Theo các nhà khí tượng học, nhiệt độ ở Melbourne trong thời gian diễn ra giải có khi lên đến 46OC. Nhiệt độ này cao hơn rất nhiều so với các giải Grand Slam khác là Pháp mở rộng (trung bình 20OC), Mỹ mở rộng (26OC) và Wimbledon (22OC).
Phóng to |
CĐV đứng trước những chiếc quạt gió phun nước để làm mát cơ thể - Ảnh: Pat Scala |
Người đầu tiên lên tiếng than phiền là tay vợt nữ người Anh Laura Robson. Cô nói với Hãng tin BBC: "Nhiệt độ khiến mọi người gặp rất nhiều khó khăn và chúng tôi phải sử dụng thật nhiều khăn lạnh để làm mát". Tay vợt nam số 3 thế giới Andy Murray cũng phàn nàn về thời tiết khó chịu ở Úc: "Thật sự khó khăn để thi đấu trong điều kiện như thế. Vì vậy, tôi phải chuẩn bị rất kỹ trước trận đấu để tránh bị kiệt sức".
Tay vợt nữ hạng 16 thế giới Roberta Vinci cũng khẳng định cô chỉ có thể thi đấu nổi 70 phút trong cái nóng ở Úc. Roberta Vinci trả lời tờ Herald Sun (Úc): "Thật không dễ khi phải thi đấu trong cái nóng như thế này. Tôi phải uống nước thật nhiều và cố gắng tập trung. Dù vậy, tôi cũng chỉ duy trì được sự hưng phấn trong 70 phút".
Tiến sĩ Glyn Howatson thuộc chuyên ngành sinh lý học của Trường đại học Northumbria ở Anh cũng khẳng định việc chơi trong cái nóng như thế ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của các tay vợt: "Với nhiệt độ khoảng 40OC, người bình thường đã có thể phải đến bệnh viện. Theo tôi, nhiệt độ cao ở Úc sẽ khiến các tay vợt chơi nặng nề hơn".
Không chỉ các tay vợt, các CÐV cũng cảm thấy khó chịu. Nhiều CÐV trước khi đến sân thi đấu phải thoa kem chống nắng, mặc quần áo màu sáng và đội những chiếc mũ rộng. Ngoài ra, họ phải uống thật nhiều nước và đặc biệt mỗi khi trận đấu tạm nghỉ họ phải tranh thủ chạy đến những chiếc quạt gió phun nước mà ban tổ chức bố trí trong sân để... làm mát. Theo thống kê ở mùa giải trước, các CÐV đã uống tổng cộng 155.000 chai nước để giải nhiệt và năm nay con số này có thể cao hơn rất nhiều. Minh Thư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận