Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-2, Điện Kremlin bác bỏ cảnh báo của Mỹ về khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, đồng thời gọi lời cảnh báo đó là “sự bịa đặt ác ý” và là thông tin “vô căn cứ”.
Điện Kremlin còn cho rằng lời cảnh báo của Washington là mánh khóe của Nhà Trắng để thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt nhiều tiền hơn trong cuộc chiến chống lại Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về nội dung báo cáo trên cho đến khi Nhà Trắng công bố chi tiết cụ thể.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng cho rằng cảnh báo của Washington là nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua thêm ngân sách cho chiến sự ở Ukraine.
“Rõ ràng Nhà Trắng đang cố gắng thúc đẩy Quốc hội bỏ phiếu về dự luật phân bổ thêm tiền”, ông Peskov nói với các phóng viên hôm 15-2.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí của Matxcơva đã cáo buộc Mỹ “bịa đặt ác ý” nhằm vào Nga, theo Hãng thông tấn TASS (Nga).
Trước đó, báo New York Times và Đài ABC News dẫn thông tin tình báo cho biết Nga đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh trên không gian.
Việc đe dọa các vệ tinh ngoài không gian có thể gây ra nhiều hệ lụy như phá hoại hệ thống thông tin liên lạc, giám sát, tình báo, cũng như việc chỉ huy và kiểm soát tình hình trên toàn thế giới, kể cả trong lĩnh vực hạt nhân.
Tờ New York Times cũng cho biết Mỹ không có khả năng chống lại loại vũ khí như vậy.
Hôm 14-2, Mỹ thông báo với Quốc hội nước này và các đồng minh châu Âu về thông tin tình báo mới liên quan đến khả năng hạt nhân của Nga, rằng nó có thể gây ra mối đe dọa đến tình hình quốc tế.
Theo Reuters, Mỹ luôn coi Nga và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, đồng thời dự đoán cả hai quốc gia này đang phát triển một loạt hệ thống vũ khí mới, bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí trên không gian mạng và ngoài không gian.
Trong khi đó, phía Matxcơva cũng tố Washington đang phát triển một loạt vũ khí mới.
Loạt bất đồng giữa Nga và Mỹ những năm gần đây đã làm xói mòn khuôn khổ các hiệp ước kiểm soát vũ khí nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa hai bên, những hiệp ước vốn được thành lập trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận