Phóng to |
Tác phẩm điêu khắc Ngai của Trần Việt Hưng giờ “ngự” ngoài vỉa hè mưa gió - Ảnh: Việt Quê |
Không chỉ với giảng viên - sinh viên (bài “, Tuổi Trẻ ngày 15-5), tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tiếng cũng chịu chung số phận.
Từ triển lãm đến phủ bụi nhà kho
Trong khi đợi Nhà nước xây dựng một bảo tàng mỹ thuật đương đại thì việc phát triển các không gian tư nhân là cách tốt nhất để lưu giữ, trưng bày tác phẩm của nghệ sĩ. Cứ đi từng bước một còn hơn là ngồi hối tiếc và vứt bỏ những đứa con tinh thần của mình” Nghệ sĩ Đào Châu Hải |
Đi thẳng từ triển lãm xuống nhà kho - đó dường như là con đường ngắn nhất và dĩ nhiên là phổ biến nhất dành cho một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.
Nhà phê bình Phạm Long than thở: “Các nhà điêu khắc vật lộn hằng năm trời, đổ mồ hôi và công sức với tác phẩm chỉ để triển lãm bảy ngày rồi tống kho, phủ bụi, đợi hư hỏng và vứt đi”.
Ngay bản thân một nghệ sĩ có tên tuổi như Đào Châu Hải cũng không ít lần phải bỏ đứa con tinh thần của mình. Không ít người ngậm ngùi khi nhìn thấy khối điêu khắc sắt thép - một trong những tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao trong triển lãm Không vô can và ballad biển Đông cuối năm 2010 - nằm im lìm trong quán cà phê cạnh Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Art (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Nhưng ít ra nó còn may mắn hơn các tác phẩm khác đang bị phủ bụi trong nhà xưởng. Là người kén chọn trong sáng tạo và giới thiệu tác phẩm, nhưng Đào Châu Hải cho biết cố gắng lắm ông cũng chỉ giữ được 20-25% số tác phẩm của mình, còn lại đành ngậm ngùi phá hủy hết.
Cũng trăn trở với số phận của đứa con tinh thần, nhà điêu khắc Mai Thu Vân bày tỏ: rất khó tìm một chỗ để đặt những tác phẩm điêu khắc của mình, cho dù là cho không, biếu không. Ở nước ngoài, các nghệ sĩ đều được hỗ trợ để tác phẩm của họ có mặt trong đời sống cộng đồng.
Từng là giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho biết: điêu khắc của sinh viên cũng có nhiều tác phẩm khá nhưng phần lớn bị phá hủy nếu không có chỗ gửi tạm. Đó thật sự là sự lãng phí rất lớn, nhà trường không lưu giữ được vì không có tiền để làm việc đó ngoài nguồn kinh phí nhỏ chi cho đào tạo.
Còn họa sĩ Lê Anh Vân (hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật VN) cho biết: hầu hết tác phẩm điêu khắc của sinh viên tốt nghiệp đều được đưa vào kho của nhà trường. Về nguyên tắc, những bài thi này dù xấu - đẹp đều phải lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định, không được phá bỏ. Đôi khi không còn chỗ để thì người ta cũng chọn cách chôn xuống đất.
Nghệ sĩ kiêm ông chủ bảo tàng
Nhìn những đứa con tinh thần rơi vào cảnh “không chốn dung thân”, có nghệ sĩ tự đi mở những “bảo tàng” con con cho chính mình. Thật ra vấn đề xây dựng một bảo tàng mỹ thuật đương đại để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật - trong đó có điêu khắc - đã được đặt ra từ rất lâu. “Việc này thậm chí đã nói rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Cũng chẳng có cách nào khác là nghệ sĩ sẽ phải tự bơi bằng chút ít khả năng của mình”, nhà điêu khắc Đào Châu Hải bày tỏ.
Họa sĩ Lê Quảng Hà sau một thời gian “giam” tác phẩm của mình tại một nhà xưởng ngoài bãi sông Hồng thì quyết định trưng bày nó trong một không gian nghệ thuật mang tên Factory cạnh hồ Gươm (Hà Nội).
“Nhìn những tác phẩm điêu khắc máu thịt nằm trong nhà kho hoặc bị phá đi tiếc lắm, nhưng chỗ trưng bày đúng là vấn đề nan giải. Tôi chỉ muốn có một không gian phi bảo tàng, phi gallery để anh em nghệ sĩ có chỗ tụ họp. Ở đó, tôi thử nghiệm một hướng mới, không chỉ là điêu khắc trưng bày mà mỗi chiếc bàn, ghế, giường, tủ đều là những tác phẩm nghệ thuật” - họa sĩ Lê Quảng Hà chia sẻ.
Ra mắt từ tháng 9-2010, nhưng đáng tiếc đến đầu năm 2012, không gian nghệ thuật mang nhiều kỳ vọng này vừa tạm thời đóng cửa.
Vừa bỏ tiền túi, vừa thu vé tham quan, nghệ sĩ Văn Ngọc vẫn duy trì được không gian mang cái tên khá độc đáo “Nhà tù Văn Ngọc” tại Vũng Tàu. Không gian “nhà tù” của Văn Ngọc thực chất là một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ các tác phẩm của ông với những chuồng, cũi, rọ được ghép từ các vật liệu trôi nổi nghệ sĩ kiếm được. Có kỳ lạ và không hẳn ai cũng hiểu được dụng ý nghệ thuật của người tạo ra nó, nhưng người đến với cái “nhà tù” này cũng đủ để giúp tác phẩm của Văn Ngọc duy trì cuộc sống đích thực của một tác phẩm nghệ thuật.
Một địa điểm hiếm hoi để các nghệ sĩ gửi gắm đứa con tinh thần của mình vừa xuất hiện thời gian gần đây là Không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình. Không gian của chàng trai trẻ Vũ Đức Hiếu hiện đang trở thành nơi tụ tập lý tưởng của giới nghệ sĩ phía Bắc và nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam theo chương trình lưu trú. Những tác phẩm được trưng bày trong không gian này sẽ được lọc qua một hội đồng thẩm định do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng và nhà điêu khắc Đào Châu Hải đứng đầu.
“Sẽ phải mất ít nhất 10 năm để các tác phẩm phủ hết 5 ha của không gian nghệ thuật. Những tác phẩm ở đây sẽ tương tác, hài hòa với sinh thái và không gian sống của người Mường” - Vũ Đức Hiếu nói. Không gian văn hóa Mường cũng kết nối với một nhà xưởng sáng tác và trưng bày của nhà điêu khắc Đào Châu Hải ở Phú Thọ vừa hoàn thành cuối năm 2011.
Điêu khắc TP.HCM về... cù lao Ông Chưởng Hơn 10 năm nay, TP.HCM có một nhóm điêu khắc hoạt động khá tích cực là nhóm điêu khắc Sài Gòn, gồm Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Trần Việt Hưng, Trần Thanh Nam, Nguyễn Anh On, Phan Phương, Phạm Minh Chiến... Hằng năm nhóm điêu khắc này đều có triển lãm nhóm, và cách hai năm một lần phối hợp với các nhà điêu khắc Hà Nội tổ chức triển lãm luân phiên khi ở TP.HCM, khi ở Hà Nội. Đây là nhóm điêu khắc có tên tuổi, từng tham gia nhiều trại sáng tác và triển lãm quốc tế. Thế nhưng sau mỗi lần triển lãm, tác phẩm của họ vẫn phải mang về chất trong kho xưởng hoặc gửi đâu đó. Hiện nay xưởng sáng tác của nhóm này ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) đã quá tải nên các tác phẩm phải ra vỉa hè, nằm rải rác trong các... bụi cây gần đó. Đau lòng trước tình trạng này, trưởng nhóm Bùi Hải Sơn đang mở một khu sáng tác điêu khắc tại quê nhà của mình, đó là cù lao Ông Chưởng (ấp Nhơn Lộc, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Tuy nơi này cách rất xa TP.HCM, nhưng các nhà điêu khắc không còn nơi nào khác để trưng bày và bảo quản tác phẩm của chính họ. VIỆT QUÊ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận