Hãng tin Reuters đã công bố báo cáo cho biết ông Donald Trump khi còn là tổng thống đã cho phép Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiến hành một chiến dịch bí mật trên mạng xã hội Trung Quốc nhằm mục đích hướng dư luận Trung Quốc chống lại chính quyền Bắc Kinh.
Bình luận về báo cáo này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Mỹ cũng cố gắng thực hiện một chiến dịch tương tự chống lại Nga, Reuters đưa tin ngày 15-3.
"Có thể nói một điều là chúng tôi (Nga) đã phải trải qua các hoạt động như vậy trong nhiều năm. Mỹ cùng các cơ quan liên quan và các cơ quan tình báo đã làm điều tương tự với đất nước của chúng tôi, và hiện vẫn đang cố gắng thực hiện điều đó", ông Peskov nói.
Ông cũng nhấn mạnh Nga đã thực hiện "các hành động quyết đoán" nhằm bảo vệ bối cảnh chính trị trong nước và xã hội Nga khỏi các nỗ lực can thiệp từ Mỹ.
"Song điều này không có nghĩa họ (Mỹ) đang từ bỏ nỗ lực của mình", người phát ngôn Điện Kremlin nói.
Ông Peskov cũng không loại trừ nghi vấn Washington có thể đang thực hiện các chiến dịch tương tự nhằm chống lại chính phủ các quốc gia khác.
Hồi đầu tuần, cơ quan tình báo nước ngoài của Nga cáo buộc Mỹ cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Nga. Họ cũng cho rằng Washington thậm chí còn lên kế hoạch tấn công mạng nhắm vào hệ thống bỏ phiếu trực tuyến của Matxcơva.
Tuần trước, Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới, đồng thời bác bỏ các cáo buộc của Washington về việc Matxcơva đã can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 và 2020.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra từ ngày 15 đến 17-3. Đây cũng là năm đầu tiên hệ thống bỏ phiếu trực tuyến từ xa lần đầu tiên được áp dụng.
Có bốn ứng viên tham gia tranh cử tổng thống Nga, bao gồm ông Vladimir Putin (ứng cử viên độc lập), ông Vladislav Davankov (Đảng Những con người mới), ông Leonid Slutsky (Đảng Dân chủ tự do Nga - LDPR) và ông Nikolay Kharitonov (Đảng Cộng sản Liên bang Nga - CPRF).
Các dự báo đều cho thấy tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin có khả năng nắm chắc phần thắng để tiếp tục giữ ghế tổng thống đến năm 2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận