13/10/2019 08:00 GMT+7

Điện thoại hư trong thang máy hỏng

HOÀNG MY
HOÀNG MY

TTO - Khi thức dậy bạn làm việc gì đầu tiên? Đáp án "mở mắt" ngày càng không đúng lắm. Yên còn đang nhắm mắt đã quờ tay tìm cái điện thoại rồi.

Điện thoại hư trong thang máy hỏng - Ảnh 1.

Ngày mới bắt đầu với cảm giác rệu rã, vì đêm qua Yên thức khá khuya. Chứng mất ngủ bắt đầu lai vãng. Yên đành quên sầu bằng cách cầm điện thoại mà bấm vuốt. Coi phim coi clip. Đọc báo chơi mạng. Khi quyết định dỗ giấc, cũng là lúc Yên áy náy với chính mình, tự nhủ từ mai phải bớt sử dụng cái của nợ kia mới được.

Mất thời gian, hại sức khỏe, mắt mờ, tâm tính cáu bẳn dở hơi, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống quá. Dường như nghe được dự tính đó của Yên, cái điện thoại đã mạnh dạn đi trước một bước, bằng cách đơ ra "chẳng thèm liên quan gì" khi Yên chạm vào màn hình, chỉ còn nút Home và các chức năng bên hông máy là bình thường.

Khả năng cao là hư cảm ứng. Đời thế mà nhọ, sắp tốn thêm một khoản tiền vô duyên nữa! Cả buổi sáng Yên loay hoay chẳng yên được như cái tên của mình. Bứt rứt vì thiếu vắng món đồ chơi cầm tay quen thuộc. Lo âu vì sợ có ai đó gọi, có người nào nhắn, có chuyện gì mà mình bỏ lỡ. Khi nào bạn cảm thấy bản thân quan trọng như VIP ư? Chắc là lúc không có di động kề bên rồi!

Yên lấy máy bàn thử gọi vào thì vẫn hiện số, đổ chuông. Vuốt sang để nghe thì chẳng được. Chỉ có thể bấm từ chối. Ngay cả tắt nguồn cũng không nốt. Yên nhiều lần reset máy bằng tổ hợp hai nút một lượt. Vẫn bó tay. Yên rút ra kết luận, chiều nay tan làm đành đế gặp ông thợ sửa điện thoại rồi.

Buổi chiều, Yên nghĩ đến việc lấy một cái kẹp giấy moi sim ra, nhằm mục đích khỏi thất lễ khi có ai gọi mà Yên bất lực không bắt máy được, chỉ có thể bấm nút từ chối. Dự định đó nảy ra trong đầu khi Yên đang lang thang dưới sảnh, lơ đễnh tìm thang máy để quay về phòng làm việc.

Tòa cao ốc này có tất cả ba thang máy. Hai cái nằm ở sảnh lớn, rất to đẹp và hiện đại. Cái thứ ba cũ kỹ nhỏ xíu, nằm khuất ở phía cửa sau, nơi ít người biết tới. Khách vãng lai càng không có. Chỉ dân văn phòng thuộc tòa nhà mới biết được chỗ di chuyển khá kín đáo này.

Cũng vài tháng rồi cái thang máy này bị chập cheng, lúc tỉnh lúc không. Các anh kỹ thuật sửa tới sửa lui mấy bận vẫn chưa dứt. Cứ thấy có tín hiệu thì liều lĩnh bước vào, không thì đi thang khác. Nghe nói nó từng nhốt người ta trong đó, hoặc rơi tự do cái bộp. Khiếp thế. Vài dịp đi ngang, Yên nhìn thấy cái bảng điện tử im lìm một màu.

Ngưng hẳn hay đợi bảo trì thì Yên chẳng quan tâm. Càng ít để mắt chuyện thiên hạ thì đời càng bớt khổ. Không có thì khỏi xài. Nhưng hôm nay, trong trạng thái chẳng mấy tập trung, Yên bấm vào cái nút gọi thang. Cửa mở. Yên bước vào theo quán tính. Cửa đóng lại ngay tức thì. Yên bấm số bốn. Cái bảng điều khiển nhá sáng lên một cái rồi tắt lịm.

Mọi thứ tiếp theo đúng gọi là mất kiểm soát. Phản xạ tức thì của Yên là vội vàng nhìn vào cái điện thoại trên tay, rồi điếng người nhớ ra nó đã bị hư từ sáng. Sao trùng hợp xui xẻo thế này. Yên hoảng hốt bấm liên tiếp nhiều lần vào cái biểu tượng mở cửa. Thang vẫn trơ ra.

Yên gắng giữ bình tĩnh, tìm biểu tượng "liên hệ với bên ngoài", tức là cái hình điện thoại cố định. Vô phúc làm sao, nó cũng không có tác dụng gì. Yên nhấn điên cuồng vào đó, hi vọng nghe một tín hiệu đổ chuông hoặc một tiếng người "alô" đầy nghi hoặc. Nhưng đáp lại kỳ vọng ấy vẫn là sự im lìm. Yên vỗ mạnh vào cửa thang.

Đạp vào thành thang máy. Cái thang dường như có hơi chao đảo, rung rinh. Theo như mớ kiến thức ít ỏi của Yên, thang máy vốn được treo lên bằng thiết bị trông như cái ròng rọc.

Có máy kéo bằng điện. Nó di chuyển lên xuống trong các tòa cao ốc bằng một cái "ống" đã được thiết kế chừa sẵn, xuyên qua cả bêtông cốt sắt gì gì đó. Nếu nó lên cơn bất thường thì có khi sẽ mở cửa nửa chừng, đụng ngay bức tường bốn bên, y như mình bị chôn sống.

Ý nghĩ cuối cùng ấy khiến Yên bất giác rùng mình.

Xui khiến gì, khoảnh khắc ấy Yên dưng không nhớ tới cái đoạn phim ngắn kể về một cô gái trẻ tình cờ bị nhốt trên sân thượng của chung cư. Cô ấy bị lãng quên từng ngày, phải tự mình tìm cách sinh tồn. Cầm cự hai mươi mấy ngày trong rách rưới tàn tạ rũ rượi y như ma đói.

Dẫu sao thì cô gái đó cũng được sống dưới bầu trời đầy nắng gió, có quần áo sạch đang phơi phóng, có ống nước và mớ rêu xanh rì để nhấm qua ngày, thêm một khoảng chỗ ở có gắn mái che mà trú ẩn. Còn ở đây, Yên có gì nào?

Một không gian vuông vức bé hẹp chỉ đủ cho chừng bốn người đứng chen vai sát rạt. Tứ bề bằng thép lạnh. Một bên có gương, phản chiếu gương mặt của người phụ nữ chỉ mới giữa độ tuổi ba mươi sáu mà ơ hờ mỏi mệt.

Cuộc sống vốn chưa từng dễ dàng. Với người đời mà nói, từng tuổi ấy, có nhà cửa chồng con lẫn chỗ làm ổn định hẳn là ngon lắm. Nhưng mấy ai chẳng có các vấn đề riêng của họ? Như tình huống Yên đang phải đối mặt lúc này.

Điện chập chờn rồi tắt phụt. Ít phút sau có lại, nhưng không sáng tỏ mà lờ mờ. Giống như chế độ "tiết kiệm pin". Thang trôi tự do hay đang dừng hẳn, Yên cũng không dám chắc. Nhưng nó vẫn đang hoạt động, bởi còn đèn và quạt hút ẩn đâu đó. Không khí chưa có mùi khan hiếm bức bối. Yên gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu, qua cơn hoảng hồn thì kiên nhẫn đứng chờ.

Xem xét. Suy tính các khả năng. Hẳn sẽ có ai đó gọi thang, hoặc nhận ra cái thang này đang bị lỗi. Họ sẽ kêu cứu hộ. Bảo vệ tòa nhà hay đi tuần từ trên tầng cao nhất tới tận hầm để xe bằng cầu thang bộ thoát hiểm. Yên thi thoảng vẫn gặp. Chắc chắn họ cũng sẽ kiểm tra các cầu thang máy, đương nhiên rồi. Lạc quan lên nào Yên ơi!

Trong mấy bộ phim ngôn tình mà Yên từng xem, nam chính hay bị kẹt thang máy với nữ chính hoặc nữ phụ, thường là một "tiểu tam" xinh đẹp. Họ sẽ tranh thủ ôm nhau. Nhân cơ hội đó mà hôn nhau. Nói những câu ngọt ngào lãng mạn đầy hứa hẹn. Cùng động viên nhau chờ đợi. Còn bây giờ, Yên một mình với cái điện thoại tội nợ.

Ở tòa nhà này, Yên cũng có nhiều người quen gọi là đồng nghiệp. Nhưng mấy ai lưu tâm tới sự hiện diện hay vắng mặt của Yên chứ. Mà cô cũng từng để ý tới sự tồn tại của ai không, trong cái cao ốc văn phòng quanh năm rù rì máy lạnh này?

Thấm mệt, Yên chuyển qua tiết mục sửa điện thoại. Nó là hi vọng của Yên. Biết đâu nó sẽ đột ngột hết trở chứng, và Yên có thể bấm một cuộc gọi. Mình sẽ gọi cho ai nhỉ? Số của bảo vệ ở cổng chăng? Lỡ họ không thèm bắt máy hoặc chêm máy lên cho khỏe thì sao.

Gọi cho chồng? Chồng Yên cũng ít khi bắt máy khi vợ gọi, thường phải một lúc lâu sau anh mới nhắn tin trả lời. Đại loại là anh đang họp, có gì gấp không em? Anh đang ở trong phòng máy móc thiết bị của khách, không nghe điện thoại được. Hoặc có khi là anh đang nhậu, Yên đoán vậy, vì khi anh về nồng nặc mùi bia rượu.

Mà cái điện thoại của Yên thì đâu có cơ hội thứ hai để mà đọc hoặc nhắn lại cho chồng. Rằng Yên đang gặp nạn, bị kẹt trong cái thang máy chết tiệt với cái điện thoại dở quẻ vô dụng trên tay kia chứ. Gọi cho sếp nhờ giúp đỡ ư? Yên vốn không có thói quen đó. Bấy lâu chỉ toàn giao tiếp công việc qua chat nội bộ.

Liệu sếp có vì bất ngờ mà phân vân, chưa kịp bắt máy thì đã đổ hết chuông không? Gọi cho mẹ cầu cứu? Mẹ Yên ở xa, không biết chạy xe máy, không rành di động, mù mờ đường sá, lại có bệnh huyết áp. Bấy lâu Yên vốn quen là chỗ dựa cho mẹ, cho các em, chứ không là ngược lại. Mẹ có thể làm gì cho đứa con gái đang mắc kẹt chốn này?

Gọi cho cô bạn thân của Yên? Bạn Yên sẽ bấm từ chối rồi nhắn lại: Tao đang bàn hợp đồng với khách sộp. Mày ổn chứ? Chiều nay có muốn đi ăn mừng với tao không?

- Reng reng reng...

Yên giật mình với tiếng chuông. Là sếp Yên gọi. Mừng rỡ vụt tắt khi nhớ ra mình cũng đâu thể nhận cuộc. Việc duy nhất động tay chân được là bấm từ chối. Cảm giác tuyệt vọng từ đâu ập tới, rõ rệt. Chắc cuộc họp chiều nay có gì bất lợi, sếp cần trao đổi và mắng mỏ Yên. Hay đơn giản là không thấy mặt Yên nên gọi kiếm tìm?

Bao lâu đã trôi qua rồi nhỉ? Giờ là bốn giờ kém. Sếp sẽ nghĩ gì khi thấy Yên tự dưng biến mất? Sau khi gọi điện mà không thấy Yên trả lời, sếp có quay sang hỏi người khác xem Yên đi đâu không? Có ai nghĩ tới tình huống Yên bị kẹt trong thang máy một mình với cái điện thoại hư hỏng nửa vời chăng?

Lúc sáng, Yên càu nhàu vì điện thoại bị hư, liệu đồng nghiệp ngồi xung quanh có ai để ý tới thông tin ấy? Hay là bây giờ ai nấy đều lo phận mình, không cần quan tâm tới xung quanh, theo đúng phương châm: Văn minh tí đi, chỉ cần nước sông không phạm nước giếng là được rồi.

Tin nhắn văn bản. Không hiển thị nội dung lẫn tên người gửi ngoài màn mình, theo như cài đặt của Yên. Lại có cuộc gọi tới của một số bàn, đuôi toàn tám tám tám. Ai vậy nhỉ? Hay đơn giản là mấy cú chào mời mua đất, mua nền, mua suất dự án, mua chỗ để dành lo hậu sự?

Yên đăm đăm vào cái màn hình sáng rực rồi tắt dần, trả lại không gian nhờ nhờ. Gỡ đôi giày năm phân ra, Yên rũ người ngồi bệt xuống đất. Giờ chẳng có ai để Yên phải lo giữ hình tượng nữa. Đứng lâu như vậy rồi mà vẫn chưa thấy ai tới giải cứu Yên, thật sao...

Một mình trong cái quan tài lạnh lùng theo phương thẳng đứng ấy, Yên dần thấy lòng mình trầm lắng lại. Đầu óc nghĩ miên man, tưởng tượng đủ thứ. Suy xét, tính toán về tình huống xấu nhất. Nếu mình thật sự không thể thoát ra khỏi cái chỗ này, sau đêm nay, sau ngày mai, sau một tuần nữa thì sao nhỉ?

Hai đứa con Yên vẫn còn quá nhỏ, tồ tuệch, ham ăn mải chơi, làm biếng học, thích chí chóe nhau suốt ngày. Chồng Yên bận rộn, ít có thời gian dành cho gia đình. Nói gở, lỡ Yên có bề gì, liệu anh có thể cáng đáng nổi hai thằng nhóc tuổi ăn tuổi phá không cơ chứ...

Tim Yên thắt lại khi nhớ tới mẹ. Cả đời mẹ khổ sở, ít niềm vui, tuổi già chỉ còn bám víu vào đám con cái. Nếu như Yên đột ngột rời khỏi...

Yên cố nhắc mình không được khóc, phải giữ vững tinh thần. Chỉ chừng hai chục phút nữa thôi, dân công sở sẽ lác đác chuồn về. Giờ cao điểm của tòa nhà, hẳn sẽ có ai đó gọi thang này. Biết đâu chỉ cần một cú chạm từ bên ngoài, cái thang chết tiệt sẽ bật mở ngay và luôn, như chưa từng tưng tửng giam cầm Yên cho bõ ghét.

Yên sẽ nhảy ra như một con sóc, miệng kêu "thoát rồi" đầy kịch tính. Sáu tầng nhà này đông người thế, đương nhiên sẽ có người chọn cái thang phía sau này để di chuyển. Nhất là vào cuối ngày, khi ai nấy đều rệu rã, chán ngán với việc vận động để giảm cân hay tốt cho sức khỏe. Trời ơi, ai đó làm ơn mau bấm gọi thang đi chứ!

Hi vọng mờ dần khi trên cái điện thoại chỉ còn hơn hai mươi phần trăm pin hiển thị: Gần sáu giờ chiều. Bây giờ, mọi người đều đã về nhà hoặc đang trong ma trận kẹt xe trên đường. Chẳng ai hơi sức mà nhớ tới Yên. Hai đứa con trai sinh đôi của Yên chắc đã được chú xe ôm mối ruột đón về, thay đồng phục ở trường hoặc cứ lì lợm mặc ráng, lùa banh nhoay nhoáy giữa phòng khách bộn bề.

Chúng thường không có ý ngóng đợi mẹ. Có quá nhiều thứ lôi cuốn hai đứa trẻ đang học năm cuối tiểu học. Chỉ cần mở tivi lên, hoặc biết mật khẩu của máy tính bảng là mọi thứ khác đều lu mờ. Ngay cả ăn cơm, uống nước, đi vệ sinh còn vội vàng, thì việc mẹ chưa về đâu gây thắc mắc, lo âu kia chứ.

Thường Yên cũng không về nhà vào một giờ cố định nào cả. Đàn bà bây giờ nhiều thứ bận tâm. Yên hay ghé cắt da giũa móng ở một cái chợ quận mười. Hoặc la cà ăn vặt với cô bạn thân. Có hôm Yên lạng qua chỗ bán quần áo giảm giá, lựa coi có gì ưng ưng. Nhằm bữa cơ quan có đối tác ở tỉnh lên thì cùng đi ăn tối. Nói chung giờ giấc lộn xộn.

Chồng Yên cũng thế. Không ai quản hay khó chịu thắc mắc với ai. Nhà có một chị giúp việc chuyên dọn dẹp nấu ăn, cứ chập tối xong xuôi là rút lên lầu chơi điện thoại. Gặp hôm Yên muốn gọi chị ấy mà ngại lên tiếng, thì cứ vào mấy cái trang mạng chị nọ hay chơi mà nhắn. Câu trước câu sau đã nghe tiếng chân bước xuống cầu thang rồi. Chẳng biết hôm nay chị ấy nấu món gì cho cả nhà nhỉ?

Cơn đói ầm ì như lũ tràn về. Cổ Yên khát khô. Bụng dưới căng tức. Yên mạnh dạn nới bớt toàn bộ dây kéo của cái chân váy công sở xuống. Kéo vạt của cái áo kiểu ra ngoài cho thoải mái. Nhưng thật cũng không dễ chịu hơn được bao nhiêu. Yên bỗng dưng cảm thấy mình lả đi, chẳng còn mấy sức lực, phải dựa hẳn người vào tường.

Nhắm mắt lại, Yên hình dung ra căn bếp nhà mình, bàn ăn có đậy một cái lồng bằng nhựa màu đỏ. Trong đó biết đâu sẽ có dĩa khô cá dứa một nắng chiên vàng, ăn cùng với rau lang xào tỏi. Tô canh hơi chua chua mặn mặn. Yên nuốt nước miếng, cồn cào. Mọi thứ nhòe đi trong nước mắt khó nhọc.

Giờ thì chút hơi tàn của cái điện thoại luôn được mở sẵn mạng 4G cũng bỏ Yên mà đi. Còn lại Yên cô độc trong cái hộp bé xíu này, dường như chẳng có bất kỳ liên hệ gì với thế giới ngoài kia nữa. Yên nức nở với ý nghĩ mình đã hoàn toàn bị quên lãng.

Đêm hẳn đã khuya rồi. Giờ này hai thằng con trai của Yên đã bắt đầu ngóng mẹ chưa? Hay là chúng đang ngủ vạ vật chưa lên phòng? Chồng Yên tối nay có về sớm hay đi tiếp khách?

Đến khuya, anh có vì linh cảm gì đó mà quyết định gọi cho vợ, dù chỉ để hỏi xem mấy giờ Yên về? Thấy máy Yên báo không liên lạc được, anh sẽ nghĩ là hết pin thôi, chứ đâu có gì bất trắc. Ngày nào cũng theo lịch trình như vậy mà.

Đâu ai có thói quen làm phiền, kiểm soát gì nhau chứ. Cuộc sống bình đẳng, tự do và đầy tôn trọng kia chẳng phải bấy lâu Yên vẫn đeo đẳng trong tự hào đó sao?

Thiếp đi trong khốn khổ, Yên bỗng như nghe có tiếng ai gọi. Giữa thứ ánh sáng lờ nhờ, Yên cố gắng mở mắt ra nhìn...

Khi nhà hát cần một cái... thang máy! Khi nhà hát cần một cái... thang máy!

TT - Thành lập Câu lạc bộ Diễn viên trẻ, rồi một mùa tết “ào ạt” ra đời bốn vở mới gồm Chia tay hoàng hôn, Nơi tình yêu bắt đầu, Hạnh phúc ở đâu, Chờ... để cạnh tranh cùng các sân khấu khác, tất cả như những tín hiệu mới được phát đi từ Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, TP.HCM).

HOÀNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp