Bất cứ người dùng nào cũng từng ít nhất một lần trải qua cảm giác "vừa đau vừa tiếc" khi chiếc điện thoại bị rơi và màn hình xuất hiện vài vết nứt - Ảnh: Finder
Cơn ác mộng vỡ màn hình không chỉ khiến khổ chủ đau lòng mà còn "đau ví" bởi đôi khi tiền thay màn hình bằng nửa tiền mua điện thoại.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không còn xảy ra nữa. Các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill ở Montreal, Canada vừa phát minh ra một vật liệu mới kết hợp từ composite thủy tinh và acrylic, được mô tả là: "siêu cường, cung cấp sự kết hợp của sức mạnh, độ dẻo dai và độ trong suốt".
Lấy cảm hứng từ lớp bên trong của vỏ nhuyễn thể (còn được gọi là xà cừ), các nhà nghiên cứu tạo ra một lớp thủy tinh cứng và chắc, sắp xếp các sợi kích thước siêu nhỏ ở dạng một bức tường bằng những viên gạch Lego đan xen nhau. Nhờ sự liên kết đó nên mặc dù là thủy tinh nhưng vật liệu mới có khả năng đàn hồi giống như nhựa dẻo hơn và không bị vỡ khi va chạm.
Phó giáo sư Allen Ehrlicher, thuộc khoa kỹ thuật sinh học tại Đại học McGill, cho biết: Trong tự nhiên, lớp vỏ ngoài của các loài nhuyễn thể rất giòn và dễ vỡ nhưng lớp xà cừ bên trong lại có độ cứng của vật liệu cứng và độ bền của vật liệu mềm. Đặc tính này khiến nó trở thành một vật liệu tốt nhất để tạo ra các sản phẩm có yêu cầu "vững chắc nhưng phải bền". Cụ thể ở đây là kính điện thoại di động.
Lớp kính mới được làm từ những mảnh vật chất cứng và được xếp thành lớp với các protein mềm có tính đàn hồi cao. Cấu trúc này tạo ra sức mạnh đặc biệt, khiến nó cứng hơn 3.000 lần so với các vật liệu tạo nên nó hiện nay.
Mặc dù các kỹ thuật như tôi và ép có thể giúp gia cố kính tiêu chuẩn trên điện thoại ngày nay, nhưng lại rất tốn kém và không còn hiệu quả khi bề mặt kính đã bị hư hỏng.
Bởi thế, nếu được sản xuất hàng loạt và đưa ra thị trường, vật liệu mới do các nhà nghiên cứu Đại học McGill tạo ra có thể được dùng để chấm dứt tình trạng điện thoại thông minh cao cấp rơi xuống đất và vỡ màn hình như tình trạng phổ biến hiện nay.
Cấu trúc vi mô của composite thủy tinh (A) và cấu trúc vi mô của xà cừ (B) - Ảnh: Đại học McGill
Các nhà nghiên cứu đã sao chép kiến trúc tự nhiên của vỏ xà cừ và sử dụng bằng các lớp mảnh thủy tinh kết hợp acrylic, tạo ra một loại vật liệu mờ đục siêu cường, có thể được sản xuất dễ dàng và không tốn kém.
Sau đó, thay đổi chỉ số khúc xạ của vật liệu acrylic, áp dụng vài kỹ thuật khác kết hợp công nghệ thông minh làm cho nó hòa trộn hoàn toàn với thủy tinh để tạo ra một hỗn hợp thực sự trong suốt về mặt quang học và nhằm thay đổi các đặc tính của kính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận