Điều này khiến cho nhà đầu tư tiếp tục có văn bản kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng.
36 nhà đầu tư cùng kêu
Nhóm 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vừa có đơn kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo đơn kiến nghị, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 4.676MW chậm tiến độ vận hành thương mại nên không kịp hưởng giá điện cố định (FIT), phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp. Trong đó, có 34 dự án với hơn 2.090MW (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn tất thi công, thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.
Các nhà đầu tư của 34 dự án này cho rằng khung giá điện mới cho các dự án chuyển tiếp cũng như quy định liên quan hợp đồng mua bán điện mẫu dù đã được Bộ Công Thương ban hành nhưng lại gây nhiều "quan ngại sâu sắc".
Chưa hợp lý
Ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ cho thấy hiện nhiều dự án điện gió khu vực duyên hải miền Trung đã hoàn thành cả năm trời nhưng các tuốc bin vẫn đứng im. Một doanh nghiệp (DN) điện gió cho biết rất "xót xa" khi hàng trăm tỉ đồng đổ ra lại phơi nắng phơi sương, nhưng với khung giá mua bán điện đã được ban hành, DN không "mặn mà" đến đàm phán dù cả tháng nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần kêu gọi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-3, ông Phạm Minh Tuấn, tổng giám đốc Công ty cổ phần BCG Energy, cho biết DN này hiện còn 114/330MW của dự án điện mặt trời Phù Mỹ đã hoàn thành từ đầu năm 2021 song chưa thể đấu nối để bán điện. "Mong muốn cho phép nhà máy được đấu nối vào lưới điện, ghi nhận sản lượng trước và sau đó tiếp tục bàn về chính sách giá với một cơ chế hợp lý hơn", ông Tuấn nói.
Ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, cho hay hiện các DN chưa thể bán điện đang "điêu đứng" vì lãi vay "trên trời" trong khi doanh thu bán điện không có. Ngoài ra, máy móc 1-2 năm không vận hành sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chi phí bảo trì. Do đó, ông Thịnh cho rằng điều cần nhất hiện nay là cho các dự án hoạt động, ghi nhận công suất phát, giá tiếp tục đàm phán để có mức giá trần hợp lý hơn.
DN lo phá sản
Việc ban hành khung giá điện được các nhà đầu tư cho là "quá vội vàng", chưa phù hợp. Như sử dụng tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm 10% chi phí dự phòng để tính khung giá điện. Hay việc viện dẫn sản lượng giao nhận bình quân của các nhà máy điện gió mà không tính tới tình hình cắt giảm huy động...
Nghị quyết 55 khuyến khích phát triển năng lượng sạch, ưu tiên điện gió và điện mặt trời, các chính sách khuyến khích vẫn còn hiệu lực nhưng quy định mới ban hành khung giá điện lại bãi bỏ ba nội dung quan trọng: thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.
Theo các DN, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 85.000 tỉ đồng thì trên 58.000 tỉ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Thực tế này kéo theo nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, DN và ngân hàng không thể thu hồi vốn. Còn về lâu dài, cơ chế giá không hiệu quả sẽ dẫn tới dừng, chậm đầu tư các dự án, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận và thống nhất giá điện. Theo bộ này thì giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện sẽ không vượt quá khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được ban hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận