Hình ảnh được cho là các nạn nhân sau vụ tấn công hóa học vào thành phố Douma, Syria ngày 7-4 - Ảnh: REUTERS
Cáo buộc chính phủ Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân ở thành phố Douma, khu đông Ghouta (Syria), liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phát động không kích nhắm vào các "cơ sở sản xuất và cất giấu vũ khí hóa học của Syria" ngày 14-4.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài tiếng trước khi nhóm điều tra quốc tế của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đến địa điểm nghi bị tấn công hóa học ở Douma.
Thế nhưng, cho đến tận hôm nay (16-4), công tác điều tra của OPCW vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Anh và Nga tiếp tục đổ lỗi cho nhau.
Viết trên Twitter cá nhân, Đại sứ Anh tại Hà Lan Peter Wilson cáo buộc Nga và Syria đã cố tình trì hoãn, không cho phép các điều tra viên của OPCW tiếp cận Douma.
"Nga và Syria chắc chắn đã bắt tay trong chuyện này", ông Wilson viết.
Ông Wilson nhấn mạnh cần phải tìm cho ra thủ phạm, khẳng định nếu không thể làm được điều đó sẽ khiến chính phủ Syria tự đắc và tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.
Đại diện Mỹ tại OPCW trong khi đó bóng gió nói rằng sự trì hoãn tiếp cận có thể liên quan tới kết quả cuối cùng của cuộc điều tra.
Từ Nga, Điện Kremlin khẳng định những cáo buộc của Anh và Pháp là "vô căn cứ", nhấn mạnh bản thân Nga mong muốn cuộc điều tra được tiến hành.
"Chúng tôi hi vọng khi Mỹ đã giải quyết xong các vấn đề trong nước, một vài cuộc đối thoại hay liên lạc giữa Nga và Mỹ sẽ được bắt đầu bất chấp các tổn hại trong quan hệ song phương gần đây do Washington chủ xướng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga đã phản pháo gần như ngay lập tức. Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố cái gọi là "không cho phép" như Anh nói chỉ là sự phỏng đoán.
Ông Ryabkov nhấn mạnh sự trì hoãn là kết quả của cuộc không kích nhắm vào Syria ngày 14-4 của Anh, Pháp và Mỹ.
Trả lời phỏng vấn đài BBC của Anh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phủ nhận chuyện tác động tới hiện trường điều tra.
"Tôi có thể khẳng định Nga không hề làm xáo trộn hiện trường điều tra", ông Lavrov nhấn mạnh.
Mátxcơva, cả trước và sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, đều khẳng định đây là nỗ lực nhằm xóa dấu vết thủ phạm của vụ tấn công hóa học khiến gần 70 người chết ở Douma ngày 7-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận