Các VĐV điền kinh Việt Nam đã ghi dấu ấn rực rỡ tại SEA Games 31 - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 18-5, các VĐV điền kinh Việt Nam đã mang về thêm 3 HCV: Lò Thị Hoàng (ném lao nữ, phá kỷ lục SEA Games), Phạm Thị Hồng Lệ (10.000m), tiếp sức 4x400m nữ. Thành công của điền kinh một lần nữa khẳng định hướng đi đúng trong việc đầu tư của thể thao Việt Nam.
Chiếc huy chương... kim cương
Đó là HCV của Nguyễn Linh Na ở nội dung 7 môn phối hợp nữ - một trong số các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh. Đây có thể coi là một trong những bất ngờ lớn nhất tại SEA Games 31.
Với 5.415 điểm, cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na đã mang đến điều kỳ diệu khi đoạt HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm - VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập).
HLV Vũ Văn Huyện - kỷ lục gia SEA Games nội dung 10 môn phối hợp và là thầy của Linh Na - cho biết chính anh cũng bất ngờ với chiến tích này, bởi 2 năm trước Linh Na bị chấn thương phải mổ chân và sau 4 tháng cô mới tập được.
Suốt thời gian qua hai thầy trò không có đồng đội để tập luyện mà tự tập tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Anh Huyện dự báo Linh Na chỉ có thể đạt hơn 5.200 điểm nhưng cuối cùng cô học trò của mình đã làm được nhiều hơn những gì mọi người dám kỳ vọng vào cô.
Bất ngờ những gương mặt mới
Bất ngờ tiếp theo của SEA Games 31 phải kể đến HCV chạy 100m rào nữ của VĐV Bùi Thị Nguyên (21 tuổi) với thời gian 13 giây 51. Trước đó, giới chuyên môn kỳ vọng đàn chị Huỳnh Thị Mỹ Tiên mới là người giật vàng. Nhưng trong ngày thi đấu xuất thần, Bùi Thị Nguyên đã giành HCV sau 5 năm chờ đợi.
Sau khi sinh con, nhà vô địch Bùi Thị Thu Thảo đã trở lại ở nội dung nhảy xa nữ. Dù rất cố gắng nhưng Thu Thảo đã phải chấp nhận để thua đàn em Vũ Thị Ngọc Hà (22 tuổi). Ngọc Hà cũng là một điểm sáng ở SEA Games 31 khi cô giành HCV nhảy xa với thành tích 6,39m, hơn Thu Thảo (HCB) đúng 1cm.
Chiều 18-5, VĐV người dân tộc Thái Lò Thị Hoàng tiếp tục gây địa chấn khi giành HCV ném lao với thành tích 56,37m, phá kỷ lục cũ của SEA Games là 55,97m.
Quách Thị Lan cũng đoạt chiếc HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400m rào nữ SEA Games, sau khi đánh bại đàn chị Nguyễn Thị Huyền. Đây là dấu mốc quan trọng của Lan bởi trước đó dù giành HCV Asiad, rất nhiều HCV tiếp sức SEA Games nhưng cô chưa từng có HCV cá nhân vì cứ ra sân là "sợ" đàn chị Nguyễn Thị Huyền.
Ngôi sao thực sự của điền kinh Việt Nam những năm qua và tại SEA Games 31 vẫn là "bé hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh. Trước đó ở SEA Games 30, Oanh đã lập kỳ tích khi giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m.
SEA Games 31, Oanh tiếp tục đăng ký tham dự 3 nội dung trên. Không chỉ tái lập thành tích đoạt cả 3 HCV, Oanh còn phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian 9 phút 52,44 giây (kỷ lục cũ do cô lập tại SEA Games 30 với 10 phút 00,02 giây).
Tại SEA Games 30, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV và đứng số 1 Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan với 12 HCV. Trải qua 5 ngày thi đấu, thời điểm này đội tuyển điền kinh Việt Nam đã mang về 19 HCV và đang tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á. Hôm nay 19-5, điền kinh thi đấu ngày cuối, hứa hẹn có thể nâng số HCV để đánh dấu một kỳ SEA Games thành công rực rỡ.
Nhớ Lê Tú Chinh
Trước SEA Games 31, việc "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh bị chấn thương phải lên bàn mổ đã khiến cho điền kinh Việt Nam mất đi 1 - 2 HCV ở nội dung 100m, 200m.
Sau khi Tú Chinh chấn thương, khoảng trống mênh mông ở cự ly ngắn của điền kinh Việt Nam đã xuất hiện. Hiện không có bất cứ VĐV nào có trình độ tiếp cận được với Tú Chinh, đây là nỗi lo lớn của điền kinh Việt Nam.
Còn ở nội dung 400m, do chấn thương nên VĐV Trần Nhật Hoàng cũng không thể bảo vệ HCV 400m, đội tuyển tiếp sức thất bại ở cả 2 nội dung tiếp sức 4x400m nam và 4x400m nam nữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận