12/12/2024 07:52 GMT+7

Điều ông Trump muốn khi áp thuế cao

Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đang cho thấy hiệu quả trong việc nâng cao vị thế đàm phán của Mỹ, dù gây tranh cãi về tác động lên "túi tiền" của người dân Mỹ.

Điều ông Trump muốn khi áp thuế cao - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Mỹ có phải “trả giá” cho chính sách tăng thuế của ông Trump? - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chỉ trích chính sách áp thuế nhập khẩu cao của ông Donald Trump, gọi đó là "một sai lầm lớn". Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đến nay vẫn duy trì các mức thuế quan áp đặt lên Trung Quốc từ thời ông Trump.

Ai trả thuế?

"Ông ấy dường như quyết tâm áp thuế cao lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, với niềm tin sai lầm rằng các quốc gia khác sẽ gánh chịu chi phí này, chứ không phải người tiêu dùng Mỹ", ông Biden phát biểu.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa sẽ áp mức thuế phổ quát lên đến 20% đối với hàng hóa từ tất cả các đối tác thương mại của Mỹ, và ít nhất 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Vào tháng 11, ông Donald Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế ít nhất 25% lên hàng hóa từ Canada và Mexico nếu hai nước này không giải quyết vấn đề buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp qua biên giới với Mỹ.

"Giả sử chúng ta nhập khẩu một sản phẩm từ Trung Quốc với giá 50 USD. Trước khi mua, Chính phủ Mỹ thêm 25 USD thuế vào giá, nâng tổng chi phí lên 75 USD.

Trong đó, Trung Quốc chỉ nhận 50 USD, còn 25 USD thuế được chuyển vào kho bạc Mỹ", giáo sư kinh tế Doug Irwin của Đại học Dartmouth giải thích với Đài CBS.

Ông nhấn mạnh rằng chính người tiêu dùng Mỹ đang gánh chịu khoản chi phí tăng thêm này, chứ không phải Trung Quốc.

Đồng quan điểm với ông Irwin, chuyên gia kinh tế cấp cao Erica York tại Tax Foundation nhấn mạnh rằng cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ chuyển "gánh nặng" thuế sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa.

Về quan điểm cho rằng tăng thuế nhập khẩu sẽ bảo hộ hàng hóa trong nước, giáo sư Doug Irwin phản bác bằng ví dụ mức thuế 25% mà ông Donald Trump áp lên thép nhập khẩu vào năm 2018.

Ông Irwin chỉ ra dù các doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ khi đó tăng trưởng mạnh, những công ty sử dụng thép trong sản xuất lại chịu thiệt hại nặng nề.

"Thuế kim loại đã khiến chúng tôi mất khoảng 1 tỉ USD lợi nhuận. Nếu kéo dài, thiệt hại sẽ còn lớn hơn", ông Jim Hackett, CEO của Ford thời điểm đó, phát biểu với Bloomberg vào năm 2018.

"Chiêu" đàm phán của ông Trump

Trả lời phỏng vấn Đài NBC ngày 8-12, ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tăng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận không thể đảm bảo rằng các gia đình ở Mỹ sẽ không phải chịu chi phí cao hơn do ảnh hưởng của các mức thuế quan này.

Theo AP, các mức thuế mà ông Trump áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu vẫn được chính quyền Tổng thống Biden duy trì. Thậm chí, ông Biden còn mở rộng các loại thuế và áp thêm nhiều biện pháp hạn chế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Để đối phó với lạm phát, các quan chức dưới thời ông Biden đã cân nhắc việc dỡ bỏ các mức thuế áp đặt lên Trung Quốc từ thời ông Trump. Tuy nhiên họ nhận thấy động thái này khó mang lại tác động đáng kể.

Ông Michael Stumo, CEO của nhóm Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng - tổ chức ủng hộ chính sách tăng thuế nhập khẩu, cho rằng nếu vào năm 2017 thuế quan "còn mới mẻ và gây lo ngại", thì nay chúng đã được Mỹ và nhiều quốc gia khác chấp nhận như một phần trong bộ công cụ chính sách kinh tế. 

Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 3.000 tỉ USD mỗi năm, điều này tạo ra lợi thế lớn nếu Washington áp thuế quan cao, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ.

"Nếu chúng ta ngừng giao thương với Mexico, Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng với Mexico, đó sẽ là một "ngày tận thế".

Điều này mang lại cho chúng ta lợi thế đàm phán. Và trong đàm phán, lợi thế là tất cả", ông Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế cấp cao trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, phân tích với Đài CNN. 

Việc ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên hàng hóa từ Canada đã khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau phải nhanh chóng tới dinh thự Mar-a-Lago để gặp tổng thống đắc cử Mỹ.

Ông David Zervos, giám đốc chiến lược thị trường tại Ngân hàng đầu tư Jefferies, nhận định rằng những lời đe dọa áp thuế của ông Trump chỉ là "nước cờ mở đầu" nhằm tạo "đòn bẩy" giúp ông giành lợi thế trong các cuộc đàm phán với đối tác thương mại.

"Mọi người đang cố gắng hiểu những phát ngôn của (ông Trump) theo nghĩa đen, dù chúng ta biết đó không phải cách nên hiểu", ông Zervos bình luận trên Đài NBC.

Ai sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất?

Theo phân tích của Trung tâm Chính sách thuế vào tháng 10-2024, chính sách tăng thuế nhập khẩu của ông Trump có thể làm tăng chi phí trung bình của mỗi hộ gia đình Mỹ thêm 3.000 USD trong năm 2025.

Bà Marianela Collado, CEO và cố vấn tài chính cấp cao tại Tobias Financial Advisors, cho rằng các hộ gia đình Mỹ có thu nhập thấp và trung bình, vốn phụ thuộc vào "tiền lương hằng tháng" để trang trải cuộc sống, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách tăng thuế quan.

Điều ông Trump muốn khi áp thuế cao - Ảnh 2.Nga phản ứng vụ ông Trump dọa áp thuế 100% với hàng hóa nhóm BRICS

Nga lên tiếng sau khi ông Trump dọa sẽ áp mức thuế tới 100% đối với hàng hóa các nước trong nhóm BRICS, nếu nhóm này ngừng giao dịch bằng USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp