21/07/2019 09:54 GMT+7

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên 'nguyên tắc cuối cùng'

TRẦN HUỲNH - MINH GIẢNG
TRẦN HUỲNH - MINH GIẢNG

TTO - Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nhưng nguyện vọng cuối cùng nên chọn trường nào có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn xét tuyển tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là lưu ý của chuyên gia dành cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2019 ở TP.HCM ngày 21-7.

Điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến lưu ý gì?

Bắt đầu buổi tư vấn tại TP.HCM, ThS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - đã chia sẻ với thí sinh những quy định trong đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ thí sinh cần lưu ý.

Theo đó từ ngày mai 22-7, thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng theo 2 cách: phương thức trực tuyến đến 17h ngày 29-7 và phương thức điều chỉnh trên phiếu đến 17h ngày 31-7.

Với phương thức trực tuyến, thí sinh chỉ được thay đổi, chứ không được bổ sung số lượng nguyện vọng và không điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng.

Với phương thức bằng phiếu thay đổi nguyện vọng, thí sinh phải đến nơi đã đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển trước đây (thường là tại trường THPT) để thực hiện việc điều chỉnh trên phiếu điều chỉnh nguyện vọng và thí sinh có thể đóng lệ phí xét tuyển để bổ sung các nguyện vọng.

Nếu thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực hoặc ưu tiên đối tượng, phải đến điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh qua phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

ThS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, cung cấp thông tin xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng - Video: TRỌNG NHÂN

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

Thí sinh đã điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến thì không được điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký. Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến có thể thay đổi tất cả các nguyện vọng cũ bằng các nguyện vọng mới nhưng số lượng nguyện vọng không được tăng thêm.

Đối với phương thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, ông Hùng cho biết tài khoản và mật khẩu thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập vào hệ thống thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến, dùng mã OTP để xác nhận thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng.

Mật khẩu để đăng nhập hệ thống của thí sinh là mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi, trường hợp đã thay đổi mật khẩu sau khi được cấp thì dùng mật khẩu đã thay đổi.

Nếu thí sinh quên mật khẩu thì đến điểm tiếp nhận hồ sơ để xin cấp lại. Thí sinh tự chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản và mật khẩu đăng nhập hệ thống của mình.

Thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến phải đăng ký số điện thoại. Nếu thí sinh chưa khai số điện thoại hoặc đổi số điện thoại thì khi đăng nhập vào hệ thống để điều chỉnh nguyện vọng có thể khai báo lại.

"Năm 2018, một số thí sinh sau khi nhập thông tin thay đổi lên hệ thống coi như là xong không nhấn nút lưu, sau khi hết hạn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển kiểm tra lại mới phát hiện thông tin vẫn như cũ, lúc đó hệ thống đã khóa. Do đó thí sinh sau khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng phải nhấn lưu thông tin và phải kiểm tra ngay trước khi xác nhận đăng ký", ông Hùng lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trường ĐH Y dược TP.HCM - tư vấn cho thí sinh hỏi 24 điểm có nên đăng ký xét tuyển vào ngành y khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM - Video: TRẦN HUỲNH

Đi đường vòng để học ngành y

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, phần lớn người tham dự là phụ huynh. Hầu hết băn khoăn về cơ hội trúng tuyển, làm thế nào có thể theo học ngành, trường yêu thích khi điểm thi thấp hơn điểm chuẩn năm trước.

Một phụ huynh cho biết có con đăng ký vào ngành y nhưng điểm thi 21 không vào được nên muốn chuyển sang ngành hóa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). Tuy nhiên phụ huynh này không biết cơ hội trúng tuyển và sắp xếp nguyện vọng thế nào cho hợp lý.

Chia sẻ băn khoăn này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - tư vấn: với phổ điểm năm nay, những ngành 22, 23 sẽ tăng khoảng 1,5 điểm, những ngành 20, 21 chắc khó tăng vì số thí sinh không tăng nhiều. Phụ huynh có thể cân nhắc để điều chỉnh và sắp xếp thứ tự nguyện vọng cho phù hợp.

Những nguyện vọng đầu mình cứ đặt những ngành mình có điểm bằng điểm chuẩn các năm trước, kế tiếp là những ngành mình cao điểm hơn chút và dưới nữa là những ngành điểm của mình cao hơn vài điểm. 

Chọn ngành nào cũng phải thích chứ không phải chọn bừa rồi sau đó bỏ, rất lãng phí. Hơn nữa, có những ngành gần với ngành y như sinh, hóa, khi tốt nghiệp sinh viên có thể học văn bằng 2 ngành y. Đó là cách đi đường vòng để các bạn theo đuổi sở thích của mình.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - tiếp lời: Nếu không trúng tuyển ngành y, thí sinh có thể học những ngành gần như công nghệ sinh học, có những mảng có thể làm việc trong bệnh viện được. 

Thí sinh cần phải xác định ngành yêu thích trước, kế đến là cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng cho hợp lý để đeo đuổi sở thích của mình chứ không phải chọn để vào ĐH. Không thích thì học sẽ không có động lực, rất dễ bỏ học giữa chừng.

Trong khi đó PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban đào tạo ĐH, ĐHQG TP.HCM - cho biết các ngành và chuyên ngành hóa, sinh là những ngành gần với ngành y. Khoa y ĐHQG TP.HCM bắt đầu phương thức tuyển sinh những sinh viên tốt nghiệp các ngành gần với y để đào tạo y trong thời gian 3, 4 năm. Đó là đường đi phù hợp cho những bạn ngay từ đầu chưa vào được ngành y.

Thực tế cho thấy tỉ lệ bỏ học của sinh viên sau 2 năm đầu ở khoa y lên đến 40%. Có nhiều nguyên nhân như chương trình nặng khiến sinh viên không theo đuổi được, không thích nghi được với việc học khoa y, sợ máu hoặc giải phẫu…

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 4.

Một phụ huynh băn khoăn về cơ hội trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: M.G.

Một ngành, nhiều trường đào tạo

Tại buổi tư vấn, rất nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về việc thay đổi nguyện vọng, sắp xếp sao để có thể trúng tuyển ngành mình yêu thích khi điểm thi không cao.

Một thí sinh cho biết thi được 21,5 điểm liệu có thể trúng tuyển ngành công nghệ kỹ thuật ôtô hay không. Chia sẻ băn khoăn này, PGS.TS Lê Hiếu Giang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm trước trong khi ôtô là ngành hot ở các trường. Do vậy điểm chuẩn nhiều khả năng sẽ tăng so với năm trước. Mức điểm 21,5 điểm của thí sinh thấp hơn điểm chuẩn năm trước của trường.

Cùng ý kiến, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng mức điểm 21,5 khó có khả năng trúng tuyển vào ngành ôtô Trường ĐH Bách khoa. Tuy nhiên, làm trong lĩnh vực ôtô không nhất thiết phải học ngành ôtô. Nhiều hãng ôtô tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như điện, điện tử, cơ khí… Do vậy vẫn có nhiều ngành học để thí sinh chọn nếu muốn làm việc trong lĩnh vực ôtô.

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ: nếu thích ngành ôtô ở Bách khoa hay Sư phạm kỹ thuật, thí sinh cứ để các trường này ở thứ tự đầu tiên, biết đâu thí sinh có thể trúng tuyển. Vẫn có nhiều trường khác đào tạo ngành ôtô có điểm chuẩn thấp hơn như Giao thông vận tải, Nông lâm. Do đó các nguyện vọng thấp hơn thí sinh có thể đăng ký vào các trường này để tăng cơ hội trúng tuyển. Cùng một ngành nhưng có nhiều trường đào tạo, điểm chuẩn khác nhau.

Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM - lưu ý thí sinh nên áp dụng nguyên tắc cuối cùng khi điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau nhưng nguyện vọng cuối cùng nên chọn trường nào có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

Một giáo viên ở Đức Phổ, Quảng Ngãi băn khoăn con của anh trúng tuyển vào một trường thành viên ĐHQG TP.HCM bằng hai phương thức ưu tiên xét tuyển và thi đánh giá năng lực. Vậy nên chọn nhập học theo phương thức nào thì tốt hơn? Có được chuyển sang ngành khác đủ điểm chuẩn hay không?

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 5.

Phụ huynh từ Đức Phổ, Quảng Ngãi vừa vào TP.HCM tham gia ngày hội - Ảnh: M.G.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ cho biết thí sinh có thể chọn nhập học bằng phương thức nào cũng được bởi đều có giá trị như nhau. Trường không phân biệt thí sinh trúng tuyển bằng phương thức nào, tất cả thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác nhau đều học chung như nhau. Quan trọng là năng lực của các em trong quá trình học tập.

Về việc đổi sang ngành khác, ông Đức cho biết theo quy định thí sinh trúng tuyển ngành nào phải theo học ngành đó. Trong trường hợp chưa thực sự thích ngành đã trúng tuyển, thí sinh có thể không nhập học và chọn xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.

Liên quan đến ý kiến có thể xác nhận nhập học bằng giấy chứng nhận kết quả photo công chứng hay không, ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - cho biết thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả mới có giá trị. Thí sinh nộp giấy này cho một trường rồi sẽ bị loại khỏi dữ liệu xét tuyển, không được xét tuyển vào trường khác.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban đào tạo ĐH, ĐHQG TP.HCM - tư vấn cho thí sinh, phụ huynh tại ngày hội - Video: MINH GIẢNG

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, trả lời câu hỏi của thí sinh về việc học song ngành tại trường - Video: MAI THƯƠNG

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cung cấp thông tin về phương thức xét tuyển kết hợp 3 môn thi toán - hóa - sinh kèm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế  - Video: TRỌNG NHÂN

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 9.

PGS.TS Lê Hiếu Giang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - tư vấn cho phụ huynh và học sinh - Ảnh: THANH YẾN

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 10.

Em Ngọc Khánh từ Đắk Nông tới ngày hội tư vấn xét tuyển với mong muốn được tìm hiểu thêm về các chuyên ngành tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - Ảnh: MAI THƯƠNG

Hôm nay 21-7, gần 200 trường có mặt tại ngày hội tư vấn xét tuyển tại Hà Nội, TP.HCM Hôm nay 21-7, gần 200 trường có mặt tại ngày hội tư vấn xét tuyển tại Hà Nội, TP.HCM

TTO - Hôm nay 21-7, hai ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019 sẽ đồng thời diễn ra từ 7h30-15h tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Điều chỉnh nguyện vọng, đừng quên nguyên tắc cuối cùng - Ảnh 12.
TRẦN HUỲNH - MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp