Phóng to |
Nếu hiểu thông tư số 10 của Bộ Y tế như cách hiểu của BHXH VN thì hàng ngàn bệnh nhân tại phòng khám đa khoa dân lập Mỹ Tho phải thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu - Ảnh: Trường Giang |
Tháng 8-2013, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang có văn bản xin ý kiến BHXH VN về việc cấp mã khám chữa bệnh ban đầu đối với phòng khám đa khoa Dân An tại TP Mỹ Tho. Từ đây phát sinh chuyện BHXH VN và ngành y tế có cách hiểu khác nhau về thông tư số 10 của Bộ Y tế.
Nơi nói không, chỗ nói được!
Ngày 27-8, ông Phạm Lương Sơn (trưởng ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH VN) ký công văn trả lời có nội dung: “Phòng khám đa khoa Dân An còn thiếu chuyên khoa da liễu, mắt, răng hàm mặt nên chưa đủ điều kiện là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo quy định tại khoản 2, điều 5 thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14-8-2009 về hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT nên không có cơ sở để cấp mã khám chữa bệnh ban đầu”. Khi nhận được văn bản này, BHXH tỉnh Tiền Giang có trao đổi, cảnh báo phòng khám đa khoa dân lập Mỹ Tho có thể bị cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT vào cuối năm nay.
Từ cảnh báo nói trên, bác sĩ Trương Hoàng Thọ - giám đốc phòng khám đa khoa dân lập Mỹ Tho - có văn bản gửi Sở Y tế Tiền Giang phản ứng cách hiểu của BHXH VN về khoản 2, điều 5 thông tư số 10 nói trên. Ông Thọ dẫn chứng khoản 2, điều 5 thông tư số 10 nói rõ điều kiện để cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh ban đầu chỉ là: “Có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông thường về nội khoa, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai mũi họng và xử trí cấp cứu ban đầu” chứ không bắt buộc phải có các chuyên khoa da liễu, mắt, răng hàm mặt như cách hiểu của BHXH VN. Theo ông Thọ, phòng khám của ông đã bắt đầu khám chữa bệnh BHYT ban đầu từ tháng 10-2009. Đến nay đã có hơn 7.000 bệnh nhân BHYT đăng ký khám tại đây. Nếu BHXH Tiền Giang cắt hợp đồng về việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT đối với phòng khám thì bệnh nhân sẽ chịu thiệt thòi rất lớn.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Vĩ - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang - cho biết ngày 16-10, ông Lê Văn Khảm (vụ phó Vụ BHYT - Bộ Y tế) có làm việc với Sở Y tế tỉnh Tiền Giang và khẳng định BHXH VN đã hiểu nhầm điều 5 thông tư số 10 của Bộ Y tế. Theo đó, ông Khảm khẳng định không bắt buộc các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phải có đầy đủ các chuyên khoa da liễu, mắt, tai mũi họng vì ngay cả các bệnh viện tỉnh vẫn phải chuyển bệnh nhân BHYT sang các bệnh viện chuyên khoa để khám.
BHXH VN khẳng định làm đúng
Trong khi đó ngày 14-11, trả lời chúng tôi về vụ này, đại diện BHXH VN cho rằng cơ quan này đã làm đúng theo thông tư số 10. Theo BHXH VN, thông tư số 10 đã quy định rõ các phòng khám đa khoa phải có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản như sản, nhi, da liễu, mắt..., có bác sĩ cơ hữu làm việc tại phòng khám trong giờ hành chính mới được BHXH VN cấp mã số, được tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu với người bệnh có thẻ BHYT. “Đây đều là các chuyên khoa rất cơ bản, không thể cho đăng ký khám ban đầu mà phòng khám không đủ chuyên khoa, phải chuyển tuyến khi người bệnh có nhu cầu khám... Việc có bác sĩ cơ hữu làm việc trong giờ hành chính cũng rất quan trọng, không thể bắt người bệnh “bác đợi chúng em hết giờ hành chính mới đến khám” được. Với các phòng khám chưa đủ chuyên khoa, không phải chúng tôi không cho mã số đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, mà yêu cầu phải có đủ chuyên khoa mới cho” - đại diện BHXH VN cho biết.
Bộ Y tế đang sửa thông tư số 10 Ngày 15-11, trả lời câu hỏi của chúng tôi về quy định của Bộ Y tế nhưng BHXH VN và Bộ Y tế hiểu khác nhau thì giải quyết thế nào, ông Nghiêm Trần Dũng - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - cho rằng cách hiểu của BHXH VN là cứng nhắc chưa phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết hiện Bộ Y tế đang sửa thông tư 10 theo hướng làm rõ quy định tại thông tư này và quy định phù hợp với thực tế hơn. “Khi còn có cách hiểu khác nhau thì những phòng khám tư có liên quan vẫn chưa thể được cấp mã số để khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân BHYT vì việc triển khai thông tư số 10 là công việc của ngành y tế và cơ quan BHXH” - ông Dũng nói. |
Phải thống nhất cách hiểu Có một lưu ý từ các văn bản có liên quan của Bộ Y tế là bệnh viện hạng nào thì sẽ có số chuyên khoa tương ứng theo quy định chứ không có chuyện bệnh viện muốn mở khoa nào là mở. Từ quy định này và thực tế triển khai của nhiều địa phương, tôi cho là cách hiểu của BHXH VN chưa chính xác. Khoản 2, điều 5 thông tư số 10/2009 của Bộ Y tế nêu rõ: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 6 và 7 điều 2 của thông tư này (gồm có: phòng khám đa khoa thuộc các cơ quan, đơn vị, trường học, trung tâm y tế bộ, ngành; phòng khám đa khoa tư nhân) có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông thường về nội khoa, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt và xử trí cấp cứu ban đầu”. Như vậy, khi thông tư không yêu cầu hai loại cơ sở y tế nêu trên phải có các chuyên khoa thì cơ quan BHXH không thể bắt buộc “các phòng khám đa khoa phải có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản như sản, nhi, da liễu, mắt...” mới được khám chữa bệnh BHYT ban đầu như trả lời của đại diện BHXH VN. Các phòng khám này chỉ cần có đủ các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị để khám chữa bệnh thông thường các loại bệnh da liễu, mắt, tai - mũi - họng... như đã nêu trong quy định. Trường hợp gặp ca phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao sẽ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện phù hợp. Không thể có chuyện một quy định nhưng có đến hai cách hiểu. Do vậy Bộ Y tế nên trao đổi với BHXH VN để thống nhất cách hiểu về quy định tại thông tư số 10. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận