Một tốp ngư dân VN bị giữ ở cầu tàu đảo Tiga thuộc quần đảo Natuna, Indonesia. Phía sau là những con tàu cá của chính họ sắp bị đánh đắm - Ảnh: LÊ NAM |
“Mơ ước làm sao để tụi tui yên tâm bám biển, đánh bắt ở đâu an toàn, được luật pháp bảo vệ" |
Vậy là con số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia giam giữ ngày càng tăng. Họ đang bị giam ở đâu, sống ra sao, mong muốn điều gì? Chúng tôi đã lắng nghe họ từ quần đảo Natuna...
Vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân hai nước, ở Việt Nam chủ yếu là ngư dân từ Quảng Ngãi trở vào. Những năm gần đây, việc đánh cá của ngư dân Việt Nam ở vùng chồng lấn gặp nhiều bất trắc khi lực lượng chức năng Indonesia liên tục bắt giữ, giam cầm và tịch thu, đánh đắm tàu. Rồi họ bị đưa về đây, quần đảo Natuna.
Vùng chồng lấn bất an
Khi chúng tôi gặp lão ngư Nguyễn Tứ (66 tuổi, quê huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận) ở quần đảo Natuna, ông đang nằm đung đưa võng trên chính con tàu mà ông và các bạn tàu bị phía Indonesia bắt khi đang đánh bắt trong khu vực chồng lấn này. Chiếc tàu giờ đã bị chính những ngư dân Việt - dưới sự yêu cầu của chính quyền Indonesia - buộc chất đầy đá, chuẩn bị đánh đắm.
Ông Tứ kể đã hơn 2/3 cuộc đời làm ngư dân, thường xuyên ngang dọc vùng biển này, nhưng đây là lần đầu tiên ông bị bắt giữ. “Hồi cha tui còn đi biển đã nghe ông kể những chuyến dong thuyền sang Nam Dương (cách gọi vùng biển chồng lấn này - PV) đánh cá. Ông già tui kể ngư dân Indonesia cũng qua biển mình đánh cá hoài, nhiều năm rồi có nghe ai nói bắt bớ gì đâu, giờ ai đi gần như cũng bị bắt. Bị bắt quá trời luôn!”.
Điều ông Tứ thắc mắc là tàu của ông và nhiều người khác đều bị bắt ở một nơi (khu vực theo ông Tứ là của Việt Nam) rồi bị ép kéo đến một nơi khác lập biên bản.
Ngư dân Nguyễn Đình Lễ (33 tuổi, huyện La Gi) có hơn 10 năm đi bạn (đánh cá cho chủ tàu để chia tiền công), trong lần nói chuyện với chúng tôi ở trại tạm giam trên đảo Tiga khẳng định không xâm phạm vùng biển Indonesia.
“Tụi tui đánh ở chỗ của mình mà họ cũng vào bắt thì sao chịu nổi? Bắt ở chỗ này rồi lại lôi vào chỗ khác ghi biên bản, bắt tụi tui ký cũng phải chịu chứ sao giờ?”. Anh Lễ tỏ ra không phục nhưng bất lực.
Sáng sớm hôm bị bắt, tàu của anh Lễ và 7 chiếc tàu đồng hương đang neo ở điểm mà cách đó ba tuần họ từng đánh cá. Cạnh đó còn có một chiếc tàu lớn cắm cờ Việt Nam neo đậu. “Thấy vậy nên tụi tui chắc ăn là vùng biển của mình rồi nên thoải mái lắm”.
Anh Lễ và bạn tàu chuẩn bị ăn sáng thì từ xa một chiếc tàu tiến lại. Cứ tưởng là tàu hàng chạy ngang nên anh em cắm cúi ăn sáng. “Ai dè ăn gần xong, nhìn kỹ thì nhận ra tàu của kiểm ngư Indonesia...” - anh Lễ kể. Họ bắt đầu rượt đuổi, vây bắt và các tàu cá Việt Nam phải chạy thục mạng. Nhưng vài tiếng sau, cả 8 chiếc tàu đều bị bắt hết.
Máy trưởng Nguyễn Đức Lâm, cũng quê huyện La Gi, kể khi tàu sắt của kiểm ngư Indonesia cập mạn, họ cho người có vũ khí nhảy sang, bắn súng chỉ thiên và buộc mọi người ra boong tàu. Cả 8 chiếc tàu cùng 72 ngư dân tỉnh Bình Thuận đợt đó bị kéo vào bên trong vùng biển được cho là của Indonesia để lập biên bản.
Rồi sau 3 ngày 2 đêm liên tục di chuyển, cả nhóm tàu bị đưa đến đảo Tiga (quần đảo Natuna) và bị giam luôn ở đây.
Phải nhanh chóng phân định EEZ
Chúng tôi gặp ngư dân Đặng Văn Ly (Bà Rịa - Vũng Tàu) tại đảo Tiga. Đây là lần thứ 2 ông bị bắt giữ, lần đầu vào năm 2009.
Theo ông Ly, khác với trước đó, từ năm 2015 chính quyền Indonesia khi bắt tàu cá nước ngoài thường buộc phải phá hủy tàu thay vì cho trả tiền chuộc. Giá trả tiền chuộc tùy vào trị giá con tàu và ngư cụ, số lượng ngư dân. Thậm chí còn có cả mức chuộc để khỏi bị giam giữ, nói nôm na là mua thời gian ngồi tù. Nên việc bị bắt, cho người về mang tiền sang chuộc người là điều không lạ với ngư dân.
Lần khác, chúng tôi gặp thuyền trưởng Trần Long Lợi (36 tuổi, huyện La Gi) khi đang bị giam ở trại tạm giam của Hải quân Indonesia tại đảo Natuna Besar (đảo chính của quần đảo Natuna), chuẩn bị ra tòa ở Tanjung Pinang, đảo Riau.
Anh Lợi kể trước năm 2015, ngư dân Việt có thể mua thời gian đánh cá ở những chỗ còn tranh chấp này một cách an toàn với mức giá 3 triệu đồng/ngày. Nay mọi chuyện đã khác. Cuộc mưu sinh trên biển trở nên mong manh hơn.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn trong lần trao đổi với chúng tôi ở Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia khẳng định việc hai nước chưa đạt được thỏa thuận trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đã gây ra những khó khăn nhất định cho cả hai phía, khiến số lượng ngư dân Việt Nam bị bắt tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó là thực tế lịch sử ngàn đời nay, ngư dân hai nước có thói quen qua lại đánh cá ở các vùng biển của nhau. Phân định được EEZ và việc phân chia khu vực này theo khái niệm luật pháp quốc tế hiện đại là những điều khá mới mẻ mà các ngư dân với truyền thống đánh cá lâu đời, sinh sống ở những vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được. Họ không thể hiểu vì sao đó là sự vi phạm và vi phạm cái gì.
Trao đổi với chúng tôi bên ngoài trại tạm giam của Hải quân Indonesia tại đảo Natuna Besar, ngư dân Trần Thế Dương (45 tuổi, tỉnh Bình Thuận, có 25 năm đi bạn) ước mơ mong sao cho họ được tiếp tục yên tâm ra khơi bám biển: “Mơ ước làm sao để tụi tui yên tâm bám biển đánh bắt ở đâu an toàn, được luật pháp bảo vệ”.
Ước mơ của ngư dân Thế Dương, cũng như nhiều ngư dân khác mà chúng tôi đã gặp khi đến các đảo ở Indonesia, là họ chỉ muốn mỗi sáng thức dậy được ung dung đánh bắt cá trên vùng biển được hai nước công nhận bởi pháp luật quốc tế.
Vượt trên hết phải là sự cam kết của chính quyền hai nước bằng pháp luật, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.
Yêu cầu thả các ngư dân bị bắt ngày 21-5 Ngày 25-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có phát ngôn liên quan đến vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị kiểm ngư Indonesia bắt giữ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: ngày 21-5, năm tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu kiểm ngư Indonesia bắt khi đang đánh cá tại khu vực biển cách đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia 18 hải lý về phía bắc. Ngay sau đó, theo yêu cầu của lực lượng chức năng Việt Nam, phần lớn ngư dân và 4 tàu cá của Việt Nam đã được thả, một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chìm. Cũng trong diễn biến này, một nhân viên công vụ Indonesia được lực lượng chức năng Việt Nam cứu hộ. Hiện phía Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu phía Indonesia thả các ngư dân còn lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Hiện nay, hai bên đang phối hợp giải quyết vụ việc trên tinh thần hữu nghị và trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”. (Đ.P.) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận