẻ. (còn tiếp)

Sở Y tế TP.HCM vào cuộc

Ngày 13-4, ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế vào cuộc, đồng thời có văn bản yêu cầu các bệnh viện trực thuộc rà soát lại các trường hợp bệnh nhân đang được Deeda kêu gọi quyên góp.

Về quan điểm của ngành y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định hành vi kêu gọi gây quỹ, sau đó "cắt" phần trăm số tiền quyên góp của nhà hảo tâm dù với lý do gì cũng đáng bị lên án. Các bệnh viện của TP.HCM đều rất bức xúc.

Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - khẳng định đơn vị kiên quyết không hợp tác với Deeda. Hiện nay, tất cả kêu gọi hoặc tiếp nhận quyên góp của bệnh viện đều qua phòng công tác xã hội, không qua bất kỳ một đơn vị trung gian nào cả.

"Các nhà hảo tâm nếu muốn quyên góp nên đến phòng công tác xã hội, ở đó có hóa đơn chứng từ, có kiểm toán công khai và đặc biệt đúng bệnh nhân khó khăn cần giúp đỡ", ông Hùng cho biết.

HOÀNG LỘC

Nhiều chiến dịch biến mất

Cập nhật của Tuổi Trẻ cho thấy một số chiến dịch gây quỹ với số tiền lớn từng được công khai đã bị gỡ khỏi trang web https://www.deeda.care/vn sau một số nghi vấn về tính minh bạch.

Các bài viết bị xóa chủ yếu là trường hợp kêu gọi gây quỹ trước tháng 8-2022. Đây là thời điểm Công ty Deeda chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.

Huấn Huấn 'hoa hồng' bị phạt 7,5 triệu đồng vì ghép video từ thiện miền Trung

TTO - Bùi Xuân Huấn (còn gọi Huấn 'hoa hồng') bị xử phạt hành chính vì có hành vi cung cấp, phát tán thông tin giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam trên tài khoản Facebook cá nhân Huấn 'hoa hồng'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp