"Hồ sơ Pandora" hé lộ hoạt động tài chính ngầm của nhiều nhà lãnh đạo, tỉ phú và người nổi tiếng trên thế giới - Ảnh: ICIJ
Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố ‘Hồ sơ Pandora’ cho thấy hàng chục lãnh đạo, tỉ phú và người nổi tiếng khắp thế giới lợi dụng các 'thiên đường thuế' như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và Quần đảo Cayman để "che giấu" số tài sản khổng lồ.
Hồ sơ công bố ngày 3-10 điểm mặt các nhà lãnh đạo quốc gia và cựu lãnh đạo nổi tiếng như quốc vương Jordan, tổng thống Ukraine, thủ tướng CH Czech, cựu thủ tướng Anh Tony Blair...
Quốc vương Abdullah II - một đồng minh của Mỹ - được cho là đã sử dụng các tài khoản ở nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD mua các căn nhà sang trọng ở Anh và Mỹ. Theo Hãng tin Reuters, Cung điện Hoàng gia Jordan ngày 4-10 cho biết việc quốc vương sở hữu nhiều tài sản không có gì là bí mật, và quốc vương đã mua số tài sản trên từ thu nhập riêng và không dùng đến tiền ngân sách hay kho bạc nhà nước.
Trong khi đó, Điện Kremlin gọi những tiết lộ trong "Hồ sơ Pandora" là những "cáo buộc vô căn cứ". Theo Hãng tin AFP, Hồ sơ Pandora không nêu tên Tổng thống Nga Vladimir Putin, song có nêu sự giàu có của một số cá nhân có liên quan đến ông.
"Đây chỉ là một tập hợp những cáo buộc vô căn cứ. Chúng tôi không thấy có bất cứ sự che giấu nào về sự giàu có của những người có liên quan đến Tổng thống Putin", người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết.
Trong diễn biến liên quan, ngày 4-10, phe đối lập tại Pakistan kêu gọi Thủ tướng Pakistan Imran Khan ra lệnh cho các bộ trưởng và trợ lý có tên trong "Hồ sơ Pandora" nộp đơn từ chức và điều tra họ.
Theo tiết lộ từ ICIJ, "Hồ sơ Pandora" có nhắc đến tên của hơn 700 người Pakistan, bao gồm các thành viên trong nội các Thủ tướng Khan. Họ được cho là sở hữu bí mật các công ty và các quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD.
Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Tarin - có tên trong hồ sơ - cho biết chính phủ sẽ điều tra tất cả người được ICIJ đề cập đến, trong đó có cả ông. Ông Tarin nói ông không làm gì sai trái.
"Hồ sơ Pandora" tiết lộ tài sản ngầm, nghi vấn trốn thuế và rửa tiền của những người giàu có và quyền lực nhất thế giới. Với 2,94 TB dữ liệu chứa 11,9 triệu tài liệu, đây là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017).
Việc xác minh tính xác thực của "Hồ sơ Pandora" là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ thực hiện cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.
Tổng cộng ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các "thiên đường thuế" với các nhân vật nói trên. Hơn 2/3 số công ty này được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận