Đạo diễn trong đêm thơ "Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất" đêm 17-4 - Ảnh: NGỌC DIỆP
Những người đã đến dự đêm thơ 17-4 nói với nhau: Phải có tinh thần "hiệp sĩ" Điệp mới có thể làm xong một đêm thơ, hoàn thiện một phần thư viện trong vòng 100 giờ như thế.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - cũng là chủ nhân không gian của nhiều sinh hoạt văn nghệ mang tên Ơ kìa Hà Nội - về một địa chỉ mới đang được nhiều người hâm mộ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh quan tâm.
Tình yêu lớn đối với thế hệ chúng tôi
Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
(Trích bài thơ Mây trắng của đời tôi, Lưu Quang Vũ)
* Đêm thơ bất ngờ được khán giả đón nhận nồng nhiệt, cá nhân chị cảm thấy thế nào?
- Bất ngờ! Năm nào tôi chả tích cực vận động mọi người đọc thơ. Rồi còn ấp ủ làm đêm thơ các thứ, thậm chí casting phim tôi còn lấy thơ ra để... ứng viên đọc lên thử giọng, thử biểu cảm. Mà tôi toàn bị bạn bè bảo là "hâm".
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh là tình yêu lớn đối với thế hệ chúng tôi. Nhưng tôi vẫn bất ngờ khi mọi người gật đầu tham gia đêm thơ với một sự nhiệt tình vô vị lợi. Người tham gia đứng tràn ra cả ngoài cổng.
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Ảnh tư liệu
* Chị có ý tưởng lập thư viện Mây trắng từ khi nào?
- Đời tôi có mấy giấc mơ: một là thật giàu để bao cấp cho các tài năng; hai là có thời gian để đọc sách, xem phim; ba là được giao cho canh kho sách quý... Nên lúc nào trong đầu cũng nghĩ đến việc mở thư viện nhưng phải trong không gian đẹp, mát, xanh.
Đến khi bước chân vào căn phòng đầy sách của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh tại 96A phố Huế, tôi mới hiểu giấc mơ của mình đơn giản là được sống trong vẻ đẹp tốt lành và thách thức của văn chương - nghệ thuật.
Trước ngày 13-4, tôi đã kêu gọi mọi người chung tay lập thư viện Mây trắng vì muốn thử rủ người yêu thơ bước vào không gian tưởng tượng của tôi về Lưu Quang Vũ.
Thư viện Mây trắng trong không gian Ơ kìa Hà Nội của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Gia đình hai nhà thơ đã chia sẻ công việc này như thế nào với chị?
- Thời điểm chúng tôi chuẩn bị đêm thơ, chị Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ - PV) vừa ốm dậy nhưng vẫn sẵn sàng giúp tôi.
Chị là dân nghiên cứu chuyên nghiệp, nên gìn giữ di sản của anh Lưu Quang Vũ rất tốt. Chị như một trang wiki mở trả lời mọi thắc mắc của tôi về anh Vũ. Chỉ có điều chị làm tôi lo lắng vì khóc rất nhiều trong quá trình soạn tư liệu.
Em Nhí, em Khánh Linh - con chị Thơ - cũng giúp tôi nhiều. Anh Lưu Minh Vũ (con trai nhà thơ Lưu Quang Vũ với người vợ đầu Tố Uyên - PV) đi công tác, nhưng đã dành những lời rất cảm động động viên tôi.
Trên tường thư viện là những bức hình chụp căn hộ của hai nhà thơ, cũng như những bản sao bút tích của họ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Di sản tinh thần kết nối những người yêu thơ
* Cách chị huy động sức người sức của thành lập thư viện và tiêu chí chọn tư liệu trưng bày?
- Tất cả đều thông qua Facebook! Ban đầu tôi định phục dựng một căn phòng giống căn phòng 6m2 của hai nhà thơ. Sau tôi chỉ lấy tinh thần của căn phòng theo cách hiểu và cảm nhận của mình.
Tôi kêu gọi mọi người góp sách văn chương xuất bản trước năm 1988. Tôi cũng chụp những chi tiết giá sách của anh Vũ, chị Quỳnh và để người góp sách được tưởng tượng thêm một phần về hai nhà thơ.
Bút tích của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đều được lấy ra từ kho bản thảo gốc, được scan chụp lại và khi trưng bày thì tính toán để nó giúp kể một phần câu chuyện về căn phòng cách đây hơn 40 năm.
Các cuốn sách do mọi người đóng góp đều phải đạt tiêu chí được xuất bản trước năm 1988, giống như sách trên giá của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thư viện có những đoạn trích nhật ký cho thấy anh Vũ khi mới 16 tuổi đã chứng tỏ mình là người của thơ; có những bản thơ viết tay, khác hẳn với các bản thơ sau này đã được in ra và có những lá thư tình cặp đôi huyền thoại này gửi cho nhau.
Thư viện Mây Trắng đã được dựng lên bởi bàn tay của những người yêu thơ Lưu Quang Vũ. Chúng tôi không thuê bất cứ một người thợ nào.
* Nghe nói sau đó tư liệu hình và tư liệu tiếng về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã tự tìm đến với chị?
- Thật kỳ lạ, nhưng sự giúp đỡ quý giá cứ từ tốn đến. Đạo diễn Nguyễn Thước đã gửi tới bộ phim tài liệu anh làm về anh Vũ - chị Quỳnh. Như đạo diễn đã chia sẻ, hai phút phim duy nhất về Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đau đớn thay là hai phút đám tang của chính họ. Khi ấy, anh Nguyễn Thước được cơ quan cấp cho 60m phim để quay và chính anh không ngờ rằng đó là những hình ảnh động duy nhất của hai nhà thơ đến giờ này.
Tôi đã thử gõ cửa Đài Tiếng nói Việt Nam và các anh chị ở đây đã giúp tôi tìm được một file âm thanh ghi lại phần nói chuyện của anh Vũ về kịch và một file ghi lại giọng đọc thơ của chính tác giả Xuân Quỳnh. Và đó là tất cả tư liệu hình và tư liệu tiếng của họ!
Thư của hai vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ viết cho nhau - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tất cả những gì tôi dự định ấp ủ cho di sản của anh chị tôi, Điệp đã làm được. Cô ấy thậm chí đã tìm được file giọng nói của anh Vũ, chị Quỳnh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi cả gia đình nghe lại giọng của anh chị tôi, tất cả đều rất xúc động. Đây thực sự là một phép mầu.
Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ)
Tường thư viện được quét ve xanh đúng màu tường căn hộ của hai thi sĩ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Dự án thư viện Mây trắng dự kiến hoàn thành vào tháng 8 sẽ có gì mới?
- Chúng tôi hi vọng có một gian trưng bày đầy đủ, sống động và đầy đặn hơn nữa về các tư liệu của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Chúng tôi cũng ngại khi nghĩ đến việc thu phí, nên thư viện này tạm thời được duy trì bằng tình yêu thôi. Đã có những tình nguyện viên đến làm thủ thư.
Chúng tôi hi vọng di sản tinh thần đồ sộ của hai nhà thơ sẽ kết nối những người yêu thơ.
Hơn 350 người dự đêm thơ tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đoàn tình nguyện "Mây trắng"
Chồng Nguyễn Hoàng Điệp là kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường cùng họa sĩ Duyên Mẹ Sáo phụ trách khâu thiết kế đêm thơ. Vào phút cuối họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã được lôi thốc tới để làm "họa nô" như cách anh hài hước gọi.
Các nghệ sĩ như nhạc sĩ Giáng Son, diễn viên Lan Hương (Bông), Đỗ Kỷ, Hoàng Dũng, ca sĩ Giang Trang, nhạc sĩ Lê Tâm, đạo diễn Nguyễn Thước, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên được Hoàng Điệp rủ "sát nút" đều nhận lời ngay.
Ban tuyển thơ tình nguyện gồm nhà thơ Hàm Anh, Dạ Thảo Phương, nhà ngôn ngữ trẻ Đỗ Anh Vũ, nhà văn Trương Quý đều ở nước ngoài nên làm việc qua Facebook với Hoàng Điệp.
Trong không gian xanh tươi, những giọt nước mắt, nụ cười, niềm hoài cảm sâu kín được thơ gợi lên tạo nên một vùng cảm xúc mênh mang. Cuối đêm, hơn 350 người cùng đọc lên câu thơ chúc mừng sinh nhật Lưu Quang Vũ: "Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng. Thơ tôi là mây trắng của đời tôi
Thư viện trên tầng hai, phía ngoài là một vòm tre xanh mát thỉnh thoảng lại rì rào trước gió - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không gian tầng 1 của Ơ kìa Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thư viện trên tầng 2 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không gian xanh mát của Ơ kìa Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cổng của Ơ kìa Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận