Khi VN bị người ta khinh miệt mà từng cá nhân “bỏ mặc” thì chúng ta sẽ không có một tập thể đoàn kết, yêu nước |
Du học sinh Nguyễn Hữu Công, tác giả của bài viết "Khi đất nước tôi bị nói xấu", tiếp tục chia sẻ lý do vì sao bạn phản ứng gay gắt khi một người nước ngoài dùng từ "tởm lợm" nói về việc người Việt Nam cho đá vào mọi thứ đồ uống. Anh chia sẻ:
Trong cuộc sống có những hành động mà bạn sẽ chẳng đủ thời gian để ngẫm xem nó đúng hay sai, rồi đây có được lòng nhiều người không? Khi đó cốt cách con người sẽ dẫn lối cho hành động của bạn. Bạn phản ứng bởi đơn giản nó trái khuấy với con người bạn, đi ngược lại tâm niệm con người bạn sống lâu nay.
Vậy sẽ có ý kiến cho rằng mình quá nhạy cảm hoặc cực đoan bởi thầy nói đâu có sai thực tế vấn đề xã hội Việt Nam, sao vẫn yêu cầu thầy phải xin lỗi? Nếu những ý kiến này được thầy đóng góp ở một buổi tọa đàm giải quyết các vấn đề xã hội Việt Nam để phát triển, mình sẽ biết ơn thầy rất nhiều. Đặt vào hoàn cảnh ở một lớp học văn hóa, nó trở thành những lời chỉ trích.
Khi bạn đi xa nhà rồi, Việt Nam bây giờ là Tổ quốc của bạn, mà mình nhớ một bạn đọc chia sẻ bình luận trên TTO rằng: “Khi xa quê hương, bạn sẽ nhớ cả mùi mồ hôi trên áo mẹ…”. Khi những điều thiêng liêng với bạn bị mang ra chỉ trích thì bạn đứng lên bảo vệ là điều nên làm và phải làm.
Chúng ta nhìn vấn đề này dưới góc độ cá nhân để dễ hình dung hơn. Có phải ai góp ý bạn cũng nghe được? Hay những lời góp ý - dẫu có mích lòng - chỉ thật sự len lỏi được vào tâm trí bạn, làm bạn không ngừng nghĩ ngợi chỉ khi xuất phát từ sự chân thành, mong muốn cá nhân bạn trở nên hoàn thiện và được đặt vào hoàn cảnh thích hợp?
Vậy thì cần dùng cái đầu mình để xem xét hoàn cảnh, động cơ và mục đích của những lời góp ý đó. Khi họ đã “nói thẳng, nói thật”, dù là lời không hay, ý không đẹp nhưng đầy đủ sự tích cực ở cả ba yếu tố trên, bạn cũng tự khắc tâm phục khẩu phục, dập đầu cảm ơn không hết chứ làm gì có chuyện tự ái, xù lông.
Việc sống ở một môi trường đa văn hóa cho mình sự nhạy cảm và tinh tế trong cách tiếp nhận văn hóa của người khác. Đã là văn hóa thì không có đúng, sai hay “tởm lợm”. Chúng ta không có quyền phán xét văn hóa của cộng đồng, quốc gia khác - như cách mình viện dẫn trong bài viết - “bởi vì nó ngược đời với mình”.
Việt Nam là của tất cả mọi người, chẳng của riêng ai. Nhưng khi Việt Nam ấy bị người ta khinh miệt, mà từng cá nhân “bỏ mặc” thì chúng ta sẽ không có một tập thể đoàn kết, yêu nước. Trên TTO và nhiều diễn đàn khác, những ngày qua mọi người sôi nổi thảo luận những vấn đề mình nêu ra trong bài viết và kêu gọi cùng nhau sống đẹp. Điều đó mang ý nghĩa gì? Rằng mọi người vẫn đang trăn trở và xót xa khi ở đâu đó hình ảnh đất nước mình bị người ta mang ra bêu riếu dẫu cho đó là những tồn tại xã hội mà chúng ta đang nỗ lực giải quyết. Nỗ lực ấy cần sự khích lệ và tôn trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận