13/02/2023 10:20 GMT+7

Điện thoại đánh rơi bị bán vào cửa hàng, làm gì để lấy lại?

Tôi đi đường bị đánh rơi điện thoại iPhone 12 Promax, về nhà kiểm tra định vị phát hiện chiếc điện thoại ở trong một cửa hàng, vậy tôi cần làm gì để lấy lại điện thoại?

Điện thoại đánh rơi bị bán vào cửa hàng, làm gì để lấy lại? - Ảnh 1.

Điện thoại đánh rơi bị bán vào cửa hàng, làm gì để lấy lại? - Ảnh minh họa - Ảnh: DANH TRỌNG

Tôi đi đường bị đánh rơi điện thoại iPhone 12 Promax ở khu vực phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Về nhà kiểm tra định vị phát hiện chiếc điện thoại ở trong một cửa hàng mua bán điện thoại gần khu vực đánh rơi.

Tôi muốn nhờ lực lượng công an phường đến cửa hàng trên xác minh và lấy lại chiếc điện thoại thì phải làm thế nào?

Nếu xác định điện thoại của tôi nằm trong cửa hàng này thì người nhặt được và người mua bán có bị xử lý gì không?

Bạn đọc Lan Anh gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.

Luật sư Chu Thị Út Quỳnh - Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn luật sư Hà Nội) - trả lời:

Cần làm gì để lấy lại điện thoại?

Bạn có thể làm đơn gửi đến công an phường sở tại nơi đánh rơi điện thoại (cụ thể Công an phường Quan Hoa) để trình báo sự việc và xác định định vị tài sản của bạn hiện đang ở cửa hàng điện thoại gần khu vực bạn đánh rơi.

Trong quá trình cơ quan công an làm việc, họ sẽ xác minh thông tin trình báo của bạn.

Họ sẽ xác minh các nội dung và vấn đề bạn cung cấp có đúng không? Tài sản của bạn có đúng là của bạn hay không?

Vậy nên bạn cần cung cấp cho công an phường các đặc điểm nhận dạng và thông tin liên quan đến tài sản khi nộp đơn trình báo sự việc.

Người nhặt được điện thoại và người mua bán có bị xử lý không?

Người nhặt được tài sản:

Căn cứ khoản 1 điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên, người nhặt được tài sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình như sau:

Nếu người nhặt được biết người rơi tài sản thì phải thông báo và trả lại tài sản cho người đánh rơi.

Trường hợp người nhặt được không biết người rơi tài sản thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND phường hoặc công an phường (cụ thể Công an phường Quan Hoa) để trả lại tài sản cho bạn.

Người nhặt được tài sản không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình và bán tài sản trái phép cho cửa hàng điện thoại thì hậu quả pháp lý như sau:

Trường hợp tài sản được cơ quan công an định giá dưới 10 triệu đồng, người bán tài sản trái phép có thể bị phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Ngoài ra, người nhặt được tài sản phải khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bán tài sản trái phép.

Trường hợp tài sản được công an định giá trên 10 triệu đồng, dưới 200 triệu đồng, người nhặt được có thể bị phạt hành chính từ 10 đến 50 triệu đồng. Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm đối với hành vi nêu trên.

Ngoài ra, buộc người nhặt được tài sản phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bán tài sản trái phép.

Người mua tài sản:

- Trường hợp thứ nhất: Người mua tài sản không biết người bán tài sản không có quyền định đoạt tài sản:

Căn cứ khoản 1 điều 133 Bộ luật dân sự 2015 bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Đối với trường hợp này, người mua không biết được người bán tài sản không có quyền định đoạt tài sản dẫn đến việc giao dịch mua bán, pháp luật bảo vệ cho người thứ ba ngay tình.

Người làm rơi tài sản sẽ không thể đòi lại tài sản của người mua, mà phải làm đơn khởi kiện yêu cầu người nhặt được hoàn trả và bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp thứ hai: Người mua tài sản biết rõ người bán không có quyền định đoạt tài sản:

Nếu tài sản được cơ quan công an định giá dưới 10 triệu đồng, người mua trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với việc thực hiện hành vi mua điện thoại trái phép.

Nếu tài sản được định giá trên 10 triệu đồng và dưới 200 triệu đồng, người mua tài sản mặc dù biết rõ người bán tài sản không có quyền định đoạt tài sản vẫn cố tình thực hiện giao dịch có thể bị áp dụng khoản 1 điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Như vậy, đối với hành vi trên, người mua có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đến 100 triệu đồng. Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected].

Nhặt được 4 cọc tiền to, nữ sinh viên Hutech liền mang nộp công anNhặt được 4 cọc tiền to, nữ sinh viên Hutech liền mang nộp công an

TTO - Nhặt được số tiền khoảng 200 triệu đồng, nữ sinh viên Trường đại học Công nghệ Hutech đã mang đến trụ sở Công an phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM giao nộp.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp