Các “nghệ sĩ” sinh viên say sưa luyện tập cho vở nhạc kịch Dòng sông không chảy ngược để chuẩn bị trình diễn cùng người dân Cự Khê - Ảnh: Đức Triết |
Trước đó, ký ức, nguyện vọng, mối ưu tư của dân làng về dòng sông Nhuệ quê mình đã được gửi gắm vào kịch bản...
Dự án ấy đã khiến người dân làng Khúc Thủy, Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bận rộn trong mấy tháng qua.
Sự bận rộn diễn ra trong bao nỗi ngạc nhiên khi người dân nơi đây được chứng kiến giữa cái nắng hè bỏng rát tháng 7, tuần nào các bạn trẻ cũng phóng xe máy từ trung tâm Hà Nội về (khoảng 30km) để trò chuyện với các ông, các bà, các bạn thanh niên trong thôn về những đổi thay của dòng sông Nhuệ.
Rồi thì, các bạn ấy dựng kịch, đem cả kịch bản phác thảo về nhờ những người nông dân xem giúp đã đúng với những ký ức, nguyện vọng và cả ý tưởng của họ chưa.
Thấy sinh viên nhiệt tình quá, cả làng Khúc Thủy đã xắn tay vào giúp với tinh thần không cần công xá. Vì thế, nhà nào có chum vại, quang gánh, thúng mẹt, bàn ghế, cốc chén... thì chuẩn bị mang ra làm đạo cụ.
Chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên thì ngày ngày đến nhà văn hóa của thôn luyện tập văn nghệ, tập một số phân cảnh phụ cho vở kịch như tái hiện cảnh bến sông xưa, cảnh chợ quê, đám trẻ con hát vè...
“Chưa khi nào những tiếng nói của chúng tôi được tôn trọng như thế. Nhất là chúng tôi và các đoàn viên thanh niên trong làng được tự lên ý tưởng, trực tiếp dàn dựng thể hiện để nói ra mong ước của riêng mình, muốn làm gì trước dòng sông ô nhiễm như hiện nay” - bà Đào Thị Loan, chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Khúc Thủy, nói với tâm trạng đầy háo hức.
Còn ở sàn tập S-line club trên phố Phạm Ngọc Thạch, những sinh viên trẻ đến từ các trường đại học ở Hà Nội và cả các bạn học sinh Trường Amsterdam cũng say sưa tập vai, không chỉ diễn xuất mà cả ca hát và vũ đạo. Ròng rã cả tháng qua, ngày hai buổi, khi mệt quá cả nhóm có thể được đãi một que kem, một cốc nước, còn lại phải tự túc nhưng chẳng ai bỏ cuộc.
Đã thế, Vũ Đức Mạnh - sinh viên khoa thanh nhạc Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội - còn bảo lưu cả khóa học quân sự để chuyên tâm cho vai nam chính - ông Thạch.
Sau phần tập solo cho bài Trở về dòng sông tuổi thơ, Mạnh chia sẻ: “Dù không phải là biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp nhưng tôi thấy vở kịch đầy sức hấp dẫn. Tôi muốn thể hiện vai diễn một cách tốt nhất để dành tặng những người nông dân luôn khát khao cuộc sống yên bình và trong lành nơi những miền quê”.
Trong khi đó, những chủ nhân chính của dự án này là Nguyễn Minh Thắng, Khuất Thị Ly Na, Vũ Đức Đam Trang, Hoàng Diệu Quỳnh... cùng gần 60 cộng tác viên sau khi lo xong việc khảo sát ý kiến người dân để lên kịch bản, lo mời tài trợ địa điểm tập, tài trợ tài chính để có kinh phí đầu tư sân khấu, trang phục, truyền thông... thì những ngày nước rút này vẫn rong ruổi trên những chặng đường về Cự Khê để cùng người dân chuẩn bị mọi việc.
Vũ Đức Đam Trang, trưởng ban truyền thông - đối ngoại của dự án, cho biết cả nhóm đã tạm yên tâm cho hai đêm nhạc kịch với nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội lên đến gần trăm triệu đồng.
Giờ đây, làng Khúc Thủy, Khê Tang đang cuốn vào sức sống tươi trẻ, mới lạ của các sinh viên Hà Nội.
Đi và mở Vở nhạc kịch Dòng sông không chảy ngược là sự kiện chính trong dự án “Đi và mở” - dự án trình diễn nghệ thuật vì cộng đồng do nhóm sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và du học sinh thực hiện. Cùng với trình diễn nhạc kịch, sự kiện còn có triển lãm tranh Dòng sông mơ ước - một hoạt động tiền dự án của cuộc thi vẽ tranh Dòng sông trong mắt em tại Trường tiểu học xã Cự Khê được dự án thực hiện những ngày đầu tháng 8. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận