19/03/2015 10:26 GMT+7

​Điều chỉnh cả 2 dự án

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Chỉ đạo trên của tỉnh Quảng Bình được đưa ra chiều 18-3 khi UBND tỉnh làm việc với Sở Công thương về hai dự án lưới điện... chồng lên nhau.

Một điểm dân cư ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - nơi sẽ được cung cấp cả điện mặt trời lẫn điện lưới quốc gia - Ảnh: L.Giang
Chủ trương của tỉnh là nghiên cứu thật kỹ, nếu chỗ nào trùng lặp mà điện lưới khó kéo về thì ưu tiên làm điện mặt trời. Hiện cả hai dự án đều chưa thi công nên tỉnh sẽ điều chỉnh để sử dụng tốt nhất nguồn vốn đầu tư
Ông Nguyễn Xuân Quang (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)

Chiều 18-3, trả lời Tuổi Trẻ về vụ hai dự án điện nông thôn ở Quảng Bình từ năng lượng mặt trời và điện lưới quốc gia chồng lên nhau, ông Nguyễn Xuân Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan điều chỉnh cả hai dự án để khỏi trùng lặp.

Chỉ đạo trên của tỉnh Quảng Bình được đưa ra trong cuộc họp chiều 18-3 khi UBND tỉnh làm việc với Sở Công thương về hai dự án vừa nêu.

Trước đó, thông tin về việc hai dự án điện cho nông thôn ở tỉnh Quảng Bình từ năng lượng mặt trời và từ điện lưới quốc gia chồng lên nhau, nguy cơ gây lãng phí hàng triệu USD khiến dư luận quan tâm, bức xúc.

Hai dự án điện chồng nhau

Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là dự án điện mặt trời) có tổng vốn đầu tư hơn 13,7 triệu USD (trong đó vốn ODA vay của Hàn Quốc là 12 triệu USD), công suất lắp đặt 1.145 kWp.

Dự án này sẽ cấp điện cho 1.642 hộ gia đình ở 55 thôn, bản và 110 đơn vị dịch vụ công trên địa bàn 10 xã hiện chưa có điện lưới quốc gia, thuộc các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011-2014, nhưng do chậm trễ trong khâu đấu thầu nên đến nay dự án chỉ mới đang triển khai các bước chuẩn bị.

Đến ngày 8-11-2013, Chính phủ phê duyệt dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Bình (điện lưới nông thôn) trong chương trình quốc gia về cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020.

Ngày 13-1-2014, Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận dự án và sau đó các bộ liên quan là Tài chính, Kế hoạch và đầu tư đã có ý kiến thẩm định nguồn vốn và phân vốn ngân sách cho dự án.

Theo dự toán, dự án này có tổng vốn 368 tỉ đồng, thực hiện trong hai giai đoạn là 2014-2015 và 2016-2020, cấp điện lưới quốc gia cho các xã vùng sâu vùng xa thuộc các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh.

Phải tính trước khi làm quy hoạch

Bình luận về vụ đầu tư hai dự án điện trùng lặp, ông Tạ Văn Hường, nguyên vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, cho rằng lẽ ra tỉnh Quảng Bình phải tính toán trước các phương án từ khi làm quy hoạch.

Nếu không có phương án nào tối ưu mới tính đến chuyện phải làm cùng lúc hai đường điện, vừa làm điện mặt trời vừa cấp điện lưới, có thể gây lãng phí.

C.V.K.

Sở Công thương Quảng Bình cho biết dự án cấp điện nông thôn có một số thôn, bản, xã sẽ được đầu tư trùng lặp với các thôn, bản, xã thuộc dự án điện mặt trời. Nghĩa là tại các nơi này vừa có điện mặt trời vừa có điện lưới quốc gia.

Cụ thể trong giai đoạn 1, sẽ có một số thôn bản ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), giai đoạn 2 có một số thôn bản ở xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và một số thôn bản của xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) được cả hai dự án đầu tư.

Tại văn bản ngày 2-10-2014 gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Công thương Quảng Bình đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư điện lưới cho một số vùng bị trùng lặp giữa hai dự án.

Cụ thể, đầu tư giai đoạn 1 cho vùng trung tâm của hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, một số vùng dưới lưới điện đi qua và vùng quy hoạch cửa khẩu Chút Mút - Lã Vơn và Quảng Bình - Savannakhet (Lào). Giai đoạn 2 đầu tư cho các vùng ở xã Trường Xuân, Trường Sơn và Trọng Hóa.

Theo Sở Công thương, việc đầu tư này nhằm bảo đảm tính bền vững và nâng cao độ tin cậy của việc cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, để phát triển kinh tế và giữ vững an ninh chính trị xã hội của khu vực biên giới.

Sở Công thương cũng đưa ra giải pháp cho việc xử lý trùng lặp giữa hai lưới điện: khi dự án cấp điện lưới cho các thôn bản trên hoàn thành đưa vào sử dụng thì sẽ cho tháo dỡ các vật tư, thiết bị của dự án điện mặt trời đưa vào nguồn vật tư, phụ tùng phục vụ việc sửa chữa và thay thế ở những thôn bản còn sử dụng điện mặt trời mà dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia Quảng Bình chưa kéo điện đến được.

Giải pháp này của Sở Công thương Quảng Bình khiến dư luận lo lắng hàng triệu USD đi vay để làm dự án điện mặt trời đã dùng một cách lãng phí.

Một nguồn tin cho biết hai dự án điện nói trên chồng lắp nhau đến 50%. Như vậy nếu theo đề xuất của Sở Công thương Quảng Bình, sẽ có khoảng một nửa số thiết bị điện mặt trời bị tháo bỏ... vào kho khi có nguồn điện lưới!

Điều chỉnh để đưa ra phương án phù hợp

Ngày 18-3, trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao Sở Công thương Quảng Bình lại đề nghị UBND tỉnh đầu tư điện lưới cho cả một số vùng có dự án điện mặt trời, ông Phan Văn Thường, giám đốc Sở Công thương Quảng Bình, cho biết sở dĩ sở này đề nghị như vậy là do điện mặt trời có hạn chế là không dùng được cho sản xuất, kinh doanh mà chỉ phục vụ dân sinh.

Dự án điện mặt trời đã được tỉnh lập dự án từ năm 2009 và kế hoạch hoàn thành vào năm 2012, nhưng do gặp khó khăn một số vấn đề nên chậm đến bây giờ. Hiện tại dự án điện mặt trời chưa thi công và dự án điện lưới hiện cũng chưa triển khai.

“Chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh xem xét hai dự án điện để có sự lồng ghép hiệu quả nhất. UBND tỉnh đã giao cho sở và các ngành liên quan nghiên cứu nhằm đưa ra phương án phù hợp và hiệu quả nhất trong thực hiện hai dự án này. Vì vậy, đến nay các ngành đang nghiên cứu để chọn trình UBND tỉnh phương án điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài” - ông Thường nói.

Trả lời về việc Sở Công thương đề xuất tháo dỡ thiết bị điện mặt trời bỏ vào kho sau khi có điện lưới, ông Thường nói: “Thiết bị này ngoài để dự trữ thay thế chúng tôi còn tính toán để trang bị cho các điểm dân cư mới, các trạm kiểm lâm bảo vệ rừng nơi hẻo lánh”.

Trả lời câu hỏi vì sao ngay từ đầu không lập dự án cung cấp điện từ nguồn điện lưới mà lại làm điện mặt trời để sau đó bị trùng lặp, ông Thường cho biết do trước đây nhiều vùng không có đường để kéo được điện lưới (như ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch, đường 20 lúc đó chưa nâng cấp như bây giờ) nên tỉnh mới lập dự án điện mặt trời từ năm 2009.

Còn dự án điện lưới thì đến năm 2012 Chính phủ mới có chủ trương cho làm trên toàn quốc, trong đó có Quảng Bình.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp