Sau những cú ký kết này, không ít ngân hàng đã thiết kế sản phẩm theo hướng cài cắm bảo hiểm vào dịch vụ ngân hàng hoặc ép nhân viên phải tìm mọi cách để "đường nào cũng dẫn đến bảo hiểm".
Thật khó hiểu khi mua bảo hiểm là tự nguyện, đã khó mới đến gõ cửa vay ngân hàng, vậy mà không ít trường hợp người vay lại bị "bắt chẹt" phải mua bảo hiểm.
Ngân hàng đã ký đành phải ép
Trong gần 10 năm trở lại đây, các thương vụ ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng diễn ra sôi động. Khi đã ký, ngân hàng phải thực hiện, cứ thế, chỉ tiêu được trên ép xuống dưới, nhân viên ép khách vay... mua bảo hiểm.
Không chỉ có thời hạn kéo dài từ 15 năm trở lên, nhiều thương vụ hợp tác độc quyền còn có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Từ thỏa thuận phân phối độc quyền giữa một ngân hàng và bảo hiểm Prudential, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính mức phí trả trước mà ngân hàng này nhận được từ thương vụ trên có thể lên đến 3.500 tỉ đồng, đồng thời ước tính doanh thu từ phí bảo hiểm cũng sẽ tăng khoảng 30 - 40% hằng năm trong vòng 5 năm tiếp theo.
Trong khi đó, theo VCBS, mức phí trả trước mà một ngân hàng khác có thể nhận được từ thương vụ ký độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ của Sun Life là 370 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỉ đồng.
Hợp tác này được kích hoạt từ năm 2021. Hãng tin Bloomberg cũng từng cho biết thỏa thuận độc quyền giữa một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Manulife có thể được định giá cả trăm triệu USD, tức hàng ngàn tỉ đồng.
Trong năm 2022, một ngân hàng cổ phần lớn và bảo hiểm AIA ký gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền lên 19 năm thay vì 15 năm như ban đầu.
Công ty Chứng khoán Yuanta ước tính ngân hàng này nhận về khoảng 8.000 tỉ đồng từ thương vụ này. Hiển nhiên ngân hàng này luôn đứng hàng đầu các ngân hàng về doanh số bán bảo hiểm nhân thọ, kể từ khi ký kết thỏa thuận lần đầu vào năm 2017 với AIA.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm trở nên gắn kết, với quan hệ "mẹ - con".
Chẳng hạn một ngân hàng có công ty con là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ và trong năm qua đã thu về hơn 10.180 tỉ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (+21% so với năm trước), đóng góp vào gần 72% tổng doanh thu mảng dịch vụ.
Ngân hàng không thể "cắm mặt" bán bảo hiểm
Đó là nhận định của ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chánh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Các thương vụ độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thường kéo dài 15 năm, giá trị dao động từ 6.000 - 10.000 tỉ đồng.
Mỗi năm công ty bảo hiểm có thể thưởng cho ngân hàng, con số này không cố định mà phụ thuộc vào phong độ của ngân hàng dựa trên các tiêu chí như doanh thu phí bảo hiểm từ khách mới, tỉ lệ đóng phí năm tiếp theo của khách cũ...
Nếu không đạt phong độ như cam kết, ngân hàng sẽ bị cắt thưởng. Việc này tạo áp lực cho đội ngũ kinh doanh của ngân hàng.
Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm, ngân hàng tích cực phát triển các dịch vụ phụ mà trong đó có việc tham gia bán bảo hiểm.
Nếu ngân hàng cứ "cắm mặt" bán bảo hiểm, bất chấp nhu cầu và quyền lợi của khách hàng thì sẽ gây tổn hại niềm tin của khách hàng đến ngân hàng và cả công ty bảo hiểm.
Đối với những người đi vay, tức đang gặp khó khăn về tài chính, việc "ép" mua bảo hiểm chỉ càng khiến họ rơi vào bần cùng.
Cũng khó tránh khỏi trường hợp nhân viên ngân hàng phải "cắt máu", tự mua bảo hiểm cho mình và người nhà, hứa hẹn hoàn tiền cho khách, để mình hoàn thành chỉ tiêu. Như vậy, việc bán bảo hiểm như gông treo trên đầu các nhân viên ngân hàng.
Ngân hàng là trung gian tài chính, dùng tiền của người gửi tiết kiệm để mang cho người khác vay nhằm hưởng chênh lệch. Do đó, điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo hoạt động cho vay vận hành một cách an toàn chứ không phải đặt việc bán bảo hiểm lên hàng đầu.
Hệ lụy từ cú bắt tay ngàn tỉ
Là nhân viên trong bộ phận cho vay tại một ngân hàng lớn ở TP.HCM, chị Hương (đề nghị đổi tên) lúc đầu cứ nghĩ mình chỉ ngồi ở quầy giao dịch để thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến cho vay, "không hề nghĩ, không ai nói" phải bán bảo hiểm nhân thọ.
Nhưng do bị lãnh đạo áp chỉ tiêu xuống nên phải nói khách hàng bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân khoản vay. "Tụi em bán cũng bị khách chửi vào mặt", chị Hương nói.
Nhiều khách hàng chấp nhận mua bảo hiểm để được giải ngân khoản vay. Một số khách hàng nói rằng khi tới ngân hàng khác vay vốn thì họ cũng bị "ép" mua bảo hiểm.
"Trong trường hợp khách hàng cứng rắn, không "ép" được, nhân viên ngân hàng phải "chơi lầy" bằng cách năn nỉ "làm cho khách thương" mà mua bảo hiểm" - chị Hương kể và cho biết nếu không đạt chỉ tiêu về bán bảo hiểm thì sẽ phải "họp riêng, khó chịu lắm".
"Cấp trên đề nghị phải "làm mọi cách ra số". Những nhân viên không đạt chỉ tiêu về bán bảo hiểm sẽ bị nằm trong "danh sách warning" (cảnh cáo). Mặc dù ngân hàng không đuổi, nhưng nhân viên cảm thấy áp lực nên tự động nghỉ việc", chị Hương nói.
Dù phải "ép" khách mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân nhưng chị Hương thừa nhận nhiều nhân viên ngân hàng đều mong đừng bị ép chỉ tiêu xuống, đừng phải ép khách phải mua bảo hiểm nhân thọ.
Phản ánh qua mail [email protected], chị Diễm, từng là nhân viên ngân hàng, cho biết việc "ép" mua bảo hiểm khi vay là một thực trạng phổ biến, bất kể vay tiền với mục đích gì đều phải mua bảo hiểm "bắt buộc".
"Bản thân mình đã từng là nhân viên ngân hàng, từng chứng kiến rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến ngân hàng vay vốn, họ bị ép mua bảo hiểm mới cho vay", chị Diễm chia sẻ và nói để được vay vốn, nhiều người chọn mua gói bảo hiểm nhân thọ giá trị thấp, sau đó không đóng phí bảo hiểm nhân thọ nữa, tức hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực, chấp nhận mất trắng tiền phí đã đóng. "Mình thật sự thấy thương cho những người lao động nghèo đến vay tiền tại ngân hàng".
Nhân viên ngân hàng cũng bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ, nếu không mua sẽ "rất khó làm việc" do cán bộ quản lý tra hỏi nguyên nhân mỗi ngày, mỗi giờ, rồi bị cô lập.
"Nếu tháng nào không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị quản lý cấp cao hơn kêu đi họp, bắt giải trình, cho đi đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm liên tục... Nó thật sự là một cơn ác mộng đối với nhân viên ngân hàng hiện nay", chị Diễm chia sẻ.
Ép mua bảo hiểm nhân thọ: Dồn khách vay vào đường cùng
Trong khi các nhân viên ngân hàng bị ép bán bảo hiểm nhân thọ cho khách vay, sản phẩm này cũng là nỗi ám ảnh của nhiều khách hàng khi đi vay vốn.
Phản ánh với Tuổi Trẻ, bạn đọc L.N. cho biết vào năm 2022 có đi vay gần 1 tỉ đồng, thế chấp mảnh đất. Sau đó phía ngân hàng gọi tới, nói tham gia gói bảo hiểm nhân thọ với mức phí 15 triệu đồng hoặc 18 triệu đồng/năm.
"Tôi như ngồi trên đống lửa khi gần đến ngày cần giải ngân mà ngân hàng không giải quyết", bạn đọc này cho hay.
Dù chấp nhận tham gia gói 15 triệu đồng/năm song anh L.N. chỉ nhận được lời ậm ừ từ nhân viên ngân hàng chứ không xúc tiến giải ngân. Sốt ruột quá, anh L.N. đành phải cam kết tham gia gói 18 triệu đồng/năm để được giải ngân.
"Nếu mình không mua bảo hiểm, phía ngân hàng sẽ lấy lý do này kia không giải quyết. Bản chất đi vay tiền là cần người ta mới đi vay, nên bước đường cùng người đi vay phải đành chấp nhận. Đây là nghịch lý, người dân bị đưa vào thế không thể không mua", anh L.N. bức xúc.
Đại diện một doanh nghiệp (TP.HCM) chuyên kinh doanh nông sản xuất khẩu cho biết có làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng lớn và đã được giải ngân một phần, nhưng sau đó ngân hàng bắt phải mua bảo hiểm mới tiếp tục giải ngân phần còn lại.
Theo vị này, dù doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn phục vụ sản xuất và xuất khẩu, nhưng ngân hàng không giải ngân mà ép mua bảo hiểm giá trị lớn. Việc mua bảo hiểm này không liên quan gì đến khoản vay sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
"Việc này là cố tình ép khách hàng, vô lý cho doanh nghiệp và người dân. Sản xuất và xuất khẩu nông sản là chuỗi sản xuất kinh doanh liên quan đến rất nhiều người lao động, nông dân và hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, nhưng ngân hàng chỉ vì lợi nhuận mà ép người dân và doanh nghiệp", vị này nói.
Không chỉ đi vay mới gặp khổ, nhiều bạn đọc cho biết đã tới ngân hàng gửi khoản tiền tích lũy nhiều năm liền nhưng sau đó bị tư vấn mập mờ và "quẹo" sang tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đến 1-2 năm sau, khách hàng mới biết nếu không đóng tiếp phí bảo hiểm thì gần như mất trắng hàng trăm triệu đồng đã đóng ban đầu.
Người dân mất niềm tin vào bảo hiểm
Bộ Tài chính vừa công bố thông tin tổng doanh thu phí bảo hiểm tháng 1-2023 ước đạt 21.358 tỉ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, năm 2022, theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm VN, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 15,33%, bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia bảo hiểm cảnh báo nếu tình trạng ngân hàng - đại lý bảo hiểm ép khách vay phải mua bảo hiểm không được chấn chỉnh, ngăn chặn sớm thì thị trường bảo hiểm sẽ gặp khó khăn.
Bởi mục đích người dân mua bảo hiểm là được bảo vệ khi có ốm đau hoặc khi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, lâu nay nhiều khách hàng của ngân hàng bị ép mua bảo hiểm mà không hề biết hoặc buộc phải mua bảo hiểm để được vay tiền.
"Trong khi phải đi vay tiền để làm ăn, để xây nhà..., người dân lại phải cõng thêm một khoản tiền để mua bảo hiểm nữa. Rõ ràng bản chất của sản phẩm bảo hiểm bị bóp méo. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người dân mất niềm tin về sản phẩm bảo hiểm" - vị này khuyến cáo.
L.THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận